Bởi, mặc dù chưa có văn bản chính thức nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến năm 2015 sẽ có 34-35 cụm thi trên cả nước và coi việc lấy điểm trung bình lớp 12 kết hợp với điểm thi kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp nhằm tránh học lệch.
Căng thẳng nỗi lo tiêu cực
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, việc sử dụng kết quả học tập lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT đã được các nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội tin tưởng ghi nhận nên sẽ tiếp tục được thực hiện trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Ông Trinh lý giải, việc rút bớt các môn thi tốt nghiệp THPT xuống còn 4 môn thay vì 6 môn như những năm trước sẽ giúp giảm áp lực kỳ thi nhưng cũng khiến học sinh có thể “bỏ qua” những môn học không phải thi. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã quy định sử dụng phối hợp kết quả các môn thi với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đây là một trong những biện pháp nhằm tạo động lực để học sinh khắc phục tình trạng học lệch.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng cách làm này có dụng ý tốt. Tuy nhiên, qua một năm thực hiện, nhiều học sinh vẫn chỉ tập trung vào các môn sẽ thi tốt nghiệp và thi đại học. Vì vậy, theo ông Lâm, Bộ GD-ĐT vẫn cần phải có các hình thức kiểm tra, đánh giá toàn diện hơn để khắc phục triệt để tình trạng học lệch.
Nói về hệ quả của việc sử dụng kết quả học tập lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, các chuyên gia lại lo ngại sẽ phát sinh tiêu cực để đạt điểm trung bình lớp 12 cao hơn sức học thực tế. Thạc sỹ giáo dục Kim Ngọc Minh cho rằng, ngay cả học bạ còn sửa được, huống hồ việc tìm cách “tác động” có chủ ý để có điểm trung bình cao, làm nấc thang quan trọng cho tốt nghiệp THPT và vào đại học. Đánh giá quá trình là phương pháp đánh giá hiện đại nhưng chỉ phù hợp khi có tính tự giác và trung thực cao.
Chưa kể, sẽ có một “ cuộc đua” giữa phụ huynh và giáo viên khi mà các phụ huynh đều cho rằng sẽ rất khó để con em mình đạt điểm cao đều tất cả các môn học, nếu không “tác động” thì con mình sẽ thiệt thòi hơn các bạn? Nhiều giáo viên cũng lo nếu mình quá khắt khe mà các trường bạn, tỉnh bạn lại “mở” trong việc đánh giá điểm lớp 12 thì học sinh của mình sẽ thiệt.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, theo quy luật chung, chắc chắn khi có quy định mới, người học sẽ tìm cách thích ứng và sẽ có cả tiêu cực. Do đó, việc hạn chế các tiêu cực cần nhiều biện pháp, bao gồm cả việc tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về năng lực thực chất. Đồng thời, các trường phải đảm bảo sự minh bạch, công khai, xử lý nghiêm những trường hợp tố giác “chạy” điểm. “Sở GD-ĐT cần quản lý điểm số hàng tháng, tránh việc cuối năm, cuối học kỳ, phụ huynh nhờ vả thầy cô sửa điểm” - TS Nguyễn Tùng Lâm gợi ý.
Nên tổ chức mỗi tỉnh một cụm thi
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, một kỳ thi quốc gia là hoàn toàn hợp lý và ông ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT. Quan điểm của TS Hoàng nghiêng về hướng đây là kỳ thi kết thúc phổ thông hơn là tuyển đại học. Vì trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD – ĐT có nói quản đầu ra, thoáng đầu vào.
Kết thúc phổ thông có thể hiểu là quản đầu ra và kết hợp thêm yêu cầu phục vụ tuyển sinh, tức là giải quyết 2 yêu cầu trong một kỳ thi; nhưng mục đích chính vẫn là kết thúc phổ thông. Hơn nữa, kỳ thi này không thay cho tuyển sinh của các trường đại học vì tuyển sinh là câu chuyện tự chủ của các trường, nên kết quả của một kỳ thi họ chỉ tham khảo.
Do đó, TS Hoàng cho rằng ai học ở đâu ngồi thi ở đó, không phải di chuyển đến chỗ nọ, chỗ kia để thi, dù rằng trước mắt có thể thi thành cụm và có thể thi vài ba lần một năm. Đồng quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ đưa ra ý kiến học sinh học xong THPT đều bình đẳng khi thi tốt nghiệp. Vì vậy, thay vì tổ chức 34 cụm thi, nên tổ chức mỗi tỉnh một cụm để học sinh đỡ phải di chuyển xa, vì việc di chuyển gần 1 triệu thí sinh sẽ vất vả hơn rất nhiều lần nếu di chuyển đội ngũ giám thị coi thi. Về tổ chức thi, Bộ có thể chọn ra 63 trường đại học, mỗi trường có nhiệm vụ chủ trì một cụm thi.
* Trường cũng có thể tổ chức thi
Đối với thí sinh không có nguyện vọng thi ĐH, CĐ, Bộ GD – ĐT nên giao cho các trường tổ chức thi – đó là quan điểm của thầy Lê Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Có thể tổ chức thi như thi hết học kỳ, cuối năm học, gọn nhẹ nhưng nghiêm túc.
Lấy điểm kỳ thi này để làm Chứng chỉ công nhận tốt nghiệp (chứng chỉ này không có giá trị thi tuyển đại học, cao đẳng) và được chấp nhận để vào học trung cấp nghề, đi làm công nhân. Với thí sinh thi ở cụm địa phương, con đường vào đại học chưa hết. Các em vẫn có thể đăng ký vào những trường đại học tuyển sinh riêng, cầm bằng tốt nghiệp đi nước ngoài du học.
* “Phao” hết đất sống?
TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phân tích, lâu nay chúng ta kiểm tra kiến thức theo trí nhớ nên không cho mang tài liệu khiến thi sinh phải mang trộm tài liệu. Bây giờ nếu kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực người học, có thể cho mang tài liệu thoải mái, thậm chí còn có thể viết công thức lên bảng cho thí sinh.
Đề thi sẽ phải ra theo hướng học sinh xử lý kiến thức như thế nào khi được phép mang công thức, mang tài liệu vào. Học công thức là cần thiết để có logic trong tư duy nhưng không nên bắt học sinh phải nhớ. Điều quan trọng là hiểu công thức để ứng dụng.
Do đó, theo TS Hoàng, chính việc ra đề thi như thế nào sẽ quyết định sự “sống còn” của câu chuyện “phao thi”. Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, đề thi năm nay sẽ ra theo hướng mở nhiều hơn, điều đó có nghĩa người học phải có kiến thức thực tế, kiến thức xã hội tốt mới giải quyết được câu hỏi và mới đạt được điểm cao