Buổi Lễ được tường thuật trực tiếp trên Kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội và các nền tảng số.
Trước đó, tối 4/1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự buổi tổng duyệt Lễ trao Giải.
Cùng dự có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Giải Diên Hồng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải Diên Hồng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải Diên Hồng lần thứ Ba cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra toàn diện mọi mặt công tác chuẩn bị, nhằm đảm bảo chu đáo nhất cho Lễ trao Giải vào tối 5/1 diễn ra thành công tốt đẹp.
Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân được triển khai hiệu quả, rộng khắp nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức người dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng, các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quyết sách của Hội đồng nhân dân vào cuộc sống.
Giải cũng nhằm động viên, khuyến khích các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Về số lượng tác phẩm dự thi, sau hơn 11 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 4.079 tác phẩm của 163 cơ quan báo chí. Số lượng tác phẩm dự thi lần này cao hơn so với Giải Diên Hồng lần thứ Nhất và lần thứ Hai.
Các tác phẩm dự thi phong phú, tăng về số lượng, chất lượng, đặc biệt là ở thể loại báo điện tử, phát thanh, truyền hình, báo in. Các tác phẩm đã bám sát hơi thở cuộc sống, đa dạng về đề tài, lĩnh vực và phản ánh đậm nét những ưu tiên chỉ đạo mới của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là những vấn đề đặt ra cho đất nước và cả hệ thống chính trị chuẩn bị thế và lực, quyết tâm đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh đó, các tác phẩm tập trung phán ánh sinh động chức năng, hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, nhiều tác phẩm đã tập trung khai thác đề tài đổi mới tư duy lập pháp, đổi mới thể chế, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp...
Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, dài kỳ, sử dụng đa phương tiện, đồ họa đã thể hiện tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại và sự làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các tác giả, nhóm tác giả. Giải năm nay đã có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương; trong đó, số lượng các cơ quan báo chí địa phương tích cực tham gia Giải đã tăng hơn mùa trước; chất lượng tác phẩm được thu hẹp khoảng cách giữa trung ương và địa phương ở loại báo hình, báo điện tử, báo in rất rõ nét. Qua đó, cho thấy sự quan tâm của báo giới nói riêng cũng như dư luận nói chung đối với hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ của 105 tác phẩm do Hội đồng chấm sơ khảo đề xuất vào vòng chung khảo, Hội đồng chấm chung khảo đã chọn được 83 tác phẩm xuất sắc nhất để đề xuất Ban Tổ chức trao Giải, trong đó có: 8 Giải A; 15 Giải B; 20 Giải C; 40 Giải Khuyến khích.