Tam giác chọn nghề
Tại Ngày Hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2021 được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, nhiều chuyên gia hướng nghiệp đã khuyên các bạn trẻ nên lựa chọn ngành nghề theo nguyên tắc: nghề - ngành - trường, tức chọn nghề, chọn ngành trước rồi chọn trường sau.
Trong đó, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó. Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn và nhu cầu thị trường lao động sau 4-5 năm tới.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng, một số ngành nghề thời điểm hiện tại rất “hot” nhưng chưa chắc trong tương lai đã có nhu cầu nhân lực cao. Bởi theo TS Thảo quan sát nhu cầu thị trường lao động những năm gần đây, một số ngành đã và đang tiếp tục có xu hướng phát triển bền vững như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử…
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cũng nhấn mạnh, một xã hội muốn phát triển bền vững luôn cần tất cả các ngành. Khi một ngành nào đó phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của những ngành liên quan.
Dự báo thêm về nhu cầu nhân lực, thầy Thảo cho rằng các ngành có nhu cầu lớn trong tương lai như giao thông vận tải, cơ khí, ô tô, điều khiển tự động hóa, ngôn ngữ, y học. Điểm chung của các ngành này hầu hết đều thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược...
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội - lại lưu ý thí sinh cần phân biệt ngành “hot” và ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. Thực tế, một số ngành thí sinh chưa nắm rõ thông tin, ít đăng ký và được cho là không “hot” nhưng sinh viên học đến năm thứ 3, thứ 4 đã được các doanh nghiệp săn lùng như luyện kim, kỹ thuật vật liệu…
PGS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - phân tích: Với mỗi thí sinh chọn ngành mình yêu thích thôi chưa đủ mà còn cần xét đến năng lực học tập, hoàn cảnh của bản thân cũng như điều kiện kinh tế gia đình. Các em không nên chỉ tập trung chọn những ngành được cho là “hot” vì trong bối cảnh nền kinh tế số, các ngành nghề có xu hướng dịch chuyển, giao thoa rất nhanh. Một số ngành hiện tại có thể được cho là hấp dẫn nhưng trong tương lai có thể ngược lại.
Các chuyên gia đều cho rằng, không phải là ngành “hot” mà điều mỗi người tích lũy được trong quá trình học cộng với các kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tính kỷ luật, thích nghi và ý chí vươn lên mới quyết định sự thành công sau này.
Không chạy theo tâm lý đám đông
Dưới góc độ chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn lưu ý việc chọn ngành học, trường học không chỉ bó hẹp ở bậc đại học mà còn có thể ở bậc cao đẳng, trung cấp. Điều quan trọng khi dự kiến con đường học tập tiếp theo là thí sinh phải tìm hiểu để biết nghề đó có phù hợp năng lực, tính cách và sở thích của mình hay không; tránh trường hợp chọn ngành, chọn trường chỉ theo cảm tính, không quan tâm đến điều kiện của gia đình và nhu cầu của xã hội. Không phải là ngành “hot” mà điều mỗi người tích lũy được trong quá trình học cộng với các kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tính kỷ luật, thích nghi và ý chí vươn lên mới quyết định sự thành công sau này.
Còn TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định - đưa ra gợi ý về 3 bước chọn ngành, hướng nghề. Bước đầu tiên là thí sinh phải hiểu rõ chính mình bởi mỗi một ngành, nghề đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công. Nếu các em có khả năng ngôn ngữ, thích giao tiếp, các ngành về sư phạm, truyền thông, kinh doanh sẽ là phù hợp. Còn nếu các em yêu thích tính toán, con số, logic thì các ngành liên quan tới tài chính, kiểm toán sẽ là thế mạnh. Bước thứ hai là chọn ngành, chọn lĩnh vực phù hợp.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm khoa các Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội - nhấn mạnh: Nghề nghiệp có thể sẽ theo mình suốt cả cuộc đời, nếu không phù hợp bản thân sẽ không gắn bó với nó và rất khó có thể cống hiến hết mình. Ngoài ra, khi lựa chọn nghề, thí sinh cần mở rộng diện ngành nghề lựa chọn, lĩnh vực để làm cơ sở chọn ngành và cuối cùng là chọn trường phù hợp trên cơ sở năng lực học tập (điểm thi) mà mình đạt được.
TS Nguyễn Đào Tùng - Phó Giám đốc Học viện Tài chính - cũng đưa ra một số lưu ý với thí sinh trong việc chọn nghề. Theo đó, trước khi đăng ký chọn ngành hay chọn trường thí sinh cần hết sức bình tĩnh, tự đặt câu hỏi xem ngành đó có hợp với năng lực, sở trường của mình hay không? Các em cũng không nên chạy theo thị hiếu đám đông để chọn ngành nghề, hãy cân nhắc để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và xu hướng việc làm sau khi ra trường.