Đây là Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP nhằm hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành Tư pháp trong nhiệm kỳ mới, trên cơ sở định hướng xây dựng và phát triển ngành Tư pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Không có quá nhiều thay đổi
Báo cáo việc xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế, Q.Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Đức Hiển cho biết, về chức năng của Bộ cơ bản không thay đổi so với Nghị định 22 trước đây. Về nhiệm vụ, Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ bảo đảm phù hợp với các văn bản mới được ban hành trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hợp tác quốc tế về pháp luật, đồng thời rà soát, sửa đổi một số nhiệm vụ về cải cách hành chính, công chức, công vụ, quản lý nhà nước các tổ chức dịch vụ công để phù hợp với Nghị định số 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung một số nhiệm vụ mới được giao cho Bộ sau khi Nghị định số 22 được ban hành như nhiệm vụ về quản lý Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/NQ-QH13 của Quốc hội, nhiệm vụ về quản lý quản tài viên và hành nghề quản lý thanh lý tài sản theo Nghị định số 22/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, có một số nhiệm vụ cụ thể cần nghiên cứu, quy định rõ hoặc trình Chính phủ giao Bộ, ngành Tư pháp thực hiện liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; triển khai thi hành Hiến pháp và các bộ luật lớn như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự…
Đối với cơ cấu tổ chức, cơ bản giữ như Nghị định 22. Đồng thời có đề xuất một số điểm mới như: thành lập đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tổng thể trước Lãnh đạo Bộ về công tác xây dựng pháp luật – một trong những lĩnh vực công tác mũi nhọn của Bộ cần có sự quản lý tập trung, thống nhất; chuyển đổi mô hình của Vụ Kế hoạch - Tài chính để có thể tổ chức thực hiện tốt và bài bản hơn một số nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thống kê, mua sắm tài sản tập trung của Bộ; chuyển nhiệm vụ về chứng thực từ Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực sang Cục Bổ trợ tư pháp; các phương án thành lập phòng trong Vụ và tiêu chí thành lập phòng trong Vụ theo Nghị định số 123/2016/NĐ-CP.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã tập trung thảo luận về các vấn đề thành lập mà tổ biên tập xin ý kiến, trong đó việc đề xuất thành lập Tổng cục xây dựng pháp luật thu hút được nhiều ý kiến tham gia thảo luận. Về việc chuyển đổi mô hình của Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Kế hoạch – Tài chính, các ý kiến cơ bản đồng tình với đề xuất của Tổ biên tập; tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa Cục Kế hoạch – Tài chính với Ban Quản lý các dự án đầu tư và Vụ Kế hoạch – Tài chính thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự. Đối với việc chuyển nhiệm vụ chứng thực về Cục Bổ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết việc gắn kết nhiệm vụ về công chứng với chứng thực là cần thiết; tuy nhiên hiện Cục được giao quản lý 10 lĩnh vực, công việc rất nhiều nên cần cân nhắc kỹ thêm.
Đặt vấn đề liệu có thể sắp xếp mạnh mẽ hơn được không, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chia sẻ sự ổn định hiện nay đem lại hiệu quả công việc, nhưng cũng cần đổi mới để phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Qua các ý kiến, Thứ trưởng đề nghị bổ sung chức năng theo dõi thi hành pháp luật cũng như tiếp tục rà soát các nhiệm vụ cụ thể của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là các luật, nghị định có giao nhiệm vụ cho Bộ, ngành Tư pháp. Cá nhân Thứ trưởng nhận thấy việc thành lập Tổng cục Xây dựng pháp luật thời điểm hiện nay cần tiếp tục nghiên cứu báo cáo Lãnh đạo Bộ theo các phương án để cân nhắc một cách kỹ lưỡng, thấu đáo bảo đảm tính khả thi, nhất là trong tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.