“Vạn sự khởi đầu nan”, dù có thể hôm nay Ngày Pháp luật vẫn còn rất mới, song khi khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã trở thành lẽ sống thì ngày này sẽ mở ra một giai đoạn mới về xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật…
Mặc dù theo chương trình, 20h Lễ công bố Ngày Pháp luật mới chính thức diễn ra song từ 18h ngày 8/11, trước sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã có rất nhiều những “vị khách đặc biệt”. Tuấn Anh - sinh viên K37, Đại học Luật Hà Nội - phấn khởi khoe: “Đi học về là chúng em đến đây ngay. Ai cũng háo hức, phải cố gắng đến thật sớm để được chứng kiến buổi lễ ngay từ đầu. Mình là sinh viên Luật, Ngày Pháp luật không những mình phải biết mà còn phải nhớ để nhắc nhở mọi người”.
Hà Thúy Lan đến từ Tuyên Quang - sinh viên năm thứ nhất Đại học Luật, xúc động nói: “Mặc dù chưa biết nhiều về Ngày Pháp luật nhưng chúng em hiểu pháp luật có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống. Vì vậy em mới thi vào Đại học Luật”… Lan gọi điện về cho gia đình ở tận Tuyên Quang thông báo: “20h truyền hình trực tiếp Ngày Pháp luật” để cả gia đình mở ti vi xem. 600 sinh viên Luật là con số mà Ban tổ chức ước tính sẽ tham dự Lễ công bố, nhưng thực tế con số có thể lớn hơn vì theo Thu Phương - sinh viên K38 thì “đây là một sự kiện trọng đại, bạn nào ở trường cũng biết nên đều muốn được tham gia”.
Cán bộ cơ quan tư pháp các tỉnh lân cận cũng về Hà Nội từ rất sớm mặc dù công việc cuối năm bận rộn. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Nghĩa chia vui: “Năm nay, nếu bình chọn sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp, chắc chắn sẽ có tên Ngày Pháp luật. Còn Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến thì cho biết, dự Lễ công bố Ngày Pháp luật, cán bộ công chức Cục THADS và lãnh đạo các Chi cục đều có mặt đông đủ. Đặc biệt, cả những cán bộ từ các huyện ngoại thành xa xôi như Ba Vì, Sóc Sơn… về từ rất sớm.
19h, cả hội trường rộng lớn của Trung tâm Hội nghị quốc gia đã không còn một chỗ trống. Ngoài đại biểu khách mời, rất nhiều người dân Thủ đô vì biết có sự kiện này qua phương tiện truyền thông nên cũng muốn đến để theo dõi buổi Lễ công bố. Hàng ngàn tài liệu về Ngày Pháp luật đã được phát ra với những hình ảnh hết sức đẹp mắt, các thông điệp giản dị mà dễ hiểu. Vì thế, nhiều người trước khi đến với buổi lễ còn “mơ hồ” về Ngày Pháp luật thì nay đã hiểu đây là một sự kiện pháp lý đặc biệt, nó nhắc nhở mỗi người về sự cần thiết của pháp luật trong đời sống.
Từ sáng kiến của một số địa phương, qua thời gian thử nghiệm đã chứng tỏ Ngày Pháp luật là một hình thức phổ biến giáo dục pháp luật mới, góp phần đa dạng, hấp dẫn hơn các hình thức tuyên truyền. Vì sự ưu việt đó, Ngày Pháp luật đã chính thức được đưa vào Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Theo đó, ngày 9/11 hàng năm (là ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.
Không chỉ đến hôm nay - ngày 9/11, Ngày Pháp luật mới được tổ chức thực hiện mà trước đó, rất nhiều địa phương, Bộ ngành, cơ quan, đoàn thể đã tổ chức những đợt cao điểm Ngày Pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, Ngày Pháp luật không chỉ là cơ hội để cán bộ, công chức cơ quan nhà nước học tập pháp luật mà còn tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực đến với người dân, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
“Tôi mong pháp luật phải là cái gì đó thật gần gũi, không còn xa lạ với mỗi người dân, trong đó tầng lớp thanh niên phải là những người đi đầu trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Không chỉ trong Ngày Pháp luật mà tinh thần đó phải hiện diện trong cuộc sống từng ngày, từng giờ…”. Có lẽ lời hưởng ứng của sinh viên Phạm Thị Tuyết Anh - đại diện Đoàn TNCSHCM - cũng là suy nghĩ, là mong muốn của người dân về một Ngày Pháp luật ở “mọi lúc, mọi nơi”.