Sau một thời gian làm “nông dân”, mở trang trại cá sấu rồi xưởng sản xuất đồ da cá sấu nổi danh đất Cảng, mới đây, Cao Văn Tuấn – tức Tuấn “cá sấu” - bỗng nổi hứng… sản xuất trà. Bây giờ, trụ sở Cty cá sấu Việt Nam của Tuấn đã thành nơi đặt xưởng sản xuất loại trà xanh mang thương hiệu Mạc Trà. Tuấn “cá sấu” bảo, anh đến với Mạc Trà hết sức ngẫu nhiên…
Loại trà huyền thoại
Trụ sở Cty cá sấu Việt Nam (phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) một buổi tối. Trong một gian đình viện lợp ngói đỏ, bốn người đàn ông ngồi đối ẩm, Tuấn “cá sấu” cởi mở uống rượu ngâm thơ thật sảng khoái. Bỗng một vị khách tiết lộ rằng anh đang làm trà, muốn tìm đầu ra cho trà nhưng khó khăn quá bởi trà Việt chưa có thương hiệu.
Câu chuyện gợi mở cho Tuấn một suy nghĩ, nếu sau này có kinh doanh trà, anh sẽ phải có một thương hiệu vừa đại diện cho trà Việt vừa mang dấu ấn quê nhà. Có lẽ ý tưởng đó sẽ bị lãng quên nếu như không có ngày Tuấn “cá sấu” nghe được những huyền thoại về Mạc Trà.
Trong một lần về Dương Kinh - nơi phát tích vương triều Mạc - Tuấn “cá sấu” tình cờ đọc được hai câu thơ của Nguyễn Dữ (được Mạc Đăng Dung ban họ là Mạc Trí Hiền): “Cao Tuyên thảo địa linh/Mạc trà cung đình ẩm”.
Vốn ham mê thưởng trà những lúc thư nhàn, Tuấn “cá sấu” đâm tò mò: Cây trà đó thế nào, mọc ở đâu, cách thức sao tẩm thế nào mà có thể trở thành một loại trà cung đình?. Những câu hỏi đó cứ đeo đuổi Tuấn “cá sấu”, giục anh tìm đủ mọi thông tin về loại trà cung đình của vương triều Mạc thuở nào.
Truyền thuyết kể rằng, trong thời kỳ chiến chinh, một lần Mạc Đăng Dung bị quân phản loạn phục kích, đành chạy vào một ngôi chùa ở quê nhà. Được giấu trong Tam Bảo, hàng ngày vị sư trụ trì đều ban cho ông một tách trà, loại trà có cánh trắng như tuyết uống vào có vị chát đắng nhưng uống xong lại có vị ngọt lịm ở cổ họng.
Mê loại trà ngon, ông tìm hiểu và biết đó là loại trà Shan tuyết mọc ở dãy Tây Côn Lĩnh quanh năm chìm trong mây. Sau này khi dẹp tan quân phản loạn, bước lên ngôi vua, loại trà quý trong những ngày bị vây khốn đã trở thành thức uống quen thuộc của Mạc Thái Tổ, còn khu vực quanh ngôi chùa được nhà vua cho phát triển thành làng nghề chế tác trà cung đình nổi danh có tên Trà Hương.
Tương truyền, mỗi lần múa thanh long đao, Mạc Thái Tổ lại thưởng ngoạn loại trà Shan tuyết này và Mạc Trà ra đời từ đó. Huyền thoại về Mạc Trà bám theo “vua cá sấu” đất Cảng suốt một thời gian dài. Rồi một ý nghĩ táo bạo lóe lên với Tuấn “cá sấu”. Tại sao không khôi phục Mạc Trà huyền thoại?.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (thứ 4 từ trái qua) trong câu chuyện về Mạc Trà |
Truy tìm bí quyết Mạc Trà
Một buổi tối đầu năm 2011, ngôi nhà của nhà sử học Dương Trung Quốc có tiếng gõ cửa. Ông ra mở cửa thì thấy người bạn vong niên chính là Tuấn “cá sấu” từ Hải Phòng tìm tới. Ông Quốc bật mí cho Tuấn “cá sấu” biết rằng, trà cung đình là loại được sao tẩm, có một bí quyết độc đáo, nguyên liệu làm trà cũng đã đặc biệt, lá trà được hái từ những cây trà Shan tuyết cổ thụ mọc trên dãy núi cao ở vùng Cao Bằng, Hà Tuyên.
Từ gợi mở của ông Quốc, tìm các loại sách về trà, tìm những tư liệu cũ về nhà Mạc, Tuấn “cá sấu” cũng tích lũy được khá nhiều hiểu biết về trà, nhất là Mạc Trà huyền thoại. Cẩn thận hơn, Tuấn “cá sấu” tìm tới giáo sư Vũ Khiêu. Vị giáo sư già nghe chuyện một gã “giang hồ vặt” đất Cảng từng nổi danh với “cá sấu” hỏi về trà đã rất ngạc nhiên, nhưng biết bản tính Tuấn “cá sấu” vốn đã quyết là làm bằng được nên cụ “mở mang” cho Tuấn khá nhiều kiến thức về trà. Như kẻ chết khát gặp mưa rào, kiến thức của Tuấn “cá sấu” về Mạc Trà từ một dấu tích huyền thoại nay càng ngày càng sáng rỡ.
Rồi một sớm đầu hè, nhà nghệ nhân trà Thành Sơn ở thị xã Hà Giang bỗng có một đoàn khách dưới xuôi viếng thăm. Người trung niên cao gày có bộ ria con kiến dẫn đầu đoàn khách lễ phép chào hỏi rồi thẳng thắn nhờ ông giúp đỡ.
Tuấn “cá sấu” say mê nói về trà khá uyên thâm khiến vị nghệ nhân trà xứ cao nguyên đá sinh hảo cảm. Ông Sơn cho Tuấn “cá sấu” một mớ tư liệu cũng như kinh nghiệm tích lũy về trà của mình cho người bạn mới. “Muốn có một búp trà thuần khiết thì phải hái từ cây trà Shan tuyết trên núi cao nhưng búp trà phải đảm bảo một búp một lá, hái xong phải sơ chế không được để thâm đầu lá” - ông Sơn truyền bí quyết.
Tổng hợp những kiến thức học hỏi được, Tuấn “cá sấu” đã cơ bản có được bí quyết của Mạc Trà huyền thoại. Mạc Trà phải được hái từ cây chè cổ thụ hàng trăm năm trên núi đá cao vươn ngập trong mây, nơi khí hậu quanh năm mát mẻ, có tuyết rơi.
Loại trà này chỉ cho búp vào mùa xuân và thu, cho nước xanh và vị đượm. Trà phải hái khi búp còn đang “uống trăng”, tức là từ thượng đến trung tuần trăng, hái xong trong vòng vài ba giờ phải được sơ chế để sau đó tinh chế, tẩm ướp giữ lấy vẻ tinh túy cùng hương vị đặc trưng. Búp chè sau khi sao tẩm có lớp tuyết mỏng, khi pha trà có màu vàng trăng cùng những hạt tuyết lấm tấm…
Một thương hiệu “độc”
Thế là, Tuấn “cá sấu” cùng cộng sự lại tiếp tục những chuyến đi tới các bản làng vùng cao để tìm một vùng nguyên liệu, tìm lên tận bản Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. “Chuyến đi khá vất vả, có đoạn phải bỏ lại xe ô tô đi xe ôm vào bản nhưng kết quả thật mỹ mãn. Chúng tôi được Lý Chòi Nhàn - Phó Chủ tịch xã - tiếp”. Vị cán bộ xã am hiểu về cây chè Shan tuyết đã đưa Tuấn “cá sấu” khảo sát khắp nơi, một vùng nguyên liệu mênh mông trải ra trước mắt Tuấn “cá sấu” khiến anh mừng phát điên.
Tiếp đó, Tuấn “cá sấu” tìm đến nhiều bản làng vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, ngắm vào những cây chè cổ thụ có thể cho búp chè đúng yêu cầu phục dựng Mạc Trà huyền thoại.
Không lâu sau, ở gần bản Phìn Hồ mọc lên một xưởng sơ chế lá chè Shan tuyết cổ thụ của Cty CP Mạc Trà, một xưởng khác đặt ở Hàm Yên, Tuyên Quang. Những lá chè Shan tuyết cổ thụ sau khi sơ chế được chuyển về trụ sở Cty ở Hải Phòng tinh chế theo công thức đặc thù tạo thành bốn loại trà độc đáo: Mạc đao kỳ trà, Mạc long kỳ trà, Mạc nhạn kỳ trà và Mạc phi kỳ trà.
Tuấn “cá sấu” cho hay, sản phẩm Mạc đao kỳ trà xuất phát từ huyền thoại lúc đương thời Thái tổ Mạc Đăng Dung có thú vui múa đao thưởng trà, cánh trà vì thế được ép mảnh có hình giống như lưỡi long đao của vua Mạc Thái Tổ.
Còn Mạc long kỳ trà thì cánh trà uốn lượn như con rồng bay múa; Mạc nhạn kỳ trà là loại trà búp trà hái vào kỳ thứ ba của vụ, cánh trà có một vết mổ của con chim nhạn, trà được sao tẩm vo tròn thành viên. Riêng Mạc phi kỳ trà thì cánh trà giữ nguyên hình dáng của búp trà truyền thống người Việt.
Tháng 9 vừa qua, nhân kỷ niệm 470 năm ngày mất của Mạc Đăng Dung, tại thành Dương Kinh vừa được phục dựng tại xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), Cty Mạc Trà đã tổ chức Vũ khúc dâng trà, các thiếu nữ hoa khôi đất Cảng cung kính dâng lên Mạc Thái Tổ năm mâm tháp trà với đầy đủ sản phẩm Mạc Trà.
Theo Tuấn “cá sấu”, Mạc Trà đang ở giai đoạn khởi đầu, anh đang tạo dựng thương hiệu với mong muốn ban đầu chiếm lĩnh thị trường trong nước. Ước vọng của Tuấn “cá sấu” đang ấp ủ là một ngày không xa, đem trà Việt quảng bá ra thế giới với thương hiệu Mạc Trà huyền thoại….
Linh Nhâm