Ngày 28/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Nguyễn Võ Quỳnh Trang để điều tra về hành vi "Hành hạ người khác" theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Ngày 31/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh bắt khẩn cấp Nguyễn Trung Kim Thái để điều tra về hành vi hành hạ, ngược đãi con theo Điều 185 Bộ luật Hình sự. Hiện Công an đã khởi tố Trang thêm tội “Giết người”, khởi tố Thái thêm tội “Che giấu tội phạm” và tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Lời khai vô cảm của người cha ruột
Vào lúc 18h ngày 22/12, Bệnh viện Vinmec (quận Bình Thạnh) tiếp nhận cháu gái N.T.V.A. (8 tuổi) do cha ruột Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, thường trú quận 1) đưa đến cấp cứu trong tình trạng ngưng tuần hoàn tim phổi và đã tử vong, thi thể cháu có nhiều vết thâm bầm lớn nghi bị đánh nên trình báo Công an.
Qua xác minh của Công an, Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, thường trú Gia Lai) sống chung như vợ chồng với Thái cùng cháu V.A. từ giữa năm 2020 tại một căn hộ ở chung cư Saigon Pearl, quận Bình Thạnh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 23/12, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Bình Thạnh xác định Trang có dấu hiệu bạo hành, đánh đập bé gái dẫn đến tử vong nên đã bắt khẩn cấp Trang tiếp tục điều tra.
Tại cơ quan điều tra, Trang thừa nhận nhiều lần dùng roi mây đánh, la mắng cháu gái lúc dạy học. Khoảng 14h ngày 22/12, trong quá trình dạy học, do bực tức việc cháu gái chậm hiểu bài nên Trang la mắng và dùng cây gỗ đánh, dùng chân đá… Đến khoảng 18h cùng ngày, bé V.A. bị nôn ói, Trang phát hiện nên gọi điện cho Thái về nhà sơ cứu, cùng bảo vệ chung cư đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu, sau đó bé tử vong.
Trong khi đó, Thái cũng thừa nhận đã nhiều lần chứng kiến con gái mình bị “dì ghẻ” Trang dùng roi, cây đánh. Tuy nhiên Thái cho biết không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra nên vẫn để Trang “dạy dỗ” con gái mình thời gian qua. Có lần chính Thái cũng cầm cây và đánh con gái nhiều cái.
Công an quận Bình Thạnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ cháu gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong lên Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra xử lý. Cơ quan điều tra đã củng cố nhiều thông tin, chứng cứ, phục hồi camera trước đó, cho thấy Thái có vai trò đồng phạm với Trang. Ngoài ra Thái còn có dấu hiệu hành vi cấu thành tội che giấu tội phạm.
Cụ thể, camera đã phục hồi ghi nhận Trang nhiều lần bạo hành, đánh đập cháu gái đều có sự chứng kiến của Thái nhưng Thái không đến can ngăn. Hôm xảy ra sự việc đau lòng, lúc chờ cấp cứu ở bệnh viện, Trang có kể cho Thái biết việc đánh cháu gái. Nhưng Thái không trình báo, không tố giác, mà còn vào ứng dụng điện thoại kết nối camera trong nhà, xóa dữ liệu camera.
Khi cơ quan điều tra hỏi lý do xóa camera, có thời điểm Thái khai rằng sợ vụ việc của con liên lụy đến Thái và Trang, bởi trước đó Trang từng đánh cháu khi dạy học. Bản thân Thái không muốn một “tai nạn” cướp mất đi người thân của mình, lại còn ảnh hưởng đến những người thân khác...
Hãy nâng cao trách nhiệm để bảo vệ trẻ em
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Kinh Luân) nêu quan điểm trong một bài viết, từ mô tả ban đầu, khắp người nạn nhân có nhiều vết thương cả cũ lẫn mới. Kết quả giải phẫu tử thi cho thấy nạn nhân bị gãy 3 xương sườn, phù phổi. Đây là những dấu vết rất quan trọng làm cơ sở để Cơ quan CSĐT đấu tranh với Nguyễn Võ Quỳnh Trang trong việc làm rõ bản chất của vụ án.
Luật sư Đức cho rằng, tội danh “Hành hạ người khác” có thể là tội danh ban đầu mà Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam để thực hiện quá trình tố tụng tiếp theo. Nếu qua kết luận giám định pháp y xác định nguyên nhân cái chết của cháu bé không phải là hậu quả trực tiếp từ hành vi đánh đập của Trang thì tội danh mà Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh khởi tố là phù hợp.
Qua thông tin trên báo chí về kết quả giải phẫu tử thi cho thấy, hành vi này có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Nhưng nếu Công an chứng minh được mặc dù không có ý thức tước đoạt mạng sống của nạn nhân nhưng Trang vẫn thực hiện hành vi đánh đập nạn nhân vào những vùng nguy hiểm trên cơ thể mà có khả năng làm nạn nhân tử vong nhưng bất chấp hậu quả. Hành vi này có dấu hiệu của tội “Giết người”. Thực tế, đến ngày 3/1/2022, Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã bị khởi tố về tội Giết người.
Trao đổi trên báo chí, Tiến sĩ luật Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vi phạm của “mẹ kế” và cha ruột của bé đã rõ, chắc chắn sẽ chịu bản án thích đáng của pháp luật nhưng phải có cách ngăn chặn những câu chuyện đau lòng tương tự như thế trong tương lai. Kể cả những người xung quanh cũng không thể không liên quan trong vụ việc này và cần phải có biện pháp xử lý.
Thực tế có nhiều quy định của pháp luật xử phạt những người biết mà thờ ơ bỏ mặc hành vi bạo hành với trẻ em và người yếu thế. Vì vậy, đã đến lúc cần thực thi xử lý nghiêm khắc với tất cả những người liên quan vụ việc này kể cả ban quản lý chung cư, hàng xóm… để gióng một hồi chuông về nạn bạo hành.
Điều 60 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ những hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình. Trong đó, phạt cảnh cáo cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền hoặc cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với việc cản trở việc xử lý hành vi bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, Điều 31 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cũng nêu rõ nội dung can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp. Trong đó, trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp khi đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ chính là người gây tổn hại.
Việc bảo vệ khẩn cấp trẻ phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin. Trong điều luật này cũng chỉ ra trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã/phường, của cơ quan công an và của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Việc Trang bạo hành cháu V.A không chỉ ngày một ngày hai mà đã xảy ra suốt thời gian dài. Những người hàng xóm dù đã báo với bảo vệ tòa nhà nhưng mọi thứ vẫn tiếp diễn cho đến ngày sự việc đau lòng xảy ra. Các khu chung cư cần có một hòm thư bảo vệ trẻ em hay có các biển ghi tên số điện thoại của các cơ quan bảo vệ trẻ em để khi cần, người dân có thể gọi đến báo tin là kiến nghị của nhiều người.
Quan trọng là mọi người cũng phải thay đổi, ít nhất khi cảm thấy dấu hiệu bạo hành trẻ thì hãy báo ngay tổng đài số 111 (tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em) để tránh xảy ra những việc đáng tiếc như vụ việc bé gái 8 tuổi, để xã hội không trở nên vô cảm.