Giao lưu trực tuyến: “Bảo hiểm thất nghiệp – “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm”

Ông Trần Đức Vinh - Phó Tổng biên tập Báo PLVN - tặng hoa các vị khách mời dự Giao lưu trực tuyến: “Bảo hiểm thất nghiệp – “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm”.
Ông Trần Đức Vinh - Phó Tổng biên tập Báo PLVN - tặng hoa các vị khách mời dự Giao lưu trực tuyến: “Bảo hiểm thất nghiệp – “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm”.
(PLVN) - Để người lao động hiểu đúng, hiểu đủ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cũng như những quyền lợi mà người dân được hưởng khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hôm nay, ngày 29/12/2020, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bảo hiểm thất nghiệp – “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm”.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Trần Đức Vinh - Phó Tổng biên tập Báo PLVN - cho biết, trong những năm qua, Báo PLVN đã phối hợp cùng BHXH Việt Nam tuyên truyền các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với đông đảo người dân nói chung và người lao động nói riêng. Trong đó, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đã được truyền thông sâu rộng và thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Bảo hiểm thất nghiệp được tổ chức triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2009 với mục tiêu hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị mất việc một phần thu nhập, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp NLĐ sớm quay trở lại thị trường lao động.

Sau hơn 11 năm thực hiện chính sách này, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta liên tục tăng qua từng năm. Đáng chú ý, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực dẫn đến nhiều NLĐ bị mất việc làm.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10/2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 881,8 nghìn người với số tiền chi trả 12,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2019. Những con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng hàng ngày do tác động tiêu cực, sâu rộng của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động.

Trong bối cảnh đó, bảo hiểm thất nghiệp đã thật sự trở thành “điểm tựa” của cả triệu NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Đồng thời, giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Trong chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bảo hiểm thất nghiệp – “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm”. Các vị khách mời sẽ thông tin rõ hơn chính sách về bảo hiểm thất nghiệp để người lao động hiểu đúng, hiểu đủ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cũng như giải đáp những tình huống bạn đọc gửi tới.

Các vị khách mời tham dự chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bảo hiểm thất nghiệp – “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm” hôm nay: 

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội.

Toàn cảnh chương trình Tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm thất nghiệp – “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm”.
 Toàn cảnh chương trình Tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm thất nghiệp – “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm”.

* Có thể nói, chưa khi nào chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được người lao động quan tâm như hiện nay. Bởi, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) đã và đang trở thành chỗ dựa của không ít người lao động trong bối cảnh mất việc làm gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ông/Bà có thể cho biết thông tin tổng quan về tình hình thực hiện chính sách này thời gian qua, đặc biệt là 11 tháng đầu năm nay?

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam: Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề của đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội nói chung, lĩnh vực của Ngành BHXH nói riêng. Trong nửa đầu năm 2020 dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống và giáo dục. Số lao động thất nghiệp do bị mất việc làm tăng cao dẫn đến khó khăn cho công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung, BHTN nói riêng của cơ quan BHXH. Tuy nhiên, với quyết tâm của toàn Ngành BHXH hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao trong năm 2020, ước đến hết 31/12/2020 số người tham gia BHTN đạt khoảng 13,27 triệu người với thu tiền thu BHTN đạt 18.056 tỷ đồng (về cơ bản đạt kế hoạch được giao).

Để tạo điều kiện cho người lao động hưởng TCTN trong thời gian dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, theo đó lao động thất nghiệp có thể nộp hồ sơ hưởng TCTN, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp.

Số người thất nghiệp có quyết định hưởng TCTN được cơ quan BHXH tiếp nhận để tổ chức chi trả ước tính đến hết 31/12/2020 khoảng 1,03 triệu người (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019) với số tiền chi trả ước thực hiện hơn 16 nghìn tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019). Số người hưởng hỗ trợ học nghề giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019 (21 nghìn người).

Như vậy, với vai trò của mình, chính sách BHTN đã giúp đảm bảo phần nào đời sống của bản thân một bộ phận người lao động và gia đình do bị ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
 Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

* Thưa bà Vũ Thị Thanh Liễu, bà có thể cho biết tình hình thực hiện giải quyết chế độ TCTN cho NLĐ trên địa bàn TP. Hà Nội thời gian qua, đặc biệt là 10 tháng đầu năm 2020?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Từ đầu năm đến nay Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội đã tiếp nhận giải quyết gần 85.000 người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và được tư vấn giới thiệu việc làm, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng năm, Trung tâm DVVL Hà Nội còn tiếp nhận hơn 300.000 lượt người đến thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm hàng tháng (mỗi tháng trung bình khoảng gần 30.000 lượt người). Số người lao động được hỗ trợ học nghề là hơn 3.000 người. 

Riêng 10 tháng đầu năm nay, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tiếp nhận giải quyết 77.386 người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

* Vậy khi tham gia BHTN, NLĐ sẽ được hưởng quyền lợi gì? Điều kiện hưởng như thế nào, thưa bà?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: NLĐ hưởng BHTN được hưởng các quyền lợi, chế độ hỗ trợ sau:                                                                  

+ Được hưởng TCTN theo quy định (thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 03 tháng TCTN, sau đó cứ đóng thêm 12 tháng thì  được hưởng thêm 01 tháng TCTN, mức hưởng bằng 60% bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc);

+ Được hưởng thẻ BHYT (NLĐ hưởng TCTN được hưởng chế độ BHYT theo quy định và được cơ quan BHXH đóng BHYT từ Quỹ BHTN và cấp thẻ BHYT);

+ Được hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí;

+ Được hỗ trợ học nghề (Mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/tháng. Mức hỗ trợ được tính theo tháng, tùy theo từng nghề; Thời gian NLĐ được hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng);

(Ngoài ra: NLĐ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm thông qua doanh nghiệp).

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm về điều kiện hưởng TCTN thì người lao động đang đóng BHTN được hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện sau:

- Điều kiện hưởng TCTN:

+ Đã chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV và có các giấy tờ như: Bản chính hoặc bản sao của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng);

+ Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLVđối với NLĐ ký HĐLĐ không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

+ Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng (90 ngày), kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ/HĐLV.

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN.

- Điều kiện được hỗ trợ học nghề:

+ Đã chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV và có các giấy tờ như trên;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng (90 ngày), kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ/HĐLV;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN;

+ Đã đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV theo quy định của pháp luật.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

*Những năm qua, đặc biệt 11 tháng đầu năm 2020, số tiền chi trả BHTN là rất lớn. Cụ thể, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 30/10/2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 941.392 người, hỗ trợ học nghề cho 14.106 người với tổng số tiền chi trả 14.456 tỷ đồng. Những con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng hàng ngày do tác động tiêu cực, sâu rộng của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động. Vậy nguồn quỹ chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động này từ đâu và được quản lý, sử dụng như thế nào, thưa Ông Đào Duy Hiện?

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 57 Luật Việc làm được hình thành từ các nguồn sau:

- Các khoản đóng và hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định.

- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ;

- Nguồn thu hợp pháp khác.

Việc quản lý và sử dụng quỹ BHTN đã được quy định rất rõ tại khoản 3 Điều 57 Luật Việc làm. Cụ thể:

 - Chi trả các chế độ BHTN;

- Hỗ trợ học nghề;

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;

- Đóng BHYT cho người hưởng BHTN;

- Chi phí quản lý BHTN được thực hiện theo quy định của Luật BHXH;

- Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Việc làm thì hoạt động đầu tư quỹ BHTN đảm bảo an toàn, minh bạch, hiệu quả và thu hồi được vốn khi cần thiết thông qua các hình thức sau: 

- Mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước; trái phiếu của ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ;

- Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Cho ngân sách nhà nước, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ vay.

Với tư cách là cơ quan thực hiện chính sách BHTN, BHXH Việt Nam thực hiện quản lý và sử dụng quỹ BHTN theo đúng quy định của pháp luật. Số dư quỹ BHTN được sử dụng đầu tư để tăng trưởng quỹ theo đúng quy định của pháp luật, hàng năm có kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

* Theo quy định, thủ tục đăng ký hưởng BHTN như thế nào? Người lao động phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm những gì? Trong thời gian bao lâu thì NLĐ được nhận BHTN, thưa Bà?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội: Theo quy định tại Điều 46 của Luật Việc làm, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV, NLĐ chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng TCTN phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng TCTN theo quy định cho Trung tâm DVVL, gồm: 

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu của Bộ Lao động TB&XH.

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã được quy định tại khoản 2 Điều 16 NĐ 28/2015/NĐ-CP.

3. Sổ bảo hiểm xã hội đã chốt thời gian tham gia BHXH-BHTN. 

Lưu ý về thời điểm hưởng TCTN: NLĐ được hưởng TCTN tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.

* Như vậy, NLĐ phải chuẩn bị:

+ Giấy tờ xác nhận của đơn vị trước khi chấm dứt HĐLĐ/HĐLV (Quyết định thôi việc hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ/HĐLV hoặc HĐLĐ/HĐLV đã hết hạn ...).

+ Sổ bảo hiểm xã hội đã được cơ quan BHXH chốt.

+ NLĐ xuất trình CMND hoặc căn cước công dân (để chứng minh đúng là NLĐ trực tiếp nộp hồ sơ). 

+ Ngoài ra, nếu NLĐ có nguyện vọng nhận tiền TCTN qua thẻ ngân hàng thì nộp bổ sung 01 bản sao CMTND/CCCD.

* Theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, NLĐ sẽ được nhận kết quả hưởng BHTN. 

Tuy nhiên, tại Hà Nội, thực hiện chủ trương về cải cách hành chính (CCHC) trong giải quyết TTHC, sau 17 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng tại Trung tâm DVVL Hà Nội, NLĐ sẽ được nhận kết quả hưởng BHTN (bao gồm: Quyết định về việc hưởng TCTN; Thẻ BHYT; nhận lại sổ BHXH đã được Trung tâm đóng dấu xác nhận hưởng TCTN và thẻ ATM (nếu đăng ký mở thẻ).

Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - trả lời câu hỏi của bạn đọc.
 Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - trả lời câu hỏi của bạn đọc.

* Đối với NLĐ trên địa bàn Thành phố Hà Nội, sau khi hoàn thiện hồ sơ thì NLĐ nộp hồ sơ ở những địa chỉ nào để đăng ký hưởng TCTN, thưa bà?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội: NLĐ có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng tại 1 trong 15 địa điểm sau:

1. Trụ sở chính:  Số 215 phố Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: (024) 37.822.806

2. Cơ sở 1:  Số 144 Trần Phú, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội. Điện thoại: (024) 33.829.082

* Các Sàn GDVL vệ tinh:

3. Sàn GDVL vệ tinh Đông Anh: Điện thoại: (024) 39.555.248; Địa chỉ: Thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội (Trường TC kinh tế KT Bắc Thăng Long).

4. Sàn GDVL vệ tinh Ba Vì: Điện thoại: (024) 666.3.44.11 - (024) 3.297.9223; Địa chỉ: Thôn Vật Phụ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội (Trung tâm GDNN & GDTX huyện Ba Vì).

5. Sàn GDVL vệ tinh Phú Xuyên: Điện thoại: (024) 32.222.458; Địa chỉ: Tiểu khu Phú Mỹ, TT Phú Xuyên, Hà Nội (Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội).

6. Sàn GDVL vệ tinh Đan Phượng: Điện thoại: (024) 33.87.80.99; Địa chỉ: 101 phố Tây Sơn, TT Phùng, Đan Phượng, Hà Nội (TT Bồi dưỡng chính trị Đan Phượng)

7. Sàn GDVL vệ tinh Thạch Thất: Điện thoại: (024) 3.2222.735; Địa chỉ: Thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội (TT GDNN & GDTX huyện Thạch Thất).

* Các Điểm GDVL vệ tinh:

8. Điểm GDVL vệ tinh Sóc Sơn: Điện thoại: (024) 35.810.119; Địa chỉ: Thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội (Trung tâm GDNN & GDTX Sóc Sơn).

9. Điểm GDVL vệ tinh Long Biên: Điện thoại: (024) 36.740.595; Địa chỉ: Ngõ 161 phố Hoa Lâm, Việt Hưng, Long Biên (Trung tâm GDNN & GDTX Long Biên).

10. Điểm GDVL vệ tinh Nam Từ Liêm: Điện thoại: (024) 32.123.085; Địa chỉ: 18 đường Nguyễn Cơ Thạch, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm (TT GDNN & GDTX Nam Từ Liêm).

11. Điểm GDVL vệ tinh Gia Lâm: Điện thoại: (024) 32.161.465; Địa chỉ: Số 6 đường Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội (Trung tâm GDNN & GDTX huyện Gia Lâm )

12. Điểm  GDVL vệ tinh Mê Linh: Điện thoại: (024) 32.161.578; Địa chỉ: Xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội (Trung tâm hành chính huyện Mê Linh).

13. Điểm GDVL vệ tinh Hoài Đức: Điện thoại: (024) 32.00.55.12; Địa chỉ: Khu 6, thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức (TT Văn hóa – Thông tin & Thể thao huyện Hoài Đức).

14. Điểm GDVL vệ tinh Ứng Hòa: Điện thoại: (024) 33.212.233; Địa chỉ: 59 thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa (Trung tâm quỹ đất huyện Ứng Hòa).

15. Điểm GDVL vệ tinh Thường Tín: Điện thoại: (024) 33.66.88.06; Địa chỉ: Số 108 đường Hùng Nguyên, thị trấn Thường Tín, Thường Tín (Tầng 2 Nhà điều hành điểm đỗ xe bus Trung tâm huyện Thường Tín).

* Bạn đọc Lê Bá Minh (Tân Yên, Bắc Giang) hỏi: Theo tôi được biết, bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp có một phần thu nhập, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Vậy Luật hiện hành quy định như thế nào về chế độ này? Những quy định nào người lao động cần nắm rõ để đảm bảo quyền lợi cho mình khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp? Tôi xin cám ơn!

- Ông Đào Duy Hiện, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: Chính sách BHXH, BHYT, BHTN là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững ổn định an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đó chính sách BHTN đã giúp cho người lao động bù đắp một phần thu nhập khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm. Theo đó, ngoài chế độ TCTN thì trong thời gian người lao động đang hưởng TCTN còn được hưởng chế độ BHYT và được hỗ trợ học nghề khi người lao động có nhu cầu trong thời gian tìm kiếm việc làm mà đã tham gia BHTN đủ thời gian theo quy định .

1. Thứ nhất, về chế độ TCTN:

Điều kiện hưởng: Người lao động đang đóng BHTN được hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện sau đây: 

- Chấm dứt HĐLĐ, HĐLV theo đúng quy định của pháp luật (trừ trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp MSLĐ);

- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, HĐLV đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ, HĐLV có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc trong vòng 36 tháng đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

- Đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, HĐLV;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng;

Mức hưởng TCTN: Hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV.

Thời gian hưởng TCTN: Được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.  

2. Tư vấn, giới thiệu việc làm: Người lao động đang đóng BHTN bị chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

3. Hỗ trợ học nghề:

Điều kiện hưởng: Người lao động đang đóng BHTN được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV theo quy định của pháp luật; Chấm dứt HĐLĐ, HĐLV đúng quy định của pháp luật; đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, HĐLV và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng.

Thời gian hưởng và mức hỗ trợ học nghề: Thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng. Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BHTN theo quy định hiện hành tại QĐ số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 thì mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/người/tháng, mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. 

Người lao động tham gia BHTN cần lưu ý: Khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV mà có nhu cầu hưởng TCTN thì cần phải nộp hồ sơ đúng thời hạn theo quy định đã nêu trên. Thực hiện khai báo về tình trạng việc làm hàng tháng theo lịch hẹn của Trung tâm DVVL. Khai báo trung thực về tình trạng việc làm, trường hợp đang hưởng TCTN mà thuộc một trong các trường hợp bị chấm dứt hưởng TCTN theo quy định tại Khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm như: tìm được việc làm, đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, thực hiện nghĩa vụ quân sự ..v.v…thì cần khai báo kịp thời cho trung tâm DVVL (trong thời hạn 03 ngày kề từ ngày kể từ ngày thuộc một trong các trường hợp bị chấm dứt hưởng TCTN) để được bảo lưu thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian chưa hưởng TCTN (nếu có). Trường hợp không khai báo, hoặc khai báo không trung thực hoặc khai báo không đúng thời hạn thì sẽ không được bảo lưu thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian chưa hưởng TCTN (nếu có) và còn bị thu hồi số tiền đã hưởng sai.

Ông Đào Duy Hiện, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam - trả lời câu hỏi của bạn đọc.
Ông Đào Duy Hiện, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam - trả lời câu hỏi của bạn đọc. 

* Bạn đọc Vũ Thu Hằng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hỏi: Tôi đóng BHXH tại Công ty A được 30 tháng, sau đó chuyển công tác sang công ty khác đóng BHXH được 5 tháng thì tôi nghỉ việc. Hiện nay tôi chưa có việc làm nên muốn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Vậy tôi có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp không? Nếu được hưởng những chế độ như thế nào? Tôi xin cám ơn!

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: Do bạn Hằng không cung cấp cụ thể về các mốc thời gian tham gia đóng BHTN cũng như thời điểm chấm dứt HĐLĐ của bạn. Trường hợp bạn Hằng nếu muốn hưởng TCTN thì cần nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ và sẽ được giải quyết hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện như tôi đã trình bày lúc trước, đó là:

- Bạn đã chấm dứt HĐLĐ đúng quy định của pháp luật;

- Đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, HĐLV;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng.

Nếu đủ điều kiện nêu trên, bạn Hằng sẽ được hưởng 03 tháng TCTN với mức hưởng hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ, được hưởng quyền lợi BHYT khi bạn phải đi khám và điều trị bệnh tật trong thời gian hưởng TCTN; và được hưởng hỗ trợ học nghề với thời gian hưởng tối đa là 06 tháng và mức hỗ trợ học nghề tối đa là 1 triệu đồng/tháng nếu bạn có nhu cầu và học nghề. Ngoài ra, bạn còn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

* Ngoài chi trả TCTN thì việc tư vấn GTVL, công tác hỗ trợ học nghề thời gian qua được Trung tâm DVVL Hà Nội thực hiện như thế nào trong thời gian qua? Việc này đã tạo thuận lợi như thế nào để giúp NLĐ sớm có công việc mới, thưa bà?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội: Thời gian qua, công tác tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp luôn được Trung tâm quan tâm chú trọng. Đảm bảo 100% NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng TCTN, đến thông báo tình trạng việc làm trong thời gian đang hưởng TCTN đều được tư vấn về GTVL và tư vấn về hỗ trợ học nghề. Trung tâm đã chủ động bố trí sắp xếp cán bộ có năng lực và chuyên môn tốt trong việc tư vấn tại chỗ cho lao động BHTN có nhu cầu tư vấn GTVL, hỗ trợ học nghề tại các điểm tiếp nhận hồ sơ BHTN.

+ Công tác tư vấn GTVL cho người lao động hưởng BHTN được gắn kết với các hoạt động thông tin thị trường lao động và giao dịch việc làm tại hệ thống 5 Sàn, 8 Điểm GDVL vệ tinh với mục tiêu sớm đưa người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động.

Toàn bộ quy trình tư vấn, GTVL cho lao động BHTN đã được cập nhật trong quá trình tư vấn giới thiệu việc làm thông qua việc ứng dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu dung chung.

 + Công tác hỗ trợ học nghề: Nhận thức được trách nhiệm và tầm quan trọng trong công tác đào tạo nghề dành cho lao động tham gia BHTN, Trung tâm đã có nhiều cố gắng trong công tác tư vấn tuyển sinh, chú trọng về công tác thông tin tuyên truyền thông qua việc thiết kế đổi mới về tờ rơi, phướn, băng rôn… đặt tại các điểm tiếp nhận và giải quyết thủ tục BHTN.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm DVVL Hà Nội đã giải quyết cho gần 4.000 người lao động được hỗ trợ học nghề, riêng 10 tháng đầu năm, có gần 3.000 người được hỗ trợ học nghề.

* Bạn đọc từ địa chỉ email baongoc…@gmail.com hỏi: Tháng 10 vừa rồi công ty của tôi có ký thử việc 1 tháng với chị Nguyễn Thị Nga, được biết chị Nga đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau một tháng thử việc, công ty tôi quyết định ký hợp đồng chính thức cho chị Nga. Tuy nhiên, chị Nga đề nghị công ty ký hai tháng thử việc nữa để tiếp tục được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy cho tôi hỏi, khi người lao động đã đi làm và ký thử việc với một công ty khác thì có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không? Trong trường hợp này, công ty tôi nên hướng dẫn người lao động như thế nào cho đúng quy định?

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: Theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc trường hợp bị chấm dứt hưởng TCTN, nhưng nếu người lao động có giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì thuộc trường hợp bị chấm dứt hưởng TCTN.

Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì Công ty của bạn đã quyết định ký hợp đồng lao động với chị Nguyễn Thị Nga sau thời gian thử việc, như vậy có nghĩa là chị Nga đã đạt yêu cầu sau thời gian thử việc. Mà theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2012 thì khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết HĐLĐ với người lao động. Do đó, Công ty của bạn không thể thực hiện ký hợp đồng thử việc lần 2 như đề Nghị của chị Nga mà phải thực hiện giao kết HĐLĐ với chị Nga sau khi hết thời gian thử việc đạt yêu cầu. 

Đồng thời, tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP cũng quy định các trường hợp bị chấm dứt hưởng TCTN mà không thực hiện thông báo theo đúng quy định thì sẽ không được bảo lưu thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian chưa hưởng TCTN (nếu có). Do đó, Công ty bạn cần thông báo với chị Nga về trách nhiệm khai báo tình trạng việc làm của chị Nga với trung tâm DVVL đúng thời hạn theo quy định khi có việc làm (ở đây là đã giao kết HĐLĐ với công ty bạn) để được làm thủ tục chấm dứt hưởng TCTN và bảo lưu thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian chưa hưởng TCTN của chị Nga (nếu có).

* Bạn đọc từ địa chỉ email ..... có hỏi: Do công việc gia đình nên tôi vừa mới xin nghỉ việc tại công ty A được 01 tháng. Trước đó, tôi làm việc và tham gia đóng BHXH được 5 năm 6 tháng. Vậy giờ tôi phải làm gì để được hưởng BHTN? Tôi xin cảm ơn.

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm và Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy với trường hợp của anh/chị hỏi thì trong vòng 3 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, anh/chị cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ và nộp tại Trung tâm dịch vụ việc làm gần nơi anh/chị sinh sống để sớm được xét duyệt hồ sơ hưởng TCTN, tránh tình trạng quá hạn nộp hồ sơ.

Bộ hồ sơ hưởng TCTN bao gồm: 

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Quyết định thôi việc;

c) Quyết định sa thải;

d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trường hợp nếu anh/chị tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.

3. Sổ bảo hiểm xã hội đã chốt.

Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.

* Bạn đọc từ địa chỉ email vungocnga…@gmail.com hỏi: Tôi làm việc tại một công ty may và được đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, thời gian qua do công ty bị hưởng bởi dịch covid-19 nên tháng 10/2020 đã cho một bộ phận công nhân phải nghỉ việc trong đó có tôi. Vậy giờ tôi muốn đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì tôi phải làm hồ sơ như thế nào? Quyền lợi cụ thể mà tôi được hưởng như thế nào? Tôi xin cám ơn!

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP và khoản 6 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP gồm:

1. Sổ BHXH

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ

3. Đề nghị hưởng TCTN theo mẫu do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quy định

Mức hưởng và thời gian hưởng: Do Bạn không cung cấp cụ thể tổng thời gian tham gia và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHTN nên đề nghị Bạn đối chiếu với quy định mà tôi đã trao đổi trước đó để được biết.

Nơi nộp hồ sơ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm và khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì người lao động có nhu cầu hưởng TCTN có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tại trung tâm DVVL do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập tại nơi mà người lao động muốn hưởng TCTN trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.

* Bạn đọc từ địa chỉ email thuq...@gmail.com hỏi: Tôi đã tham gia BHXH được hơn 9 năm, vừa rồi do ảnh hưởng của Covid 19, công ty hết việc nên tôi phải nghỉ việc từ tháng 8 năm 2020. Sau đó, ngày 15/8/2020 tôi đã làm thủ tục hưởng chế độ BHTN gửi Trung tâm DVVL mà đến nay (ngày 15/11/2020) tôi chưa nhận được TCTN.

Vậy cho tôi hỏi, theo quy định hồ sơ đăng ký hưởng BHTN của tôi trong thời gian bao lâu thì được giải quyết? Có cách nào để tôi có thể hỏi được tình hình giải quyết hồ sơ của tôi mà không phải đến tận Trung tâm DVVL hay không?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội: Trường hợp của anh/chị hỏi thì do anh/chị không nói rõ là nộp hồ sơ qua hình thức nào (trực tiếp hay gián tiếp) và nộp tại Trung tâm DVVL tại địa phương nào, nên sẽ rất khó hỗ trợ kiểm tra để trả lời anh/chị. 

Tại trung tâm DVVL Hà Nội, dưới mọi hình thức nộp hồ sơ (nộp trực tiếp hoặc gián tiếp) nếu chưa đầy đủ hoặc hồ sơ sai, thiếu nội dung thông tin, cán bộ Trung tâm đều trực tiếp liên hệ NLĐ để hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ (có gửi kèm phiếu trả lời hồ sơ hoặc phiếu yêu cầu bổ sung hồ sơ trong đó có lưu ý về thời hạn nộp hồ sơ).Với những trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện hưởng theo quy định, chúng tôi sẽ có trả lời bằng văn bản để gửi NLĐ. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện hưởng theo quy định, NLĐ sẽ được nhận kết quả hưởng TCTN trong thời hạn 17 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng BHTN (theo quy định là 20 ngày, đã rút ngắn 03 ngày theo Quyết định của UBND Thành phố về rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong cải cách hành chính).

Với trường hợp của anh/chị, ngày 15/08 đã nộp hồ sơ hưởng nhưng đến 15/11 anh/chị vẫn chưa nhận được TCTN, đề nghị anh/chị khẩn trương liên hệ với Trung tâm DVVL nơi đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN để được hỗ trợ giải đáp về tình trạng cũng như kết quả hồ sơ.

 

* Bạn đọc Mai Văn Lâm (Dĩ An, Bình Dương) hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tính đến tháng 10/2020 là 2 năm 9 tháng. Như vậy, tôi có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Mức hưởng của tôi là bao nhiêu tháng? Nộp hồ sơ ở đâu?

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm, để được hưởng TCTN thì ngoài điều kiện về thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ thì Bạn còn phải đủ các điều kiện sau:

- Chấm dứt HĐLĐ đúng quy định của pháp luật;

- Đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ;

- Chưa tìm được việc làm trong sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng;

Theo thông tin Bạn cung cấp thì bạn đã đóng BHTN được 2 năm 09 tháng nên nếu đủ điều kiện thì bạn sẽ được hưởng 03 tháng TCTN với mức hưởng TCTN hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ. 

Nơi nộp hồ sơ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm và khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì người lao động có nhu cầu hưởng TCTN có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tại trung tâm DVVL do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập tại nơi mà người lao động muốn hưởng TCTN.

 

* Bạn đọc Duy Nguyễn (Nam Đàn, Nghệ An) hỏi: Tôi làm việc cho một công ty ở Hà Nội, tuy nhiên do công việc gia đình nên tháng 8 vừa qua tôi phải xin nghỉ việc và chuyển về quê ở Nghệ An sinh sống. Vừa rồi Công ty tôi làm việc đã chốt sổ BHXH và gửi về cho tôi. Vậy cho tôi hỏi, giờ tôi muốn làm hồ sơ đăng ký hưởng BHTN ở Nghệ An dược không? Hay tôi phải quay ra Hà Nội nơi đóng BHXH để làm thủ tục? Thủ tục hồ sơ tôi phải chuẩn bị những gì? Tôi xin cảm ơn.

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm và Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/03/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV, NLĐ chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng TCTN phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng TCTN cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận TCTN.

Như vậy, theo quy định anh/chị có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tại Nghệ An mà không phải ra Hà Nội để nộp. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp như đã nêu ở trên.

* Bạn đọc từ địa chỉ email khanhling…@gmail.com hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 6 năm 9 tháng. Tôi nghỉ việc tháng 10/2020 và giờ đang làm hồ sơ để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy khi làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tôi sẽ được hưởng bao nhiêu tiền? Số tiền đó được tính căn cứ theo quy định nào? Các quyền lợi khác khi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm những gì? Tôi xin cám ơn!

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: Theo thông tin Bạn cung cấp thì Bạn đã đóng BHTN được 06 năm 09 tháng, như vậy theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 50 Luật Việc làm thì khi đủ điều kiện hưởng Bạn sẽ được hưởng 06 tháng TCTN với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ. Do Bạn không cung cấp thông tin cụ thể về diễn biến quá trình và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHTN của Bạn do đó đề nghị Bạn đối chiếu với quy định nêu trên để biết.

Ngoài ra, thì theo quy định của Luật Việc làm thì trong thời gian hưởng TCTN người lao động được hưởng quyền lợi BHYT khi phải khám và điều trị bệnh tật, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và được được hỗ trợ tham gia các khóa học nghề khi có nhu cầu.

* Tôi làm việc tại Công ty sản xuất gỗ và đóng BHXH được 36 tháng. Tuy nhiên, vừa qua tôi bị công ty sa thải do nghỉ việc 05 ngày trong 1 tháng không lý do. Vậy trong trường hợp bị sa thải thì tôi có được hưởng BHTN không? Nếu đủ điều kiện, thì tôi được hưởng những quyền lợi gì? Tôi xin cảm ơn.

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội: Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 về điều kiện hưởng TCTN thì người lao động đang đóng BHTN được hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện sau:

+ Đã chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV và có các giấy tờ như: Bản chính hoặc bản sao của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng);

+ Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với NLĐ ký HĐLĐ không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

+ Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng (90 ngày), kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ/HĐLV.

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN.

Theo đó người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng được tất cả các điều kiện trên, chỉ trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, thì mới không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

NLĐ bị sa thải vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Nếu đủ điều kiện, anh/chị sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

+ Được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

+ Được cấp thẻ BHYT.

+ Được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí.

+ Được hỗ trợ học nghề miễn phí (tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng căn cứ vào thời gian thực học, tối đa không quá 6 tháng).

* Vậy thời gian qua, Trung tâm DVVL Hà Nội đã có những giải pháp gì để tạo thuận lợi cho NLĐ hưởng TCTN được GTVL, tham gia học nghề và sớm quay lại thị trường lao động, thưa bà?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội: Để tạo thuận lợi cho NLĐ hưởng TCTN được GTVL và hỗ trợ NLĐ tham gia học nghề nhằm mục đích chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại thị trường lao động, Trung tâm đã có những giải pháp như:  

- Nghiên cứu triển khai mô hình tổ chức hoạt động thực hiện theo chỉ đạo của Cục Việc làm theo Công văn 671/CVL-TTLĐ ngày 30/6/2017 phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và thị trường lao động Hà Nội;

- Tổ chức thực hiện gắn kết giữa việc giải quyết chế độ BHTN với công tác thông tin thị trường lao động, hoạt động của các phiên giao dịch việc làm để đẩy mạnh công tác thu thập thông tin vị ví việc làm trống.

- Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; nâng cao tinh thần, thái độ làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm tại bộ phận một cửa; Xây dựng phương pháp cung ứng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

- Trung tâm đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép theo quy định nhằm giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn ngành học và giảm thiểu việc đi lại cho người lao động tham gia học nghề. 

- Thường xuyên thực hiện rà soát, cải cách, đơn giản hóa toàn bộ thủ tục hành chính. Công khai minh bạch bộ thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ, thời gian tiếp nhận và trả kết quả, quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

* Bạn đọc địa chỉ email phuonghoa...@gmail.com hỏi: Tôi đã làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và đang chờ kết quả. Trường hợp tôi phải đi xa học nâng cao trình độ thì tôi ủy quyền cho người nhà hàng tháng trình báo với trung tâm được không? Xin cảm ơn!

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm và Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/03/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV, NLĐ chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng TCTN phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng TCTN cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận TCTN.

Như vậy, theo quy định anh/chị có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tại nơi anh/chị đang theo học để thuận tiện cho việc khai báo tìm kiếm việc làm hàng tháng. Theo quy định tại Điều 52 Luật việc làm và Khoản 4, Điều 10 Thông tư 28/2015 hướng dẫn Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/03/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, anh/chị phải trực tiếp đến Trung tâm nơi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp để thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng. Do vậy, anh/chị không thể ủy quyền cho người nhà khai báo hàng tháng với Trung tâm được.

* Bạn đọc Đức Nghĩa (TP Vinh, Nghệ An) hỏi: Cho tôi hỏi người lao động chưa hưởng BHTN từ tháng 01/2017, xin nghỉ việc vào tháng 9/2020 nhưng thời gian trước khi nghỉ việc đã xin nghỉ việc không hưởng lương 02 tháng (tháng 03/2019 và tháng 5/2020). Vậy người lao động này có được hưởng chế độ BHTN không?

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Việc làm thì thời gian đóng BHTN để hưởng BHTN là tổng các khoản thời gian đã đóng BHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi người lao động chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, trường hợp của Bạn có 02 tháng nghỉ việc không hưởng lương (không đóng BHTN) thì không ảnh hưởng đến việc hưởng các chế độ BHTN khi đủ điều kiện hưởng theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm.

* Bạn đọc từ địa chỉ email hoangnghia...@gmail.com hỏi: Tôi được công ty đóng BHXH từ năm 2018 đến tháng 6/2020. Từ tháng 6/2020 đến tháng 9/2020 tôi nghỉ do dịch covid-19 công ty không có đơn hàng nên không tham gia BHXH. Vậy giờ tôi đăng ký hưởng TCTN thì có được hưởng không? Nếu được thì thủ tục như thế nào? Tôi xin cảm ơn.

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: Do bạn không cung cấp thông tin chi tiết về quá trình đóng BHTN từ năm 2018 đến nay và thời điểm chấm dứt HĐLĐ của bạn vì vậy trường hợp bạn muốn hưởng TCTN thì cần nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi bạn muốn hưởng TCTN và sẽ được giải quyết hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện như tôi đã trình bày lúc trước, đó là:

- Bạn đã chấm dứt HĐLĐ đúng quy định của pháp luật;

- Đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, HĐLV;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng.

Hồ sơ hưởng TCTN gồm:

1. Sổ BHXH;

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ;

3. Đề nghị hưởng TCTN theo mẫu do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quy định.

* Bạn đọc Nguyễn Duy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Tôi đi làm và đã tham gia BHXH được 8 năm. Vừa rồi nhận quyết định nghỉ việc, tôi làm hồ sơ và được hưởng 8 tháng trợ cấp thất nghiệp. Tôi có thắc mắc là nếu tôi lĩnh 8 tháng BHTN đấy thì sau này tôi có bị giảm mức hưởng lương hưu hoặc mất tích lũy thời gian đóng BHXH từ trước đến giờ và phải đóng BHXH lại từ đầu không?

- Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam: BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ BHTN.

Như vậy, chế độ BHXH và chế độ BHTN là khác nhau, vì vậy việc hưởng trợ cấp thất nghiệp không ảnh hưởng đến thời gian đóng BHXH và mức hưởng lương hưu của bạn sau này.

* Bạn đọc Vũ Đức Hiểu (Hà Tĩnh) hỏi: Tôi đi làm đã 8 năm, theo luật tôi tìm hiểu và biết thì tôi lãnh được 8 tháng bảo hiểm thất nghiệp. Cho hỏi nếu tôi làm hồ sơ lãnh và được lãnh 3 tháng bảo hiểm thất nghiệp thì tôi có việc làm mới thì không lãnh nữa. Vậy thì 5 tháng bảo hiểm thất nghiệp còn lại của tôi có được bảo lưu cho lần lãnh sau không? Mong được giải đáp. Xin Cảm ơn!

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội:

Theo quy định tại Điều 1, Khoản 9 Nghị định 61/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2020 sửa đổi bổ sung quy định tại Khoản 2, Điều 21, Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định về việc thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng và bảo lưu đối với trường hợp người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi anh/chị có việc làm, anh/chị phải thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi anh/chị đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và kèm theo bản sao giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện. 

Đối chiếu với quy định trên, anh/chị sẽ được bảo lưu thời gian đã tham gia BHTN còn lại mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp với điều kiện anh/chị phải khai báo trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi có việc làm.

* Nếu bạn đọc còn có thắc mắc gì liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN, có thể tiếp tục gửi câu hỏi đến Báo PLVN theo địa chỉ email banbandocplvn@gmail.com để được giải đáp.

Đọc thêm

Sự việc dấu hiệu vi phạm trong cấp sổ đỏ tại Thanh Hóa: Văn phòng Đăng ký đất đai yêu cầu kiểm điểm 2 viên chức

Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Đông Sơn. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
(PLVN) - Ông Nguyễn Bá Khương (ngụ xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh việc cán bộ lập thủ tục, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) không đúng quy định. Mới đây, Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Thanh Hóa đã có Văn bản 407/TB-VPĐKĐĐ ngày 22/11/2024 thông báo kết quả giải quyết tố cáo.

Quy định mới về dựng lại hiện trường, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ

Quy định mới về dựng lại hiện trường, giải quyết vụ TNGT đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
(PLVN) - Bộ Công an đã ban hành Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT); trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định dựng lại hiện trường vụ TNGT đường bộ và giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính.

Lợi dụng lòng tin của người khác để lừa bán sang nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Mua bán người hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi như lừa "việc nhẹ, lương cao" hoặc mai mối "lấy chồng ngoại quốc". Những hành vi lợi dụng lòng tin để lừa bán người ra nước ngoài sẽ bị xử lý nghiêm khắc, với mức án có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Từ 1/1/2025, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Theo quy định mới tại Thông tư số 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an về quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, kể từ 1/1/2025, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát.

Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2024

Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) -  Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai; tài khoản mạng xã hội phải xác thực mới được đăng thông tin; áp dụng nhiều quy định về khuyến mại; hướng dẫn định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2024.

Vụ khiếu nại quyết định bồi thường khi thu hồi đất tại Long Biên (Hà Nội): Người dân đề nghị quận sớm thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố

UBND quận Long Biên. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
(PLVN) - Mới đây, Báo PLVN nhận được đơn phản ánh của gia đình bà Lại Thị Nghĩa về việc bị thu hồi đất tại số 59 ngõ 565 đường Bát Khối, phường Cự Khối, quận Long Biên để phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án xây dựng tuyến đường 13,5m nhưng việc bố trí tái định cư (TĐC) chưa phù hợp.

Vụ 'người này nộp hồ sơ, trả kết quả cho người khác' tại TP HCM: Sẽ chuyển hồ sơ nhờ Công an xác minh

Bà Mai: “Tôi là người nộp hồ sơ nên Chi nhánh phải trả kết quả cho tôi, chứ không được giao người khác”.
(PLVN) - Sau khi PLVN có bài viết: “Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Thủ Đức (TP HCM): Một số vấn đề cần làm rõ trong một hồ sơ đăng ký biến động đất đai”, ông Trần Đình Quân, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ Thủ Đức đã có buổi làm việc với các bên liên quan và ngày 25/11/2024 có văn bản trả lời một số nội dung.

UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Cần sớm thông tin vấn đề liên quan Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu

UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Cần sớm thông tin vấn đề liên quan Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu
(PLVN) - Liên quan đến đơn thư của người dân tổ 8, đường Phan Bá Vành, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cho rằng “Cty CP Đầu tư và Xây dựng quốc tế VIGEBA không thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án tại các lô HH2, CT5, NT2 thuộc Khu đô thị Thành phố giao lưu”; Báo PLVN đã chuyển đơn, liên hệ nhiều lần, nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi.