Những lý do “không muốn sống”
“Hãy quên tôi đi” - lá thư tuyệt mệnh được cho là của bé gái 12 tuổi tử vong vì rơi từ chung cư cao tầng ở Hà Nội mới đây đang được dư luận quan tâm. Tự tử vì thất tình, vì bị bố mẹ mắng, vì bị điểm kém… Những chuyện tưởng như “không có gì” lại là lý do để nhiều người trẻ tìm đến cái chết.
Qua công việc, các bác sĩ Bệnh viên Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) đã nhận thấy một số nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử: do mâu thuẫn trong tình yêu nam nữ (19%), bất đồng trong quan hệ cha mẹ - con cái (17,7%); 6,1% bệnh nhân có tiền căn bệnh tâm thần trước khi có hành vi tự tử, trong đó trầm cảm chiếm 3,2%...
Một nghiên cứu khác thực hiện ở học sinh học cấp hai cho thấy tỷ lệ có biểu hiện trầm cảm chiếm 41%, trong nhóm này 26% có ý định tự sát và gần 4% đã tự sát ít nhất một lần. Yếu tố nguy cơ liên quan đến trầm cảm là sự bạo hành tinh thần và thể chất trong gia đình và căng thẳng trong việc học tập.
Trong bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID-19, theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc UNICEF vào năm 2020, thế giới hiện có hơn 1.5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên đang chịu ảnh hưởng từ việc trường học bị đóng cửa. Trong đó bao gồm việc phải đối diện với nhiều nguy cơ bất đồng từ các mối quan hệ trong gia đình khi tất cả đều ở nhà cả ngày và vấn nạn bắt nạt trên mạng khi mọi hoạt động giao tiếp với bên ngoài của trẻ em chỉ có thể diễn ra trên mạng.
Làm gì để bảo vệ trẻ khỏi “virus tự tử”?
Ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về thể chất, nhận thức, cảm xúc, xã hội và tâm lý thường làm cho trẻ khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong học tập, trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm thần và làm tăng nguy cơ tự sát ở trẻ vị thành niên.
Bên cạnh đó, tư duy muốn con phải nghe lời tuyệt đối của nhiều cha mẹ Việt dễ gặp phải sự chống đối ở trẻ. Với những trẻ không chống đối, sự dồn nén tâm lý lâu ngày có thể đưa đến những hành vi phản ứng không ngờ. Một số trẻ tự sát vì trầm cảm, một số khác tự sát vì “giận cha mẹ”, một số vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác.
Khi con gặp vấn đề, phụ huynh có rất nhiều kiểu phản ứng hoặc cho rằng “chuyện nhỏ vậy cũng lo, cũng buồn” và không quan tâm, cho qua chuyện; hoặc trò chuyện với con bằng thái độ bắt lỗi hoặc bắt con phục tùng kiểu như “tại sao con làm như vậy”, “con làm thế là không được”. Những cách phản ứng này đều có nguy cơ làm nặng thêm vấn đề, tăng thêm mâu thuẫn giữa con và cha mẹ.
Vấn đề này đã được đề cập trong buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero” do Tổ chức World Vision Việt Nam phối hợp cùng Bộ VH-TT&DL và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức mới đây.
Bà Phan Thị Kim Liên - Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam đưa ra gợi ý về cách thức giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình. Theo đó, cha mẹ đừng coi những mâu thuẫn của con là số 0, là không đáng gì vì thực tế trẻ em nhạy cảm hơn chúng ta rất nhiều.
Việc đầu tiên là chúng ta hãy quan tâm khi con trẻ có vấn đề, phát hiện và hỗ trợ xem vấn đề của con là gì để cùng tìm hiểu và giúp đỡ con. Khi đã rõ vấn đề thì mới xét đến chuyện bố mẹ cùng con xử lý mâu thuẫn hay để con tự xử lý. Cha mẹ hãy xây dựng mối quan hệ thân thiết với con cái bằng những hành động nhỏ như việc nói lời yêu thương, lời xin lỗi, hỏi thăm. Những việc làm như thế tuy rất nhỏ và đơn giản nhưng lại có tác động rất phi thường vì sẽ tạo nên sự thân thiết, niềm tin của con cái với bố mẹ, là động lực lớn với trẻ.
Trong một bài viết về tâm lý, chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi - Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM từng khẳng định mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ khỏi “virus tự tử”. Sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân: “Mình không đơn độc” “Mình xứng đáng nhận được tình yêu thương từ ba mẹ và mọi người xung quanh”…
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL cho biết: “Hiện nay, nhiều cha mẹ, đặc biệt các phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa không được tiếp cận với việc giáo dục làm cha mẹ. Vì vậy, chúng tôi đã đặt ra những chỉ tiêu về số lượng cha mẹ được tiếp cận thông tin, hướng dẫn làm cha mẹ, trong đó, có những tài liệu hướng dẫn cách xây dựng mối quan hệ với con, cách nói chuyện với con, hướng dẫn cho con. Để có thể hỗ trợ cha mẹ giáo dục con cái và giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, Vụ Gia đình đã thực hiện các chương trình như Giáo dục hệ thống Gia đình, trong đó biên tập các bộ tài liệu giáo dục trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thực hiện những nghiên cứu giáo dục trẻ em… Bên cạnh đó, Vụ cũng phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện các chương trình bảo vệ trẻ em và làm cha mẹ”.