Tuyên phải trả 4,5 tỷ, chỉ thu được 32 triệu đồng
Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang phải tổ chức thi hành Bản án số 15/2013/DSPT ngày 20/6/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm về việc tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giữa nguyên đơn là anh Vũ Tuấn Thanh, cư trú tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và bị đơn là ông Phạm Quang Phiệt và bà Nguyễn Thị Tâm cư trú tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong bản án này là chị Phạm Thị Sáu (vợ đã ly hôn của anh Vũ Tuấn Thanh); ông Nguyễn Văn Lâm và bà Nguyễn Thanh Hà, cùng cư trú tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Hoàng Đức Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quá trình giải quyết việc thi hành bản án trên, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chưa thể thi hành dứt điểm Bản án của Tòa án.
Cụ thể, bản án tuyên ông Phạm Quang Phiệt và bà Nguyễn Thị Tâm (bố mẹ đẻ của chị Phạm Thị Sáu) phải thi hành nghĩa vụ hoàn trả anh Nguyễn Văn Lâm và chị Nguyễn Thanh Hà giá trị nhà, đất với số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận uỷ thác thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tứ Kỳ đã tiến hành kê biên tài sản nhà, đất của ông Phiệt, bà Tâm chỉ thu được số tiền trên 32 triệu đồng trả cho anh Lâm, chị Hà. Hiện tại, ông Phiệt đã chết ngày 06/8/2016 không có di sản để lại, bà Tâm cũng không còn bất cứ tài sản nào để thi hành án cho anh Lâm và chị Hà.
Đối với khoản anh Lâm và chị Hà có nghĩa vụ trả lại ngôi nhà 4,5 tầng gắn liền quyền sử dụng đất 85m2 tại thành phố Hạ Long, sau khi ban hành Quyết định thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố đã thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Nhưng anh Lâm, chị Hà không tự nguyện thi hành án, đồng thời đã có rất nhiều đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan pháp luật và các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, với nội dung đề nghị cơ quan pháp luật phải tổ chức thi hành án đảm bảo quyền lợi của anh, chị theo quyết định của bản án là được nhận đủ số tiền trên 4,5 tỷ đồng thì anh chị mới giao nhà, đất vì việc mua bán nhà, đất của anh chị với ông Phiệt, bà Tâm là ngay tình và việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đã được hoàn thành. Nay ông Phiệt đã chết, bà Tâm già yếu không có khả năng thi hành án thì đề nghị xem xét lại bản án số 15/2013/DSPT ngày 20/6/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh để đảm bảo quyền lợi của anh Lâm, chị Hà.
Do người phải thi hành án là anh Lâm, chị Hà không tự nguyện bàn giao tài sản để thi hành Bản án, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố có đề xuất quan điểm là phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự để buộc anh Lâm và chị Hà phải giao nhà cho anh Thanh và chị Sáu theo Bản án tuyên. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long không đồng ý với đề xuất này.
Vấn đề không chỉ là người phải thi hành án không có khả năng thi hành án, theo Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, mấu chốt nhất gây khó khăn trong vụ việc này là bản án tuyên không ràng buộc trách nhiệm.
Cụ thể, nội dung Bản án số 15/2013/DSPT ngày 20/6/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên các khoản nghĩa vụ cụ thể của từng đương sự, đây là nghĩa vụ độc lập, thi hành án không mang tính đồng thời. Theo đó, việc ông Phiệt, bà Tâm không đủ khả năng thi hành nghĩa vụ trả tiền đối với ông Lâm, bà Hà không làm ảnh hưởng đến việc ông Lâm, bà Hà có nghĩa vụ trả lại tài sản cho ông Thanh, bà Sáu.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh trong một buổi bàn giao vị trí lô đất cho đại diện hợp pháp của người được thi án dân sự. |
Cần sự phối hợp trách nhiệm của các cơ quan chức năng
Ngày 12/10/2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp liên ngành với sự tham gia của lãnh đạo đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hạ Long, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long, bàn biện pháp giải quyết, thi hành án đối với anh Lâm, chị Hà. Tại cuộc họp, sau khi đại diện các đơn vị có ý kiến phát biểu, cuộc họp đã thống nhất: “Bản án vi phạm tố tụng cả về hình thức và nội dung, đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long có văn bản kiến nghị Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét lại Bản án”.
Căn cứ kết luận cuộc họp, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long đã ban hành văn bản số 932/CCTHADS ngày 20/11/2018 (trước đó đã có các văn bản số 359/CCTHADS ngày 02/5/2018 và văn bản số 810/CCTHADS ngày 09/10/2018) gửi Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội kiến nghị xem xét lại Bản án số 15/2013/DSPT ngày 20/6/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh theo thủ tục tố tụng.
Bên cạnh đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có văn bản số 63/CTHADS-NV ngày 10/01/2019 và văn bản số 318/CTHADS-NV ngày 13/3/2019 đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị đối với Bản án trên của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của anh Lâm và chị Hà theo quy định của pháp luật. Nhưng đến nay Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với vụ việc nêu trên.
Mặc dù vậy, đến nay đã hết thời hạn trả lời kiến nghị về việc xem xét lại Bản án, Quyết định theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 170 Luật THADS, nhưng chưa nhận được ý kiến trả lời của cơ quan có thẩm quyền, do vậy về nguyên tắc, Bản án số 15/2013/DSPT ngày 20/6/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh vẫn đang có hiệu lực pháp luật, nên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long cần phải tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật.
Điều này đẩy cơ quan THADS thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào thế bí. Hiện Cục THADS tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.