Dưới tác động của vùng thấp nóng phía Tây, đợt nắng nóng trên diện rộng thứ hai trong tháng 7 đang lan rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Nhiệt độ cao phổ biến từ 35 - 37 độ, có nơi lên đến 38 độ C.
Tại Hà Nội, nhiệt độ phổ biến là 37 độ C. Tại các trạm Phố Ràng (Lào Cai), nhiệt độ đo được là 38,2 độ; Bắc Mê (Hà Giang) là 38,9 độ; Tương Dương (Nghệ An) lên đến 39,2 độ C.
Hiện nay ở phía Bắc có một khối không khí lạnh di chuyển xuống nước ta nên đợt nắng nóng này sẽ kéo dài nốt ngày mai. Dự báo, từ chiều tối và đêm mai, khối khí lạnh sẽ tác động khiến các tỉnh miền Bắc có mưa rào và giông lốc. Những cơn giông này sẽ kéo dài liên tục đến tận ngày 23/7.
Riêng miền núi phía Bắc từ Lạng Sơn sang Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn có mưa rất to và giông. Ngoài ra, tại khu vực này còn có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, đây là thời điểm giông sét xuất hiện nhiều, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc và kéo dài đến tận cuối tháng 9 khi kết thúc thời gian chuyển mùa.
Mưa lớn kéo dài, tập trung ở các tỉnh miền núi tạo ra nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực như Hàm Yên (Tuyên Quang), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái); Thuận Châu, Mộc Châu, Phù Yên (Sơn La). Mưa liên tục và kéo dài nên từ ngày 16 - 19/7, trên hệ thống sông Hồng đến sông Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 3 mét, ở hạ lưu từ 1 đến 2 mét.
Cuối tháng 6 vừa qua, hoàn lưu bão Kujira gây mưa lớn, lũ quét ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu đã làm 7 người chết, 6 người mất tích, hàng trăm nhà cửa bị cuốn trôi. Ngày 13/6, mưa giông bất thường xảy ra ở Hà Nội làm 2 người chết, hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ.