Trẻ em được tự quyết định cuộc sống của mình không?

Đại diện học sinh tham gia buổi công bố kết quả khảo sát.
Đại diện học sinh tham gia buổi công bố kết quả khảo sát.
(PLVN) - Trẻ em có quyền được tự quyết định cuộc sống của mình hay không? Câu hỏi này không chỉ của riêng mỗi đứa trẻ mà còn là hồi chuông báo động cho người lớn khi họ quên mất trẻ em cũng cần đươc tôn trọng và lắng nghe. 

50% trẻ Việt Nam chưa biết quyền trẻ em

Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam năm 2020 vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố. Báo cáo được thực hiện trên cơ sở khảo sát có sự tham gia của 1.692 trẻ em từ 11 - 16 tuổi ở 7 tỉnh/thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi quyền trẻ em (QTE) tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ.

15 phát hiện nổi bật trong Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam năm 2020 đã được nhấn mạnh. Theo đó, cứ mỗi 2 trẻ em thì có 1 trẻ cho biết “chưa từng nghe nói đến” Công ước Liên Hợp quốc về QTE. Cứ mỗi 7 trẻ em trong nhà trường và 3 trẻ em ngoài nhà trường thì có 1 trẻ “chưa từng nghe nói đến” khái niệm QTE. 

Trẻ em tiếp cận thông tin về QTE chủ yếu thông qua mạng xã hội (61,3%); qua báo, đài, tivi (58,8%) và qua các tổ chức hỗ trợ trẻ em (26,1%). Tỷ lệ trẻ em tiếp cận thông tin về QTE thông qua chính quyền địa phương rất thấp (11,6%). Cứ 10 trẻ em thì có 9 trẻ cho rằng mình không có hoặc có ít cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với người có thẩm quyền ra quyết định. Trong khi đó, gần 90% trẻ em nói rằng việc người lớn lắng nghe tiếng nói trẻ em là rất quan trọng. 

Trong 12 tháng qua, đa số trẻ em được bày tỏ ý kiến của mình ở nhà (74%) hoặc ở trường (59,7%), trẻ em chưa có nhiều cơ hội được tham gia ý kiến tại nơi trẻ sinh sống (7,6%) và với chính quyền địa phương (2,2%).

Con dám bày tỏ là con bất hiếu?

Cũng trong buổi công bố báo cáo, nhiều trẻ em đã đặt những câu hỏi khiến người lớn “giật mình” vì cách đối xử, suy nghĩ về trẻ em của mình bấy lâu nay. 

“Người lớn hay nói “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi”, câu này đúng hay sai? Người lớn đang bảo vệ trẻ em một cách thái quá, bảo trẻ em “mày phải học trường này, trường kia, nếu không mày nhảy tự tử luôn đi”. Trẻ em có quyền được tự quyết định cuộc sống của mình hay không?” - em H.P, học sinh lớp 9, Trường THCS Nam Từ Liêm đặt câu hỏi. 

Bức xúc khi bị bố mẹ “chụp mũ” tội bất hiếu, em M.T, học sinh Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Học sinh được học về QTE, bố mẹ có thể biết, nhưng bố mẹ rất ít khi cho trẻ thực hiện quyền tự do ngôn luận, nếu bố mẹ nói mà con nói lại thì bố mẹ kêu là bất hiếu. Em thấy QTE có nhưng chưa được lan tỏa, chưa được thực hiện”.

Chung một nỗi ấm ức như vậy, em T.Đ, học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm cũng kể câu chuyện của mình: “Bố mẹ nhiều khi cũng làm sai, nhưng nếu em nói lại bố mẹ lại bảo là bất hiếu, bố mẹ cũng hay sử dụng các hình thức trừng phạt khiến em chỉ có thể im lặng hoặc làm theo bố mẹ”.

Tuy là con trai nhưng em T.S, học sinh lớp 6 Trường THCS Nam Từ Liêm lại rất quan tâm đến sự yếu thế của các bạn gái trong những gia đình vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam, khinh nữ.

“Hiện tại ở Việt Nam vẫn còn hiện tượng trọng nam, khinh nữ, nhiều gia đình vẫn muốn sinh con trai, nhiều bạn nữ không dám nói ra, trong các bữa tiệc gia đình bạn nữ phải dọn dẹp, còn các bạn nam thì ngồi chơi, như thế con thấy không hợp lý. Con biết có một chị bạn rất thích chơi trống, nhưng bố mẹ bảo “mày là con gái không nên chơi trống” sau đó lại quay ra cậu con trai hỏi là con có muốn chơi trống không? Làm thế nào để giải quyết hiện tượng này?” – em T.S nêu vấn đề…

Ngay tại buổi công bố báo cáo, em H.T, học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm đã chia sẻ nỗi ấm ức, những suy nghĩ phản kháng của bản thân: “Em thấy nhiều khi mình bị ức chế chuyện gia đình, hay lớp học, khiến trong nội tâm mình phải “đánh nhau" mà không biết có cách nào để giải toả”. 

Hãy nói cho cha mẹ hiểu, đó là lời khuyên của bà Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng phòng, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: “Các em hoàn toàn có quyền tham gia và thuyết phục bố mẹ lắng nghe mình. Tuy nhiên, khi thấy bố mẹ nói sai, làm sai, trẻ em nên bình tĩnh trao đổi, giải thích với bố mẹ. Các em hãy sử dụng kết quả Báo cáo Tiếng nói trẻ em, đọc cho bố mẹ nghe và cùng chia sẻ để bố mẹ hiểu được quyền của các em, tôn trọng tiếng nói và trân trọng sự tham gia của các em.

Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến của các em, sau khi chương trình hôm nay kết thúc, các em vẫn có thể bày tỏ những nguyện vọng của mình thông qua các thầy, cô giáo, qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – đây là tổ chức đại diện cho tiếng nói của các em. Các em cũng hoàn toàn có thể gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 để được hỗ trợ mọi lúc”. 

“Quyền tham gia của trẻ em cần được bổ sung bằng các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong cộng đồng, trong gia đình, trong nhà trường. Trong giai đoạn tới, chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các hoạt động dành cho các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ để bố mẹ cũng phải học hỏi, học cách lắng nghe, tôn trọng và đảm bảo quyền của con, em mình.
Chúng tôi luôn cùng các cơ quan quản lý nhà nước khác, trường học, các đối tác là các tổ chức xã hội sẵn sàng tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và hành động để thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.