Chẳng thế mà nhà triết học, thần học người Đức Albert chweitzer (1875 - 1965), đã từng có câu: “Người lớn dạy trẻ con theo 3 cách quan trọng: cách thứ nhất là làm gương, cách thứ hai là làm gương, cách thứ ba là làm gương”. Nếu cha mẹ không thể làm gương cho con, thì giáo dục nhiều bao nhiêu cũng vô dụng…
Gương mờ sao đòi hình sáng?
Cách đây 7 năm, có một vụ án, một bà mẹ đã khiến dư luận xã hội xôn xao mãi. Đó là vụ án tướng cướp 20 tuổi Hồ Duy Trúc chặt tay nạn nhân để cướp xe SH và cách hành xử của bà mẹ của Trúc tại tòa. Vì muốn có tiền để tiều xài, Hồ Duy Trúc và đồng bọn đã dùng dao, mã tấu chém người để cướp xe.
Nhiều vụ cướp đã xảy ra, Trúc và đồng bọn lạnh lùng chém nạn nhân, có người bị chém ba nhát vào cổ, ngực, có người bị chém một nhát vào vai. Đỉnh điểm là vụ chém gần đứt lìa bàn tay chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy để cướp xe SH. Những hành động gây án của Trúc và đồng bọn lặp lại nhiều lần, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Sài Gòn suốt một thời gian dài.
Ngày ra tòa, cho đến lúc nói lời sau cùng, tướng cướp tuổi 20 ấy vẫn tỏ ra bình thản, thậm chí lạnh lùng khi nhắc lại tội ác. Khi tòa tuyên phạt Trúc mức án tử hình, bà Trần Thị Út mẹ Trúc đã la ó những câu thật khó nghe: “Tao biết tử hình con tao thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (là nạn nhân bị Trúc chém gần đứt lìa bàn tay); Ai bảo đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém…”.
Nghe những câu nói này, nhiều người bàng hoàng và hiểu rằng cũng không quá khó khăn để đi tìm câu trả lời cho những tội ác kinh hoàng của Hồ Duy Trúc.
Con hư là do cha mẹ, câu nói này luôn đúng trong mọi trường hợp. Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, lối sống vô đạo đức và thậm chí có cả những hành vi phạm tội như đánh bạc, nghiện ma túy, buôn lậu, trộm cắp, tham ô..., con trẻ dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dẫn tới đồng lõa với hành vi phạm pháp.
Cá biệt cũng có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức và trình độ hiểu biết nhưng không chú ý đúng mức hoặc không có điều kiện giáo dục con cái. Người thì ỷ lại cho nhà trường, một số mải lo làm ăn, kiếm sống hoặc phải đi công tác trong một thời gian dài. Có gia đình bố mẹ ly hôn, một trong hai người chết hoặc vì lý do nào đó phải xa cách dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương gia đình…
Theo số liệu thống kê tội phạm học, trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm 51,94%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%, 30% trẻ phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút. Có trường hợp bố mẹ trực tiếp đẩy con ra đường, xúi giục chúng làm những điều bất chính khiến trẻ bỏ nhà đi hoang, sống bụi, trộm cắp.
Theo số liệu của Viện KSND TP Hà Nội, tỉ lệ người chưa thành niên có hành vi trộm cắp tài sản đồng phạm với bố mẹ là 5%. Số liệu thống kê của Viện KSNDTC cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Một nghiên cứu của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ.
Như vậy, bằng cách này hay cách khác, cha mẹ luôn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự trưởng thành về nhân cách của con cái. Chẳng thế mà người xưa đúc kết, muốn con cái trở thành thương nhân thì nên ở gần chợ, muốn con hay chữ thì ở gần trường học, còn nếu gần trộm, gần cướp thì sớm hay muộn cũng vào tù ra khám. “Gần mực đen, gần đèn thì rạng” câu tục ngữ mang tính giáo dục đến nay vẫn hoàn toàn đúng.
Trẻ con hư từ khi nào?
“Nhân chi sơ, tính bản thiện” – con người ta sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành. Vậy trẻ con hư, người lớn ác là từ khi nào. Xin thưa, đó là khi lớn lên, do ảnh hưởng của giáo dục trong gia đình, của môi trường đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, phát sinh tính ác.
Có nhà giáo đã từng tâm sự rằng: “Tôi là một giáo viên. Tôi không phân tích sâu, chỉ nêu ra vài hiện tượng cho các bạn thấy phụ huynh thế nào. Hiện tượng thứ nhất là gần trường tôi có hai ngã tư. Tôi thấy vài phụ huynh chở con mình đến trường cứ vượt đèn đỏ thoải mái, mặc cho đứa con phía sau mình thắc mắc vì ở trường chúng nó đã được học vượt đèn đỏ là vi phạm pháp luật.
Hiện tượng thứ hai là vì bênh vực con mình mà cả hai phụ huynh “huy động lực lượng” anh em bạn bè đến trước cổng trường đánh nhau, rượt đuổi nhau, chạy vào luôn sân trường. Hiện tượng thứ ba là khi phụ huynh được nhà trường mời vào làm việc vì con vi phạm, có phụ huynh nạt nộ cả giáo viên để bênh con mình, có phụ huynh khăng khăng khẳng định “ở nhà con tôi ngoan lắm, chắc thầy nhìn nhầm”, có phụ huynh buông xuôi “Tôi chịu thôi, tôi cấm nó cái này, cái kia thì nó đòi tự tử” .... Thử hỏi với những phụ huynh như thế nào làm sao giáo dục được con trẻ?”.
Những “hiện tượng phụ huynh” mà nhà giáo nêu ra không mới, bởi cách đây mấy năm, khảo sát điều tra hơn 1000 gia đình có con đang theo học tiểu học và trung học cơ sở ở tỉnh Cần Thơ, kết quả khảo sát điều tra đã cho thấy có tới 25,5% (tức là chiếm tới 1/4 người được hỏi) các bậc cha mẹ thừa nhận là đã khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường.
Thả nổi trong việc chăm sóc giáo dục con, đến khi con cái mắc khuyết điểm, phạm tội, gia đình lại mắc vào tội nữa là che dấu khuyết điểm, lỗi lầm của con. Nhiều bậc cha mẹ đã không dám nói thật khuyết điểm của con em mình với nhà trường.
Khảo sát một số em là vị thành niên vi phạm pháp luật cũng cho thấy các em bị ảnh hưởng của rất nhiều nguyên nhân từ gia đình mà dẫn đến hành vi xấu. “Sống trong gia đình, em cảm thấy rất buồn chán” (chiếm tỷ lệ 29,6% số các em được hỏi) và cũng chính các em khẳng định “bố mẹ đã nuông chiều con cái đã khiến con hư” với tỷ lệ khẳng định chiếm quá nửa người được hỏi (52,8%).
Một số em khác cũng cho biết, bố mẹ đã không coi trọng các em, thường bỏ qua các ý kiến tham gia đề xuất của các em, đe nẹt, ép buộc các em phải làm thế này, thế nọ. Kết cục là các em đã buồn chán trốn khỏi nhà, đến ở nhà một người bạn khác và cuối cùng, bị bạn rủ rê, cùng nhau vi phạm pháp luật.
Dạy con ngoan là “bài toán” cho các bậc bố mẹ
Con cái luôn học từ cha mẹ - đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam trong một lần trao đổi với truyền thông về vấn đề “học sinh hư, đáp án là bố mẹ”. Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ và những người thân trong gia đình để tự bắt chước, học theo, từ cách ăn mặc, nói năng, cư xử…
Những nét tính cách thật thà, dũng cảm, cần cù, chịu khó, yêu lao động, ngăn nắp, kỷ luật, biết quan tâm đến người khác, không nói tục chửi bậy… được các em học tập ngay từ chính những người thân trong gia đình, mà trước hết là từ bố mẹ của mình.
Do đó, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú khuyên, muốn giáo dục con cái, bố mẹ phải biết chăm lo để mắt tới mọi việc, từ việc xây dựng các mối quan hệ trong gia đình sao cho thật chuẩn mực. Vào tuổi của con, bố mẹ tựa như một tấm gương treo trên cao, tấm gương thực sự trong sáng không hề giả dối để các con phải tự vươn lên, soi mình vào đó.
Như thế, chính bố mẹ cũng phải biết tự giáo dục mình, phải biết vượt qua chính mình để có được hình ảnh trong con mắt con cái mình là mình thực sự có đạo đức, đáng kính, gương mẫu, trong sáng… và con hoàn toàn có thể tin tưởng, có thể gửi gắm tất cả các suy nghĩ, các ước vọng riêng tư. Những thành công trong việc giáo dục con cái thành tài, nên người đã khẳng định vai trò của các tấm gương trong sáng lành mạnh mà trẻ đã tự học được bài học đầu tiên ngay từ trong ngôi nhà của mình.
Hạnh phúc của bố mẹ, của cả gia đình cũng chính là sự trưởng thành, hạnh phúc trong cuộc đời của con cái. “Con hơn cha là nhà có phúc”, đấy là niềm tự hào, hạnh phúc của cả gia đình, dòng họ.
“Có thể nói dạy con ngoan là “bài toán” cho các bậc bố mẹ. Ai không tự giải được bài toán này thì đừng bao giờ hy vọng sự thành công ở con cái mình và đấy cũng là thành công của chính mình - các bậc cha mẹ, trong cuộc đời” -GS.TS Nguyễn Ngọc Phú nhấn mạnh.