Có nên luật hóa “đạo làm thầy”?
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT), cấu trúc dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành; có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất, nội dung dự thảo Luật.
Một số chính sách mới đáng chú ý của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) liên quan đến: nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giảng viên ĐH, thạc sĩ; học phí học sinh, sinh viên sư phạm; chế độ cử tuyển; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm…
Ông Cường cho biết các vấn đề nổi bật xin ý kiến các chuyên gia tại các hội thảo, cũng như xin ý kiến nhân dân rộng rãi, gồm: quy định về triết lý giáo dục; về hướng nghiệp và phân luồng; chính sách cử tuyển; về đầu tư giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; về học phí; về xã hội hóa giáo dục; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; chính sách học phí sư phạm; phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp; vấn đề bình đẳng giới; trường chuyên, trường chất lượng cao và trường nội trú, bán trú...
Theo đó, sau liên tiếp các vụ việc tiêu cực diễn ra, các chuyên gia giáo dục đặc biệt quan tâm đến chủ đề đạo đức nhà giáo và bồi dưỡng giáo viên. Ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng việc đào tạo giáo viên hiện nay đang “thả nổi”.
Điều này dẫn đến một “điều đau khổ” là người học giỏi chưa chắc đã có việc làm, người kém thì vì một lý do nào đó vào ngồi chỗ đó.
Theo ông Tần, ở Hàn Quốc, ở các cơ sở đào tạo giáo viên không phải là trường sư phạm, sinh viên phải học hết 2-3 năm đại học loại giỏi, lúc bấy giờ mới cho học lên thành giáo viên. Họ lọc bộ phận có năng lực nhất để trở thành giáo viên bởi họ hy vọng con em của mình được học tốt.
Do đó, ông Tần kiến nghị, trong Luật Giáo dục cũng cần có những điều kiện hành nghề nhà giáo, trong đó có điều kiện về đạo đức nghề nghiệp.
Bà Vũ Thị Lan, nguyên chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), nguyên Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức cơ quan Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Trước đây những chuyện tưởng như đùa mà thật là giáo viên mầm non được trả thù lao chỉ bằng con gà, con mèo,... mà họ vẫn gắn bó với nghề, hết lòng vì học sinh.
Do đó tôi nghĩ phải đặt chính sách trước khi nói đến các vấn đề khác”. Theo bà Lan, qua xem xét dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, chưa thấy rõ các chế độ, chính sách mới đối với giáo viên so với Luật Giáo dục hiện tại.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Quỹ tiền lương lần này được đưa vào chỉ đạo trong Nghị quyết sẽ theo hướng cấu thành bởi ba phần.
Phần thứ nhất là lương, phần thứ hai là phụ cấp (phụ cấp lần này sẽ khống chế chiếm khoảng 20-30%). Và sẽ có thêm một quỹ nữa là thưởng (chiếm 10%). Quỹ thưởng này sẽ giao cho thủ trưởng các đơn vị quyết định”.
Theo ông Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, những vụ việc bạo hành của giáo viên thời gian qua với học sinh không phải là khuyết điểm của từng cá nhân nhà giáo mà phải xem lại cơ chế quản lý nhà giáo của chúng ta hiện nay. Chúng ta không có cơ chế nào “rút phép” khi nhà giáo vi phạm, cứ dạy học là thành nhà giáo.
Đồng tình với việc nên có chứng chỉ hành nghề, song TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội, cho rằng, việc đặt ra vấn đề nhà giáo không chỉ có bằng cấp mà còn có cả đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng thực sự là cần thiết, nhưng cơ quan nào cấp chứng nhận hành nghề, có đáng tin cậy hay không là việc rất quan trọng. Bởi hệ lụy sẽ là việc “đẻ” ra một loại giấy phép con và chạy chọt, “mua, bán” chứng chỉ hành nghề”.
Học sinh nói gì?
Mới đây, trong buổi tọa đàm lấy ý kiến của học sinh về những nội dung liên quan tới người học cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, hai nội dung được học sinh trường này nhấn mạnh liên quan đến bình đẳng giới và vấn đề trường chuyên, trường chất lượng cao.
Về vấn đề bình đẳng giới, Linh Khánh, học sinh lớp 11 chuyên Lịch sử chỉ ra rằng, việc bất bình đẳng giới trong giáo dục cần sửa đổi bắt đầu ngay từ những hình ảnh trong sách giáo khoa. Khi nói đến vấn đề nghề nghiệp, nam giới thường được xếp vào những ngành nghề như bác sĩ, doanh nhân, kỹ sư; còn nữ giới chủ yếu làm các công việc nội trợ, nhân viên, y tá,…
Trong sách giáo khoa Đạo đức hay Giáo dục công dân, những ví dụ về học sinh nghịch ngợm, chưa ngoan đều là học sinh nam. Trong khi thực tế không phải bạn nam nào cũng nghịch và không phải bạn nữ là sẽ ngoan. Theo Linh Khánh, những hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa như vậy cũng chính là gốc rễ dẫn tới việc bất bình đẳng giới.
Và Tô Mai Anh, học sinh lớp 11 chuyên Lịch sử đề cập đến một vấn đề hiện nay, đó là học sinh có “giới tính thứ ba” và cho rằng đây là đối tượng cũng cần được quan tâm. Theo Mai Anh, vấn đề cần sửa đổi trước nhất là thái độ của giáo viên trước những học sinh này.
Bởi thế, Thùy Dương, lớp 11 chuyên Lịch sử thẳng thắn: “Khi sửa Luật Giáo dục cần chú ý tới cả chất lượng đào tạo các giáo viên, không chỉ về mặt chuyên môn mà cần đào tạo về con người, với những kỹ năng khác. Giáo viên thì không chỉ dạy kiến thức mà cần tôn trọng cá tính, suy nghĩ riêng của học trò. Điều này rất nhiều thầy cô giáo chưa làm được”.
Ở góc độ khác, nhiều học sinh cho rằng, bộ sách giáo khoa hiện nay có ưu điểm là chứa đựng nhiều kiến thức nhưng lại đang đi sâu vào việc học lý thuyết quá nhiều. Ví dụ đối với môn Hóa đáng lẽ phải thực hành nhiều hơn và học sinh được tự mình trải nghiệm nhưng ở Việt Nam, tất cả những sách Toán, Lý, Hóa lại như “một combo sách hủy hoại tuổi trẻ của học sinh”.
Về vấn đề trường chuyên, trường chất lượng cao, Lê Thúy Hiền, học sinh lớp 11 chuyên Văn bày tỏ quan điểm, không đồng tình việc tồn tại hệ thống các trường công lập nhưng lại “đào tạo mô hình chất lượng cao”.
Các trường công phải là nơi mà tất cả các học sinh trên toàn quốc đều được học. Vậy tại sao lại có sự phân biệt giữa các trường công? Tại sao có những trường được đào tạo chất lượng cao hơn cả với đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy lẫn cơ sở vật chất nhưng vẫn có những trường không được như vậy?
Em Lê Thúy Hiền cho rằng, những trường chất lượng cao nên để cho khối tư nhân “gánh vác”. Khi đó những học sinh muốn vào, sẽ phải nộp một khoản học phí xứng đáng với cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục được hưởng.