Dư luận hiểu sai về quy chế được ban hành?
Bún bò Huế có thể nói đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt như một thương hiệu đặc trưng vùng miền. Việc ban hành quy chế về quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” có thể thấy nó cũng chẳng khác mấy so với những nhãn hiệu đặc sản, nông sản thời gian qua đã được một số địa phương tiến hành đăng ký để giám sát, đảm bảo chất lượng, tính nguyên bản, thương hiệu của các mặt hàng nông sản, sản phẩm truyền thống địa phương mình.
Tuy nhiên khác với những nhãn hiệu nông sản có tiếng ấy, việc “Bún bò Huế” nhận được sự quan tâm đặc biệt thời gian qua có thể do dư luận hiểu sai các quy chế được ban hành này. Nhiều người chưa hiểu đúng bản chất hoặc diễn giải chưa chính xác 19 điều trong văn bản được lưu hành khiến việc này được hiểu thành UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế muốn quản lý tất cả những tiệm bún ở khắp nơi có gắn bảng “Bún bò Huế” hay nếu muốn kinh doanh món ăn này phải đến Huế xin phép?
Nếu hiểu như vậy thì đúng là dư luận bất bình thật sự vì chẳng ai có thể chấp nhận được việc có trên đời một thứ quy chế bảo thủ và độc quyền địa phương đến mức như thế. Nhất là quy chế ấy lại hướng vào một thứ đặc sản quá phổ biến trong xã hội, không chỉ riêng tại Việt Nam mà nó còn được nhiều du khách khắp nơi trên thế giới biết đến.
Và nếu theo cách hiểu bảo thủ, độc quyền kia thì nhiều món ăn đặc sản ở các địa phương khác như mì quảng Hội An, phở Nam Định, bún cá Ninh Hòa, bánh Khọt Vũng Tàu... cũng giành quyền đăng ký quản lý. Rồi những ai muốn kinh doanh đều phải đến địa phương gốc để xếp hàng đăng ký, gắn logo của địa phương đó thì... quá tội.
Bên cạnh dư luận bị hiểu chệch đi, nhiều cơ quan chức năng ở chính tỉnh Thừa Thiên Huế cũng hiểu sai vấn đề. Như một vị lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế (đơn vị được giao soạn thảo) quy chế nói trên cho biết:
“Về nguyên tắc, khi mà nhãn hiệu đã được bảo hộ với cụm chữ “Bún bò Huế” thì các đơn vị phải đăng ký với tỉnh. Khi ấy hiệp hội sẽ xem thử quy trình chế biến của họ có hợp vệ sinh hay không, đã tạo ra hương vị đặc trưng của bún bò Huế hay không, nguyên liệu để chế biến nên sản phẩm có đảm bảo các tiêu chí an toàn với sức khỏe hay không... Lúc đó họ có thể sử dụng chữ “Bún bò Huế”... Nếu không đảm bảo các tiêu chí đó thì họ có thể sử dụng “Bún Huế”, “Bò Huế” hay “Huế bò” gì đó... chứ không phải là “Bún bò Huế”.
Chính những người quản lý còn hiểu sai vấn đề thì không trách được dư luận hiểu sai và có những tranh cãi!
Ai đã từng đọc tạp văn của Võ Phiến thì đều biết rằng món bún bò Huế được lưu truyền rộng rãi từ Nam ra Bắc là do chiến tranh, những người di cư Huế mang nó vào Sài Gòn, ra Hà Nội. Nhưng đây là một món ăn, chính vì thế nó đi đến đâu thì sẽ bị lai tạp hương vị cho hợp khẩu vị tại vùng miền đó. Tại Sài gòn đã khác, xuống miền Tây càng khác nữa.
Nhiều người có ý kiến, bún bò ở Huế không bao giờ được gọi là bún bò Huế mà chỉ gọi là bún bò, và đặc trưng sợi bún lẫn gia vị ăn kèm đều không giống với bún bò Huế ở các nơi khác. Chỉ có ở những nơi khác Huế người ta bắt đầu định nghĩa Bún bò Huế. Và nhân chuyện tranh cãi thì nhiều người đặt ra câu hỏi: Vậy thì ở đâu mới được quyền đăng ký bảo hộ cái tên “Bún bò Huế”, nơi sinh ra món bún bò được lưu truyền đi hay nơi gọi tên món ăn này?
Logo Bún bò Huế đã được đăng ký nhãn hiệu |
Người bán bún bò Huế không bị ảnh hưởng
Trao đổi với báo chí, ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên- Huế cho biết, việc sử dụng nhãn hiệu này mục đích xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” thành một nhãn hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trong việc chế biến và cung cấp dịch vụ đối với sản phẩm bún bò Huế.
“Chỉ những ai muốn sử dụng logo của nhãn hiệu “Bún bò Huế” mới phải đăng ký và hoạt động theo tiêu chí của quy chế ban hành. Còn những người bán bún, kinh doanh bún bò Huế bình thường, nếu không có như cầu sử dụng logo nhãn hiệu tập thể của UBND tỉnh thì vẫn hoạt động bình thường không ảnh hưởng gì cả”- ông Thắng nói.
Như vậy có thể nói “Bún bò Huế” được hiểu là định danh chung của sản phẩm, khái niệm đó rộng hơn rất nhiều lần “Bún bò Huế” đi kèm bộ nhận diện nhãn hiệu do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế sở hữu. Theo đó, những nơi sử dụng logo nhận diện này sẽ đi theo tiêu chuẩn khung về món bún bò Huế mà bản quy chế trên đã đăng ký và được chấp thuận về mặt sở hữu trí tuệ.
Đồng nghĩa với việc, nếu không treo logo, gắn nhãn hiệu “Bún bò Huế” theo thiết kế, quy cách của UBND Thừa Thiên-Huế đã đăng ký sở hữu trí tuệ, thì các quán để bảng bán bún bò Huế với thiết kế nhận diện, nấu bún bán bình thường, chẳng việc gì phải nóng ruột vì món mình đang bán cả.
Theo bảng quy chế ký ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” nêu rõ: “Các quán ăn muốn được treo logo nhãn hiệu chứng nhận phải đạt tiêu chuẩn khung về món bún bò.
Cụ thể, nước dùng phải trong, dậy mùi thơm của thịt, sả, hành quyện vào nhau. Trong đó mùi sả thơm nồng hơn và có mùi thơm nhẹ của các loại rau gia vị, ruốc. Nước dùng được ninh bởi lửa nhỏ với nồi nấu có miệng vum để xương và thịt tiết ngọt từ từ. Bún tươi phải là bún làm từ tinh bột gạo với phụ gia bột lọc. Thịt bò và giò heo không ninh quá kỹ. Các viên chả chín tới, săn, ngọt, kích cỡ đều, đẹp mắt. Rau tươi. Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra chất lượng của các cơ sở dùng nhãn hiệu chứng nhận”.
Như vậy việc hiểu chưa chính xác dẫn đến dư luận hiểu lầm cộng với việc một số người quản lý nắm không rõ tác động, phạm vi của quy chế đối với xã hội đã dẫn đến những việc nhỏ như… tô bún bò bị phóng đại quá mức gây xôn xao cộng đồng quan tâm ẩm thực thời gian qua.
Luật sư Nguyễn Duy Tiền, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Ở đây, có thể thấy rõ là UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế không đăng ký sử dụng nhãn “Bún Bò Huế” chung chung mà là đăng ký nhãn hiệu “Bún bò Huế” theo dạng logo nhận diện, đi kèm một hệ, khung tiêu chí rõ ràng trong quá trình lựa chọn nguyên liệu, chế biến và nhất là sử dụng hình ảnh, biểu tượng nhận diện (logo).
Việc này là phù hợp với việc đăng ký “nhãn hiệu chứng nhận” quy định tại khoản 18, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn (tương tự như thanh long Bình Thuận, chè Thái Nguyên…).
Theo Quyết định 1623/QĐ-UBND ngày 13/07/2016 của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ không thực hiện quyền sở hữu đối với tất cả những quán bún sử dụng hay có gắn chữ “Bún bò Huế”, không áp đặt khung tiêu chí đối với sản phẩm “Bún bò Huế” ở mọi quán mà chỉ áp dụng ở những quán bún có sử dụng logo nhận diện nhãn hiệu “Bún bò Huế” do tỉnh này đăng ký mà thôi.
Trên thực tế, nếu bất kỳ ai chỉ sử dụng tên Bún bò Huế nói chung và không có kèm theo logo nói trên thì sẽ không phải xin phép bởi lẽ tên gọi Bún bò Huế là tên gọi thông thường của món ăn (để phân biệt với các món ăn khác như Bún chả, Bún giò, Bún Cá, Bún bò)… và bản thân tên “Bún Bò Huế” sẽ không đủ căn cứ để phân biệt và được bảo hộ.