Chủ hàng rau: Bị quăng đồ lần thứ… tư
Chủ cửa hàng giày dép trong clip là bà Nguyễn Ngọc Liên (SN 1966, ngụ ấp Chợ, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Còn người bán rau là bà Mai Thị Hiếu (SN 1970, ngụ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh). Sự việc xảy ra trước cửa hàng giày dép của bà Liên tại chợ Bến Súc (xã Thanh Tuyền) vào khoảng 8h sáng 22/6.
Tại chợ Bến Súc, bà Hiếu bán rau tố: “Bà Liên quăng đồ của tôi lần này là lần thứ tư và cũng là lần gây thiệt hại nặng nhất. Để dẫn đến chuyện quăng đồ, phải nói đến mâu thuẫn giữa tôi và bà Liên từ trước”.
Theo người bán rau: Trước đây, bà thuê mặt bằng là hiên kiot của bà Liên để bán rau với giá 20 ngàn đồng/ngày. Có một số người dân địa phương mang vài ký cá, ít rau trồng được đứng bán ké tại đây. Chủ kiot giày dép yêu cầu bà Hiếu thu tiền giúp, nhưng bà này những người kia buôn bán ít nên không thu. Chủ hàng giày vì thế tức giận đuổi người bán rau đi nơi khác.
Bà Hiếu kể, sau đó được một người cháu họ của chủ hàng giày cho ngồi bán ngay tại xe bánh mì của người này. Nhưng xe bánh mì này cũng đặt ở hành lang đường bộ, trước mặt kiot của bà Liên.
“Bà ấy (cháu họ bà Liên – PV) bán bánh mì ở đây đã lâu,sau đó không bán nữa. Dù vậy, xe vẫn đậu ở đó. Thấy tôi không có chỗ buôn bán, bà ấy kêu qua cho ngồi không thu tiền, bảo khi nào cần thì lấy lại, còn ai đến đuổi thì không đi đâu hết. Tôi bán ở đây từ lâu nay”, bà Hiếu kể.
Bà cho rằng dù vị trí chiếc xe bánh mì trước mặt tiền kiot nhà bà Liên nhưng bà chỉ ngồi trên hành lang đường bộ và vỉa hè. “Tôi chỉ vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè chứ không hề ngồi trên đất của bà Liên.
Cơ quan chức năng mới có quyền xử lý, bà Liên không thể lấy cớ tôi ngồi choán mặt tiền mà quăng đồ của tôi. Hành lang đường bộ, hiên kiot bà Liên lót gạch, cho người khác thuê với giá vài chục ngàn một ngày. Tôi là người nghèo, tiền đâu mà trả”, người bán rau nói.
Bà Hiếu cho rằng bị chủ hàng giày dép quăng đồ ra đường |
Ngoài ra, bà Hiếu còn cho rằng chủ hàng giày dép không được phép xây kiot quay mặt ra đường. “Đây là đất chợ, tất cả ngôi nhà đều hướng mặt về chợ. Bà Liên lợi dụng việc mở rộng đường tới sát đất nhà mình và chiếm luôn phần còn dư của hành lang để mở kiot quay mặt ra đường lộ là không đúng. Đáng lý ra, số đất dư thừa của hành lang sát kiot của bà Liên phải dành cho người nghèo bán hàng ở chợ”, lời bà Hiếu.
Kể về buổi sáng xảy ra sự việc, người bán rau cho rằng đang dọn hàng bán bình thường thì lực lượng trật tự đô thị đến xử lý việc lấn chiếm vỉa hè. Biết mình vi phạm, thấy lực lượng chức năng, bà này mang đồ vào sát kiot giày dép để trốn.
“Khi lực lượng kiểm tra đi khỏi, tôi chưa kịp mang hàng ra vỉa hè thì bà Liên đến và bắt đầu chửi bới, quăng rau của tôi ra ngoài làm hư hại rất nhiều. Tuy nhiên, tôi không trình báo cơ quan chức năng”, người bán rau nói.
Sau khi sự việc căng thẳng, bà ư vẫn tiếp tục trở lại trước kiot giày dép bán hàng bình thường. Mãi đến khi lực lượng chức năng đến cưỡng chế chiếc xe bánh mì và yêu cầu dọn hàng rau khỏi vỉa hè, bà Hiếu mới chuyển đi nơi khác buôn bán.
Chủ hàng rau bức xúc: “Bà Liên rất quá đáng, chúng tôi không có chỗ buôn bán mới lấn chiếm vỉa hè, có đụng tới đất của bà ấy đâu. Ai muốn đứng buôn bán trên vỉa hè, trước kiot của bà Liên đều phải nộp tiền”.
Hàng giày: Cả chục năm “chịu đựng” bị chắn trước mặt?
Tìm gặp bà Liên, chủ hàng giày dép bị cho là đã quăng đồ của người bán rau, người tiếp PV là người chồng và ông Nguyễn Thành Nhân (anh thứ bảy của bà Liên). Ông Nhân nói: “Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Em gái tôi đã chịu đựng quá nhiều từ gần 10 năm nay. Hôm đó, nó biết bị quay clip nhưng không kiềm chế được”.
Người anh cho biết, bà Liên mua lô đất ở khu chợ Bến Súc từ năm 2006, từ khi còn đất trống, người họ hàng đã mang xe bánh mì ra bán. Đến năm 2009, bà Liên xin phép xây dựng kiot để cho thuê và cho con cái mở cửa hàng buôn bán. Trên mảnh đất 4 x 14m, bà Liên xây bốn kiot. Tuy nhiên, kiot xây xong, người họ hàng vẫn đặt xe bánh mì choán ngay mặt tiền kiot số 2, không chịu di dời, dù đã không bán bánh mì từ vài năm qua.
Chồng bà Liên phàn nàn cửa hàng “không làm ăn được gì” vì người bán rau choán mặt tiền. |
Phản bác về chuyện người bán rau cho rằng em gái mình lấn chiếm, không được phép xây dựng cửa kiot quay ra đường lớn, người anh trưng ra giấy mua hóa giá khu đất với chính quyền địa phương.
Theo đó, lô đất bà Liên mua giáp với đường nhựa vào trường THPT Thanh Tuyền, không còn lô đất nào khác. Trong giấy phép xây dựng có chứng nhận của chính quyền xã Thanh Tuyền, bà Liên được phép xây bốn kiot, cửa quay ra đường vào trường THPT Thanh Tuyền.
Từ khi bị người bán rau ngồi buôn bán trước cửa kiot, gia đình bà Liên gần như không kinh doanh được gì. Chồng bà Liên trình bày: “Vợ chồng tôi mở kiot để làm ăn. Cái thì cho thuê, cái thì định mở cửa hàng buôn bán giày dép cho các con.
Nhưng bà Hiếu cứ choán mặt tiền như thế, đuổi thì bà ấy không đi, nên không ai đến thuê. Cửa hàng của con trai tôi mở ra được mấy hôm rồi cũng phải đóng cửa vì không có đường đi vào. Con cái tôi buộc phải đi làm công nhân. Nhiều lần, bà Hiếu bỏ rau sát vào cửa kiot, vợ chồng tôi nhắc nhở có được đâu”.
Anh trai bà Liên đưa ra nhiều tờ đơn từ năm 2014 đến nay, cho hay: “Nói nặng, nói nhẹ đủ điều bà Hiếu và một số người khác choán vỉa hè mặt tiền kiot không nghe. Gia đình chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chính xã Thanh Tuyền cần có biện pháp giải tỏa để trả lại sự thông thoáng.
Tuy nhiên, đơn đưa đi thì nhiều nhưng không được giải quyết. Nếu chính quyền giải quyết triệt để, có thể không xảy ra sự việc hôm 22/6”. Ông này còn nói thêm: “Người đứng sau bà Hiếu là ai, tiếp tay để bà ấy quậy không cho chúng tôi làm ăn, chúng tôi đều biết”.
Theo ông, sau khi clip trên được đưa lên mạng, cộng đồng mạng nhiều người chỉ trích, xúc phạm gia đình em gái ông, khiến danh dự gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng. “Người đăng tải clip và lời chú thích sai sự thật làm thiệt hại đến danh dự, kinh tế của em gái tôi.
Thậm chí, nhiều người không biết chuyện gì cũng kêu gọi tẩy chay cửa hàng giày dép. Chúng tôi biết người đăng tải clip đó là ai, họ cố tình bẫy thế nào để em tôi nóng giận mất kiểm soát và có hành động như trên. Sắp tới, gia đình tôi dự tính sẽ khởi kiện yêu cầu xin lỗi, bồi thường việc đăng tải clip không đúng sự thật trên”, ông Nhân nói.
Ông Trần Minh Thảo, Phó Trưởng công an xã Thanh Tuyền, cho biết: “Sự việc giữa bà Liên và bà Hiếu chúng tôi chưa được trình báo nên không nắm được mâu thuẫn thế nào. Chuyện bà Liên cho thuê hoặc cho ai đó ngồi trước cửa kiot của mình bán hàng là quyền của bà ấy.
Nhiệm vụ của chúng tôi là giải tỏa, xử lý những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Nhưng lực lượng chức năng đến thì họ dọn đi, vắng là lại tiếp tục vi phạm. Sắp tới chúng tôi sẽ mạnh tay hơn để con đường vào trường THPT Thanh Tuyền được thông thoáng”.