Gia đình nối nghiệp nho, tứ gia hiếu thảo
Hải Phòng vốn nối tiếng là vùng đất hiếu học với nhiều bậc hiền tài có công lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Nếu vùng đất Vĩnh Bảo có Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với tài học sâu rộng, tầm nhìn chiến lược; vùng An Lão có Trạng nguyên Trần Tất Văn được sử sách nhắc đến với bài “biểu lui vạn binh” khi đi xứ sang nhà Minh, giúp đất nước tránh khỏi nạn đao binh thì mảnh đất hiếu học Thủy Nguyên lại nổi tiếng với vị Trạng nguyên Lê Ích Mộc. Không chỉ là vị Trạng nguyên đầu tiên của vùng đất Cảng, Trạng nguyên Lê Ích Mộc còn là một người thầy giáo tận tuỵ với nghề nghiệp, yêu thương học trò. Công lao và sự nghiệp của ông còn vang mãi với thời gian, được người đời lấy đó là gương để răn dạy con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập.
Vượt lên số phận, đỗ Trạng
Theo sử sách ghi lại, Lê Ích Mộc sinh ngày 2/2/1458, trong một gia đình nối nghiệp nho, tứ gia hiếu thảo, tại làng Ráng, xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường (nay là xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Lê Ích Mộc là vị Trạng nguyên đầu tiên của thành phố, am hiểu kinh Phật, tinh thông Nho giáo, tỏ tưởng sâu trình các phép thần thông huyền bí của đạo giáo Lão Trung kết hợp với sự am hiểu sâu sắc về y học thiên văn, chiêm tinh, lý số.
Từ nhỏ, Lê Ích Mộc đã thể hiện là một cậu bé thông minh, ham học, ngoan ngoãn. Không có tiền ăn học nên hàng ngày sau những buổi mò cua, bắt ốc phụ giúp gia đình, Lê Ích Mộc thường sang chùa Ráng phụ giúp các vị tăng ni quyét dọn nhà cửa, xới đất trồng cây rồi tranh thủ học lỏm, nghe nhờ văn sách. Gia cảnh nghèo khó, không có tiền mua giấy bút, để nhớ lâu hiểu kỹ văn sách, ông lấy cát để lên mâm xoa phẳng rồi dùng ngón tay viết chữ lên đó, ghi nhớ rồi lại xóa đi. Cảm động trước tấm lòng say mê, hiếu học của ông, nhà chùa đã nhận ông làm vào đệ tử để kèm cặp thêm kinh sử.
Ngày ngày ăn chay niệm phật, Lê Ích Mộc vẫn dành thời gian cho đèn sách, hỏi bạn, học thầy. Sách Đại Việt đỉnh nguyên phật học đã ghi lại tài học của ông: “Tam đông túc học chí Kim cương” tức là sau ba năm đã thông hiểu đầy đủ giáo lý, giáo pháp của bộ kinh Kim cương – một bộ kinh lớn và là tinh thần cơ bản của phật giáo đại thừa. Không những vậy, ông còn lừng danh khắp vùng là người nhớ lâu, hiểu rộng; gần gũi với dân làng, thường xuyên chỉ bảo dân làng cách làm ăn, khuyên đạo lẽ đời, làm thuốc chữa bệnh cho dân.
Dưới triều Lê Thánh Tông, sau nhiều lần thi không đỗ, Lê Ích Mộc trở lại quê nhà, tiếp tục học hành chờ ngày hiển danh. Tại khoa thi Đình năm Nhâm Tuất (1502), niên hiệu Cảnh Thống 5, đời vua Lê Hiến Tông, triều đình mở hội thi kén người tài, một lần nữa, Lê Ích Mộc quyết tâm dùi mài kinh sử ứng thi những mong đem trí tài giúp nước. Duyên kì phúc đến, bằng những hiểu biết sâu rộng của mình sau gần 30 năm dùi mài đèn sách, ông đã vượt qua mấy mươi ngàn người cùng dự thi, lọt vào danh sách 61 người đỗ Tiến sĩ năm đó. Bài thi của ông được đánh giá là một áng văn đến mức Lê Hiến Tông, vị vua thông minh có phong cách thi nhân thanh cao thời Lê phải thốt lên rằng: “Bài văn của Lê Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với các bạn đồng khoa”. Vinh quang của Lê Ích Mộc đã trở thành niềm tự hào cho cả quê hương sau nhiều năm bõ công “sôi kinh nấu sử”.
Người thầy giáo tận tụy với nghề
Do sinh ra và lớn lên ở vùng đất lam lũ, sống trong sự đùm bọc của bà con lao động nên ông rất hiểu và thông cảm sâu sắc với đời sống nhân dân nơi thôn dã; đồng thời chịu ảnh hưởng của thuyết “từ bi hỷ xả”, lý “vô chấp”, lẽ “vô thường”, “vô ngã” của nhà Phật, lại bước vào cuộc đời làm quan trong giai đoạn triều Lê sơ xảy ra mâu thuẫn xã hội sâu sắc, ông đã treo ấn từ quan về giúp đỡ người nghèo, khuyên mọi người làm việc thiện, phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Năm 1527, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Mạc Đăng Dung xưng vương. Mến mộ tài đức của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, nhà Mạc đã trọng dụng ông cho giữ chức Tả thị lang. Trước sự tin tưởng của vua Mạc Đăng Dung, ông cống hiến bỏ tài trí, hiểu biết của mình giúp triều đại mới, với mong muốn thực hiện ý nguyện giúp quốc thái dân an. Song chỉ được một thời gian ngắn, mâu thuẫn trong triều Mạc trở nên gay gắt, ông lại một lần nữa “treo ấn từ quan” về trí sĩ tại quê nhà.
Là người nổi tiếng có học vấn sâu rộng, có đạo đức mẫu mực, sau khi về trí sĩ tại quê nhà, Lê Ích Mộc đã đem kiến thức mình có được truyền dạy cho người đời. Đối với học trò, từ những người cao tuổi nhiều năm đèn sách, cho đến lớp thiếu niên còn non trẻ, ông luôn hết lòng dạy dỗ, uốn nắn từng nét chữ, sửa đổi từng câu văn, thường xuyên trao đổi với học trò ngay cả những người đã đỗ đạt. Với kiến thức uyên sâu của mình, nhiều người vẫn thường lui tới trường để nghe người Trạng nguyên của vùng đất Cảng xưa kia bình văn giảng sách.
Không chỉ luyện rèn học trò ông thường khuyên dạy dân làng cách sống, cách cư xử để xóm làng hòa thuận, ấm êm. Ngôi chùa Diên Phúc và từ chỉ Thanh Lãng nhờ có Lê Ích Mộc mà trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và giáo hoá cả một vùng rộng lớn của huyện Thủy Đường thời bấy giờ.
Không ỷ lại là một nhà sư, một trí sĩ, ông còn tích cực cùng với dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng. Lê Ích Mộc đã cùng với học trò của mình chiêu mộ dân lưu tán, khai khẩn vùng đất bãi hoang hóa ven sông, mở rộng làng xã lập nên vùng đất Quảng Cư (tức thôn Thanh Lãng ngày ngay).
Suốt cuộc đời gắn bó với quê hương, Trạng nguyên Lê Ích Mộc không chỉ mở mang phát triển chùa Ráng (Diên Phúc tự), nơi ông ăn học thành tài mà còn xây dựng thêm một số canh phật khác như chùa Vang (tức Bắc Linh Tự), chùa Lốt (tức Đông Linh Tự)…
Khi vị Trạng nguyên qua đời ngày 15/2/1538, mộ phần của ông ngự tại rừng lim quan Trạng thuộc xóm Sỏi, thôn Thanh Lãng. Trải qua hàng trăm năm trường tồn và luôn được tôn tạo, bảo vệ, lăng mộ quan Trạng và khu lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc đã trở thành một di sản văn hoá vượt khuôn khổ làng xã trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.
Ngày nay, khu lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc gồm nhiều di tích lịch sử có liên quan đến Trạng nguyên Lê Ích Mộc như đình Thanh Lãng, lăng mộ Trạng nguyên Lê Ích Mộc, Chùa Đông Linh Tự, Từ đường quan Trạng,…không chỉ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống của người con quê hương mà còn là điểm đến của du khách thập phương đặc biệt trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.