Trước khoảng sân rộng, ngay bên thềm nhà, những cây bàng vuông, cây thông đã bắt đầu vươn cành, xanh lá. Tôi chợt nhớ đến những bức ảnh mà Đại tá Vũ Quang Huy và Thiếu tá Lương Kiên Cường đã chụp cách đây 3 năm trong chuyến công tác Trường Sa. Khi ấy, những cái cây mới chỉ là những cái mầm mới nhú; giờ thì chúng đã ngang ngực người.
Vồn vã đón tôi như đón một người thân, Thượng úy Phạm Văn Dần – Chính trị viên Trạm - mau mắn: “Bàng vuông và thông vốn là những loài cây của Trường Sa nhưng để cây sống và lớn được thì người và cây cùng chia nhau từng ca nước ngọt đấy nhà báo ạ”.
Nói rồi, anh đưa tôi đi thăm một vòng quanh khu nhà ở và làm việc. Những vuông vườn tăng gia nho nhỏ ở sau nhà làm tôi thấy Trạm 44 dù giữa bốn bề sóng nước mà chẳng khác ở đất liền. Những cây cải xanh non vươn mình trong những chiếc bồn bê tông. Bên trên bồn rau cải, lính đảo tận dụng làm giàn cho bí xanh leo.
Dưới những cái lá cháy sém vì nắng, đã có những quả bí to hơn bắp tay người đung đưa theo gió. Với 40m2 giàn và 30 cái bồn bê tông nên rau xanh dù vẫn phải ăn dè nhưng cũng đủ để có bát canh làm mát lòng người trên Trạm trong những bữa ăn chủ yếu toàn đồ hộp và cá biển.
Qua sân bóng chuyền, Chính trị viên Trạm phấn khởi khoe, công trình trị giá gần 20 triệu đồng vừa được hoàn thành đúng dịp chào mừng kỉ niệm 55 năm Ngày truyền thống Trung đoàn 292. Trở về Phòng Hồ Chí Minh của Trạm, một chiến sĩ bật mí, ở đây điện chủ yếu tiết kiệm cho nhiệm vụ mở máy huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, một ngày chỉ có điện xem ti vi và bật quạt theo giờ quy định. Bù lại, Trạm nằm giữa đảo nên “đặc sản” gió trời cũng đủ dùng.
Trong Phòng Hồ Chí Minh, bảng ảnh, tủ sách và những dãy bàn ghế được kê ngay ngắn. Cán bộ, chiến sĩ ngoài những người làm nhiệm vụ canh trực, còn lại đều tập trung về đó chuẩn bị đón Đoàn đến thăm. Ai cũng háo hức, sau màn giới thiệu tên thì cả chủ và khách đã gần gũi như quen thân tự bao giờ.
Trạm trưởng - Đại úy Lê Đức Hiến - báo cáo với Đoàn công tác đặc điểm, tình hình thực hiện nhiệm vụ của Trạm. Đóng quân trên địa bàn thời tiết khắc nghiệt, gió muối ảnh hưởng lớn đến vũ khí trang bị kỹ thuật, vừa làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vừa tiếp tục củng cố doanh trại nhưng Trạm 44 đã luôn hoàn thành tốt.
Chẳng vậy mà khi đưa tôi đi xem dàn ăng ten đặt trên nóc nhà, Thiếu tá CN Vương Sỹ Đồng - kỹ thuật viên - cho biết, cái dàn ăng ten ấy phải được bảo vệ khỏi gió muối bằng rất nhiều lớp “áo”, từ sơn vòng trong, vòng ngoài đến bôi mỡ đặc chủng; chỉ cần một sơ suất, một phần khí tài bị hơi muối xâm nhập, ăn mòn là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ.
Khó khăn, thiếu thốn nhưng từ cán bộ đến chiến sĩ, từ người đã có thâm niên vài năm đến người mới ra đảo vài tháng ai cũng an tâm và hết mình với công việc ở nơi đầu sóng. Trung tá Nguyễn Xuân Kiêm – Nhân viên Sở Chỉ huy - chia sẻ, mấy năm trước ở đất liền thường nghe hát “không xa đâu Trường Sa ơi”, giờ ra đảo, tuy vẫn là khoảng cách hàng nghìn cây số thật nhưng những chuyến tàu thăm đảo ngày một dày hơn, điều kiện cuộc sống và công việc được cải thiện nhiều hơn khiến anh càng hiểu hơn ý nghĩa của lời hát ấy.
Trước lúc chia tay, cán bộ, chiến sĩ Trạm 44 tặng tôi một con ốc biển. Lên xuồng về tàu, trước mắt tôi vẫn hiển hiện những khuôn mặt sạm đen, những nụ cười sáng lấp lóa. Trong tiếng sóng biển và mặn mòi gió muối, cột ăng ten trên Trạm ra đa 44 cứ mờ dần nhưng niềm tin trong tôi vào những cánh sóng Trường Sa thì lại dày lên...