Lối đánh “nở hoa trong lòng địch”
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1966, vừa tròn 17 tuổi, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt và có nhiều hy sinh. Ông quê gốc xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi địa đầu Tổ quốc.
Những năm đầu vào lính bộ binh, anh lính trẻ thuộc Sư đoàn 308, Trung đoàn 88 đã tham gia đánh Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9 và Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Hồi đó, anh đã là Dũng sỹ diệt Mỹ và là gương sáng trong Sư đoàn. Sau này anh được đào tạo và được giữ lại Trường Sỹ quan lục quân làm giảng viên. Một thời gian sau đó, thấy Tăng thiết giáp mới lạ nên anh muốn thử sức. Đầu năm 1972, sau một thời gian huấn luyện, anh một lần nữa lên đường vào chiến trường. Anh đặc biệt có khả năng nhạy bén về xác định quy luật chiến trường như xác định thời điểm tránh bom, tránh lầy...
Vào tới khu 5 thì đơn vị được lệnh dừng lại để chuẩn bị vào chiến trường Tây Nguyên. Trận đánh Đoàn Sinh Hưởng mở màn là trận Đắc Pét năm 1974 (đây là một căn cứ liên hoàn biệt động quân của địch) và ta đã chiến thắng. Còn nhớ, đêm 30 Tết năm 1975, trên đường đi trinh sát, mỗi người lính được phát một cái kẹo Hải Châu và một điếu thuốc, mò mẫm đi trong đêm qua những vườn dưa của dân. Ai cũng nhớ nhà cồn cào khi chuẩn bị bước vào trận chiến cuối cùng.
Và thành tích giúp Đoàn Sinh Hưởng được phong Anh hùng nằm trong Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975) khi ông chỉ huy Đại đội 9 phối hợp với Đại đội Bộ binh 1 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, chiếm lại khu kho Mai Hắc Đế (Buôn Ma Thuột); tham gia đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 của Ngụy, giải phóng Buôn Ma Thuột.
Chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng trận đánh thẳng vào mặt trận thị xã Buôn Ma Thuột nhằm gây cho địch bất ngờ. Nếu đúng theo kế hoạch tác chiến từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 của ta, Đại đội 9 được lệnh di chuyển đánh xuống thị xã Gia Nghĩa. Vì Buôn Ma Thuột là địa bàn trọng yếu của Tây Nguyên, địch tổ chức phòng thủ theo tầng tầng lớp lớp từ xa đến gần, mục tiêu là Sư đoàn 23.
Lúc này Đoàn Sinh Hưởng đang là Đại đội trưởng Đại đội 9 xe tăng thuộc Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu vào Sư đoàn 23. Ông cho biết, theo nghệ thuật quân sự, đây là kiểu đánh “Nở hoa trong lòng địch”.
Có một điều đặc biệt, trong những ngày diễn ra trận tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, chiếc xe tăng 980 do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã dẫn đầu mũi đột kích thọc sâu, tung hoành ngang dọc, tiến công vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23, quân đội Sài Gòn, rồi tiến ra sân bay Hòa Bình.
Ông cho biết: “Chúng tôi ém quân bí mật ở Chư Nga, rồi đến giờ xuất kích thì càn rừng mà lao vào thị xã. Trước đó, công binh ta đã sáng tạo nghĩ ra chiêu mở đường cho xe tăng bằng cách cưa dở dang mỗi cây một nửa để vẫn giữ được bí mật. Nhưng khi xuất kích, xe tăng cứ ào ào đè cây, càn rừng đi tới. Vì xe tăng ta xuất hiện bất ngờ nên địch không kịp trở tay.
“Chúng tôi lao thẳng tới Sở chỉ huy Sư đoàn 23, cùng Trung đoàn 24 Sư đoàn 10 tiến công như vũ bão. Chính kíp xe của chúng tôi đã cùng quân của anh Việt - Trung đoàn 24 bắt sống tên Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Sư đoàn phó Sư đoàn 23 ngay tại đó. Nhưng vào lúc đó kíp xe của tôi có hai người bị thương là tôi và Nông Văn Vĩnh, pháo 2. Vĩnh bị đạn bắn gãy tay nên phải rời xe về tuyến sau. Còn tôi chỉ bị vào chân, băng bó xong lại cùng hai đồng chí còn lại là Phan Lưu Vinh và Mai Đình Mỹ tiếp tục chiến đấu đánh ra Ngã Sáu. Chính tại đó, xe chúng tôi đã đứng bắn chi viện cho bộ binh xung phong. Bắn rất nhiều, Nhân dân quanh đó thấy xe tăng ta bắn còn hò reo cổ vũ, vui lắm! Sau đó, chúng tôi tiếp tục phát triển sang khu vực sân bay Hòa Bình”.
Đúng 11h30 ngày 11/3/1975, quân đội ta cắm cờ chiến thắng lên nóc chỉ huy ở Sư đoàn 23.
Chiếc xe tăng đó đã theo Đoàn Sinh Hưởng cùng đoàn quân thắng như chẻ tre tới đầu cầu Đà Rằng - Tuy Hòa. Tại đây, sau khi xe 980 diệt 4 khẩu pháo án ngữ lối vào thị xã Tuy Hòa thì xe bị trục trặc nên phải để lại. Về sau này, TP Buôn Ma Thuột, khi dựng tượng đài chiến thắng ở Ngã Sáu, đã lấy xe tăng 980 làm biểu tượng cho khí thế tiến công như chẻ tre của quân đội ta, muốn lưu danh tinh thần chung của quân dân ta tham gia trận tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột.
Và vỡ òa chiến thắng 30/4/1975
Giải phóng Buôn Ma Thuột, mảnh ghép đầu tiên làm nên bức tranh toàn thắng mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: tư liệu). |
Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, quân ta tiến xuống giải phóng tiếp Phú Yên. Sau Phú Yên, Đại đội xe tăng do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy hành quân theo đường chiến lược vòng về phía tây vào Sài Gòn.
Từ Tây Ninh tiến về Sài Gòn chỉ có một con đường độc đạo, quân chủ lực của ta phải qua cứ điểm ở khu vực cầu An Hạ (còn gọi là cầu Bông giáp ranh giữa hai huyện Hóc Môn và Củ Chi nằm trên quốc lộ 22 ngày nay). Đại đội 9 xe tăng thuộc Lữ đoàn 273 vừa có nhiệm vụ đánh chiếm cầu, đồng thời giữ vững cây cầu này. Nếu cầu Bông bị địch phá gãy, quân ta có thể chậm trễ, đánh mất thời cơ lịch sử.
Sáng ngày 29/4/1975, sau khi chiếm được cầu An Hạ, trong đội hình Đại đội 9 xe tăng chỉ còn 4 chiếc, phải đối mặt với thiết giáp đoàn gồm 24 chiếc của địch. Trước thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi 1 chọi 6, những người lính đều xác định quyết tử. Do còn 4 chiếc xe tăng, Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy anh em dồn đội hình lại, chiếm giữa vị trí địa hình có lợi nhất. Chờ cho đoàn xe của địch đi qua hết cầu rồi mới nhả loạt đạn đầu tiên, chiếc xe đi đầu bốc cháy. Loạt đạn tiếp theo bắn cháy chiếc cuối cùng. Xe đầu và xe cuối bị cháy đã gây tắc đường giam chân địch ngay trong tầm bắn, làm “tắc” khả năng chống đỡ của chúng.
Sau gần một giờ chiến đấu, 4 xe tăng của ta đã bắn cháy 12 thiết giáp của địch. Địch hoảng loạn không còn khả năng chiến đấu, các chiến sĩ Đại đội 9 xông ra áp sát đoàn xe của địch tiêu diệt những tên còn lại tịch thu 12 chiếc xe tăng của địch để bổ sung vào xe của ta bị cháy.
Và cứ thế, Đại đội 9 đã tiêu diệt được 1 thiết đoàn và áp dụng ngay chiến thuật “lấy xe tăng địch để đánh địch”. Đây là trận đánh mà tỉ lệ ta - địch là 1 - 6, chưa có tiền lệ, được các giáo sư của Liên Xô đánh giá là trường hợp “độc nhất vô nhị” trong chiến tranh.
Đến 13h30 ngày 29/4, 4 xe của Đại đội 9 do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã vượt qua ngã ba Bà Quẹo, cách ngã tư Bảy Hiền khoảng 3 cây số. Ông củng cố đội hình và chuẩn bị tiến vào Dinh Độc Lập, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, Chính ủy Quân đoàn Đặng Vũ Hiệp giao nhiệm vụ cho Đại đội 9 chờ lực lượng phía sau để đánh vào Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu Ngụy.
Sáng 30/4, xe tăng Đại đội 9 cùng với các đơn vị bộ binh và các đơn vị xe tăng của Sư đoàn 273 tung hoành ngang dọc đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy.
Lúc 11h30 ngày 30/4, xe tăng Đại đội 9, lực lượng bộ binh Sư đoàn 10, xe tăng Đại đội 5, Lữ đoàn 273 và Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 273 cùng các đơn vị bạn chiếm được toàn bộ trụ sở tòa nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy.
Xe tăng 982 do chính trị viên Đại đội tăng 5 chỉ huy đã tiến thẳng lên ngôi nhà chính trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy để yểm trợ cho bộ binh lên tầng gác hạ lá cờ ba sọc xuống, kéo cờ giải phóng lên.
Vào thời điểm lịch sử đó, Thiếu úy Đoàn Sinh Hưởng đã chỉ huy Đại đội tiếp tục yểm trợ cho bộ binh Trung đoàn 28 kiểm soát các tòa nhà, chiếm trụ sở của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa, thu toàn bộ con dấu, kiếm và gậy chỉ huy. Lúc này, các cánh quân cũng đã chiếm được Dinh Độc Lập và các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Tôi hỏi ông, ngày cuối cùng của chiến tranh với ông thế nào? Ông nói: “Sau khi chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu địch, chúng tôi ôm chầm lấy nhau hò reo phấn khởi, nước mắt chảy quanh vì vui sướng. Sau đó, tôi ngồi một mình trên xe tăng suy nghĩ rất trầm tư. Tôi nghĩ về đồng đội đã hy sinh dọc chiến dịch và trước thềm chiến thắng ngày 30/4, về bố mẹ, anh chị em ở quê hương. Và thú thực, việc tôi nghĩ nhiều nhất là sau này mình sẽ làm gì. Ước mơ trước mắt của tôi lúc đó là được về thăm bố mẹ với hai gói kẹo làm quà và búp bê, cặp tóc tặng người yêu, nếu cô ấy còn chờ đợi (và người bạn gái đó sau này đã trở thành bạn đời của ông - PV)”…
Nhưng rồi sự nghiệp nhà binh đã lựa chọn ông khi ông vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1975, khi ông mới 26 tuổi. Và ông trở thành Tư lệnh Tăng thiết giáp rồi Tư lệnh Quân khu 4 cho tới khi trở về đời thường năm 2009.
Gần 20 năm qua, ông cùng đồng đội đã có những cuộc hội ngộ mừng tủi. Không chỉ dịp tháng ba và 30/4 hàng năm, vị tướng lừng lẫy ấy lại cùng đồng đội tri ân những người đã khuất, kết nối gia đình, vợ con những liệt sỹ, những người chưa bao giờ được ghi tên ở bất cứ nơi đâu, ngoại trừ trong trái tim đồng đội. Họ nhắc nhở nhau rằng, lịch sử không chỉ làm nên bởi các biểu tượng, lịch sử được làm nên từ rất nhiều máu xương của đồng đội đã ngã xuống, thậm chí, ngay trước thềm chiến thắng...