Chủ trương đúng đắn, quy định rõ ràng nhưng trên thực tế, rất ít trường hợp người đứng đầu bị xử lý nghiêm túc, thậm chí họ còn được thăng chức. Vụ tham ô ở Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Gò Quao, tỉnh Tiền Giang là một ví dụ.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, trong vòng 3 năm, từ đầu năm 2014 đến hết năm 2016, thủ quỹ của cơ quan này đã làm thất thoát 8,46 tỷ đồng, trong đó riêng bà ta chiếm dụng 8,1 tỷ đồng. Số tiền bị tham ô này là tiền cấp cho người có công, trợ cấp xã hội, bù giá điện cho hộ nghèo và quỹ “đền ơn đáp nghĩa”.
Thủ quỹ tham ô đã bị khởi tố nhưng lãnh đạo của cơ quan này chỉ bị kiểm điểm, nhận hình thức kỷ luật và lên chức: Hai lãnh đạo là Trưởng phòng, người thì làm Chánh văn phòng Huyện ủy, người lên chức Chủ tịch Liên đoàn lao động, kế toán thì lên Phó phòng. Những người này được giao nhiệm vụ chăm lo đến đối tượng chính sách, thực thi chủ trương tốt đẹp, công bằng xã hội mà để xảy ra chuyện như vậy, rồi lên chức vụ cao hơn thì việc “quy trách nhiệm người đứng đầu” chỉ là trò đùa quyền lực mà thôi!
Mặt khác, diễn biến này cho thấy, tình trạng ăn chặn, bớt xén của người nghèo, đối tượng có công, gia đình chính sách vẫn đang tiếp diễn, bất chấp sự lên án dữ dội của dư luận và sự trừng trị của pháp luật. Dê, bò, gà vẫn tiếp tục “đi nhầm” vào nhà quan, tiền và quà cứu trợ nạn nhân thiên tai hoặc nhân họa vẫn bị chia chác. Mới đây, còn phát hiện cán bộ của một xã lợi dụng chính sách cho dân nghèo vay tiền lãi suất thấp mà thi nhau chiếm đoạt hết suất của dân, hoặc nhà cán bộ xây tiền tỷ vẫn trong diện hộ nghèo, trong khi nghèo thật thì được công nhận “thoát nghèo”.
Hai ông lão nông ở Thuận Thành (Bắc Ninh) phát hiện gần 3.000 hồ sơ thương binh giả ở địa phương mình, đủ hiểu cán bộ chính sách đã tiếp tay, đồng lõa trong việc lợi dụng chính sách như thế nào. Trớ trêu là hai ông lão này còn bị hăm dọa, bị đánh, bị trả thù mà chẳng được tưởng thưởng, động viên, làm gương sáng cho mọi người noi theo.
Các chủ trương tốt đẹp của Nhà nước về an sinh xã hội đã bị lợi dụng triệt để làm giàu cá nhân nhưng hầu như những người chịu trách nhiệm, đứng đầu chính quyền, cơ quan chức năng không hề bị xử lý. Ví dụ như lãng phí trong các công trình “điện, đường, trường, trạm”, các công trình thủy lợi gây hại, các dự án nước sạch không có nước,... Chính sách cho người nghèo nhưng đã biến hóa thành làm giàu cho một bộ phận cán bộ biến chất, hệ quả là sự xâm hại đến công bằng xã hội, gây bất ổn và mất lòng tin.
Đã có một vài người đứng đầu bị xử lý, ví dụ như ông Chủ tịch xã ở Đắk Nông đánh đường vào nhà mình. Song, có lẽ là quá ít để đủ răn đe. Có ít vụ bị phanh phui, xử lý đến nơi đến chốn, có vụ bị phát hiện thì không xử lý người đứng đầu như trường hợp vừa dẫn trên đây.