Nhà hợp pháp cũng bị tòa án xâm phạm
Ngày 07/10/2013, ông Lê Ngọc Thiện làm Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho ông Lê Thanh theo hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất tại phòng công chứng số 1 tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 07/03/2013.
Sau đó, ông Thanh tiếp tục bán nhà đất nêu trên (đã mua của ông Thiện) cho ông Cường. Ngày 31/12/2015, vợ chồng ông Cường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSD đất, sở hữu nhà ở và tài sản trên đất số CC 150126; vào sổ cấp giấy số: CH/00400-2015, căn nhà số 23 Hai Bà Trưng, phố Vĩnh Ninh, TP Huế.
Nhà và đất GCN thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Đắc Cường. |
Bỗng nhiên, ngày 02/06/2016 ông Cường nhận được quyết định số 220/2016/QD-BTKCTT nội dung quyết định 220 yêu cầu buộc: “ng Nguyễn Đắc Cường là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện phải thực hiện hành vi sau, ông Cường phải mở khóa cửa chính vào căn nhà 23 Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh, TP Huế (nhà đất thuộc quyền sở hữu của ông Cường) giao cho ông Thiện tiếp tục quản lý nhà đất...”.
Ông Cường vô cùng ngỡ ngàng trước việc làm này của tòa án, vì đã xâm phạm đến quyền sở hữu và sử dụng nhà đất của ông Cường.
Yêu cầu trái pháp luật, Tòa cũng thụ lý
Ông Cường đã làm đơn khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án nêu trên. Trong đơn khiếu nại viết: “Tôi cho rằng thẩm phán thụ lý vụ án chưa nghiên cứu kỹ nội dung đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) của vợ chồng ông Thiện. Do đó, đã ra quyết định áp dụng BPKCTT là không phù hợp quy định của Điều 117 BLDS và Nghị quyết 02, ngày 27/4/2006 của Tòa án Nhân dân Tối cao.
Về việc tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Cường, LS Trần Đức Anh (Đoàn Luật sư Quảng Trị) nhận xét: “Hiện tại vợ chồng ông Cường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Cho nên đương nhiên ông Cường có toàn quyền về việc thực hiện quyền sở hữu của mình đối với thửa đất và tài sản trên đất thuộc Giấy chứng nhận QSD đất nói trên .
Ông Lê Ngọc Thiện cho rằng ông Thanh chưa thanh toán tiền thì vợ chồng ông Thiện có quyền trực tiếp yêu cầu hoặc yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông Thanh thực hiện nghĩa vụ trả tiền chứ không liên quan gì đến việc thực hiện quyền sở hữu của ông Cường.
Việc, ông Thiện lại yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng giữa vợ chồng ông Thiện với vợ chồng ông Thanh. Tòa án thụ lý yêu cầu này của ông Thiện là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Việc TA xác định quan hệ pháp luật tranh chấp không đúng và thụ lý như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Cường. Và với việc thụ lý không đúng này của tòa án cộng với cách giải quyết của Tòa là yêu cầu ông Cường giao tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Cường cho ông Thiện trực tiếp quản lý, sử dụng đã vô tình giúp cho ông Thiện được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.
Đề nghị, các cơ quan liên quan có thẩm quyền giải quyết thấu đáo, khách quan, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.