Mới làm được vài năm đã “lạc hậu”?
Chợ đầu mối Bình Điền thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đóng trên địa bàn quận 8, thành phố Hồ Chí Minh là chợ có quy mô lớn nhất cả nước về ngành hàng thủy hải sản. Chợ đi vào hoạt động từ năm 2006, lúc đó công suất xử lý nước thải của nhà máy tại đây chỉ có công suất 400m3/ ngày đêm, đến năm 2009 nâng lên 1.000m3/ ngày đêm.
Tuy nhiên, chỉ sau đó mấy năm, do số sạp bán ngành hàng này tăng lên nhanh chóng, nhà máy xử lý nước thải không còn đáp ứng được nên nước thải hôi thối tràn ngập cả khu vực chợ rộng hàng chục héc ta này.
Trước tình hình đó, vào năm 2013, chợ này được Nhà nước đầu tư hơn 50 tỷ đồng để xây dựng thêm một nhà máy xử lý nước thải có công suất 2.500m3/ ngày đêm, nâng tổng công suất của hai nhà máy là 3.500m3/ ngày đêm. Đầu năm 2014 nhà máy này bắt đầu đi vào hoạt động.
Thế nhưng mới sử dụng được vài năm thì đã rơi vào “lạc hậu”, không còn đáp ứng được cả về công suất và chất nước nước thải. Theo bà Trần Thúy Liên- Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền thì đến thời điểm hiện tại lượng nước từ ngành hàng thủy hải sản xả ra chợ là rất lớn, vượt công suất thiết kế.
Tuy nhiên, bà Liên nhấn mạnh rằng nước này là nước sạch, không gây độc hại vì con tôm, con cá đến chợ còn phải sống thì người ta mới mua, mà muốn tôm cá sống được thì các phương tiện vận chuyển phải có nước hoặc nước từ việc ướp các loại hải sản. Sau khi bán tôm cá thì họ trút nước ra chợ. “Thực tình thì nước sông chợ đệm còn có độ mặn vượt gấp nhiều lần so với nước từ chợ Bình Điền thải ra”- bà Liên nhấn mạnh.
Trái ngược với vị Giám đốc, một cán bộ chuyên môn tại chợ lại cho rằng hiện công suất lượng nước thải tại chợ chỉ khoảng 2.500m3/ ngày đêm. Vấn đề hiện nay chợ Bình Điền gặp phải là công nghệ xử lý của nhà máy hiện tại không còn đáp ứng được. Như vậy phải chăng chợ Bình Điền đang còn dư 1 nhà máy công suất 1.000m3?
Bên cạnh vấn đề nước thải ra vượt quá độ mặn cho phép, bà Liên còn cho biết vấn đề nước từ việc sơ chế ngành hàng thủy hải sản cũng được các cơ quan chức năng quan tâm, kiểm tra. Tuy nhiên, bà Liên cũng phân bua rằng những loại chất thải đó toàn là chất hữu cơ thì khó gây độc hại cho môi trường. “Bữa trước cơ quan chức năng có bắt về việc đổ bùn thải của chợ, nhưng thực tình thì bùn đó là việc rửa con nghêu, con ốc, củ cà rốt, củ cải đọng tại các cống. Chợ có vớt lên đưa ra phơi để sau đó lấy bùn đó đi trồng cây chứ có độc hại gì đâu???”- bà Liên cho hay.
Nói về vấn đề xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường, đại diện Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho rằng từ năm 2014 đến nay chợ mới bị cơ quan chức năng phạt 1 lần với số tiền hàng trăm triệu đồng, còn con số cụ thể thì chợ không cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi thì hiện nay tại các nhà lồng kinh doanh thủy hải sản cũng như thịt gia súc có lượng nước thải rất lớn. Nước thải chảy xuống các đường cống trong chợ nhiều lúc không kịp nên tràn ra cả nền chợ, sân chợ một màu đen ngòm, mùi hôi thối đặc trưng của ngành thủy hải sản.
Không chỉ thế, lượng bao bì, rác rưởi từ việc kinh doanh thịt gia súc tại đây cũng rất nhếch nhác, lối đi thì nước bì bõm, nhầy nhụa, nỗi cả váng mỡ.
Chờ ít nhất 18 tháng mới đáp ứng được tiêu chuẩn?
Do hệ thống xử lý nước thải của chợ Bình Điền không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển nên mới đây chợ này có đề xuất Nhà nước đầu tư hơn 20 tỷ đồng để nâng cấp công nghệ cũng như nâng công suất xử lý thêm từ 1.000 đến 1.500m3/ngày đêm. Đặc biệt chợ này còn “xin” trong thời gian 18 tháng nâng cấp, sửa chữa này không bị xử phạt 2 vấn đề như đã nêu ở phần trên.
Mới đây UBND thành phố đã đồng ý chủ trương cho phép Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền khắc phục, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, chất thải tối đa là 18 tháng, bắt đầu cuối tháng 2/2017.
Như vậy, một thực tế đang diễn ra và sẽ còn diễn ra ít nhất là 18 tháng nữa đó chính là vấn đề nước thải từ chợ có độ mặn cao hơn mức cho phép. Đặc biệt là chất thải như máu, dịch từ quá trình sơ chế thủy hải sản, thịt gia súc vẫn tiếp tục thải ra môi trường. Vậy nước thải này thật sự không gây độc hại, ô nhiễm môi trường như đại diện Chợ Bình Điền nói hay không? Việc này các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc, có kết luận rõ ràng để người dân, dư luận hiểu rõ, tránh tình trạng xôn xao bàn tán.
Theo tính toán thì thời gian tới, chợ đầu mối Bình Điền sẽ tiếp tục được mở rộng thêm với quy mô hàng chục hécta, trong đó sẽ tập trung nhiều vào mặt hàng hoa, cây cảnh…
Mới đây trong buổi họp với UBND thành phố với ba chợ đầu mối, bà Trần Thúy Liên, đại diện chợ Bình Điền đã nêu kiến nghị di dời các chợ hoa truyền thống về chợ đầu mối.
Việc kiến nghị này vấp phải sự phản ứng từ các tiểu thương bán hoa tại các chợ truyền thống cũng như người dân vì họ cho rằng “bà ở chợ đầu mối quận 8 thì liên quan gì các chợ nằm trong nội đô, cứ lo bò trắng răng”. Lý giải về kiến nghị này, bà Trần Thúy Liên phân bua rằng, việc di dời các chợ hoa về chợ đầu mối là chủ trương của thành phố đã có từ lâu và đó là chủ trương đúng đắn nhằm giảm ách tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị… nên cần phải được ủng hộ để dần đưa ngành hàng này vào kinh doanh quy cũ, chuyên nghiệp hơn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về những vấn đề liên quan tới hoạt động của chợ này trong thời gian tới.