Vụ việc của ông Bình xảy ra vào năm 2008 sau nhiều lần hòa giải không thành tại xã đã được đưa ra xét xử với bản án sơ thẩm số 43/2010/DS-ST tại tòa án Nhân dân huyện Hóc Môn ngày 17/03/2010 và bản án phúc thẩm số 748/2011/DS-PT tại Tòa Án Nhân dân Tp Hồ Chí Minh tuyên ngày 04/07/2011. Cả 2 bản án tuyên buộc ông Bình giao căn nhà có diện tích 64,6 m2 tọa lạc trên 128,51 m2 đất thuộc cho bà Đỗ Thị Thu Hằng.
Ngày 06/05/2013, VKSND tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm số 748/2011/DSPT ngày 04/07/2011 của tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 43/2011/DSST ngày 17/03/2010 của toàn án nhân dân huyện Hóc Môn và giao hồ sơ cho tòa án nhân dân huyện Hóc Môn xét xử sơ thẩm lại.
Ngày, 05/07/2013 TAND tối cao đã xét giám đốc thẩm và tuyên hủy cả 2 bản án nêu trên, yêu cầu xét xử lại. Theo nhận định của bản án giám đốc thẩm thì bản án sơ thẩm và phúc thẩm buộc vợ chồng ông Bình giao 349 m2 đất nhưng không đề cập việc giao tài sản (nhà) gắn liền trên đất và cũng không nêu rõ giao cho ai dẫn tới việc bản án không thể thi hành; Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành định giá đối với các tài sản có tranh chấp làm căn cứ giải quyết vụ án.
Theo nhận định của bản án giám đốc thẩm thì hồ sơ thể hiện sau khi được vợ chồng ông Bình ủy quyền thì ông Thắng đã dùng các tài sản trên thế chấp vay ngân hàng kỹ thương Việt Nam, nhưng không có tài liệu phản ánh số tiền đã vay là bao nhiêu tiền; đưa cho ông Bình bao nhiêu lần và bao nhiêu tiền; vợ chồng ông Bình đã trả lãi bao nhiêu lần và trả bao nhiêu tiền từ đó xác định vợ chồng ông Bình có vi phạm cam kết hay không? Các hợp đồng giữa ông Trần Hữu Thắng với ông Vũ Hữu Thịnh và bà Đỗ Thị Thu Hằng có dấu hiệu giả tạo vì không phản ánh có việc chuyển tiền để thực hiện hợp đồng, mà nhằm che đậy việc vay mượn tiền với nhau.
Mặc dù TAND tối cao đã chỉ ra những vấn đề cần làm rõ trong việc xét xử lại nhưng năm 2018, khi xét xử sơ thẩm lại, TAND huyện Hóc Môn đã tuyên y như bản án như 10 năm trước, buộc ông Bình giao toàn bộ nhà và đất nói trên cho ông Vũ Hữu Thịnh và bà Đỗ Thị Thu Hằng.
Trước quyết định này của Tòa án, ông Bình rất bất bình, nhất là bản án sơ thẩm lần 2 đã phớt lờ những chỉ đạo được cơ quan quản lý nhà nước về xét xử nêu ra trong quyết định giám đốc thẩm. Điều khuất tất mà ai cũng thấy vô lý là ông Trần Hữu Thắng là người được ủy quyền từ ông Bình để vay giúp ông Bình với Khế ước vay trả góp thời hạn 10 năm, ông Thắng tự ý rút hồ sơ vay giao cho bà Đỗ Thị Thu Hằng với lý do vay nóng bà Hằng và bà Hằng đã buộc ông Bình trả cho bà, không rõ số tiền ông Thắng nhận từ bà Hằng là bao nhiêu tiền? Việc TAND huyện Hóc Môn không làm rõ việc mua bán giữa ông Trần Hữu Thắng và bà Đỗ Thị Thu Hằng và ông Trần Hữu Thắng luôn vắng mặt tại các phiên tòa trong khi ông là nguyên nhân chính gây ra vụ việc là điều không bình thường.
Hơn 10 năm qua, một vụ án vay tiền biến dạng thành việc mua bán nhà, đất đã không được giải quyết đúng bản chất và đúng pháp luật. Một vụ án mà cả hai cơ quan tư pháp trung ương đã phải vào cuộc nhưng ý kiến chỉ đạo vẫn bị xem nhẹ bằng việc Tòa án huyện Hóc Môn đã xử y như bản án đã từng bị hủy. Qua vụ việc này có thể thấy, sự công bằng còn ở rất xa với người dân khi Tòa cấp dưới coi nhẹ chỉ đạo của cấp trên.