Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là đơn vị hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con từ tháng 12/2006. Tính đến hiện tại, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn có 5 công ty TNHH MTV do Tổng Công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ; 16 công ty cổ phần do Tổng Công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 10 công ty do công ty mẹ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Năm 2018, tổng doanh thu toàn Tổng Công ty đạt 17.439 tỷ đồng tăng 63,79% doanh thu thực hiện năm 2017. Trong đó, Công ty mẹ đạt 8.269 tỷ đồng, tăng 19,27% so với doanh thu thực hiện năm 2017. Các công ty con đạt 9.170 tỷ đồng, tăng 29,05% so với doanh thu thực hiện năm 2017.
Mặc dù nắm giữ số vốn Nhà nước lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng trên thực tế, quá trình quản lý, sử dụng vốn và tài sản của đơn vị này đã tồn tại hàng loạt sai phạm, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước.
Trong năm 2018, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã để xảy ra nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản. Điển hình là trong công tác quản lý tài sản cố định, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và 3 công ty con đã hạch toán tăng không đúng chi phí khấu hao tài sản cố định số tiền hơn 17 tỷ đồng.
Cụ thể, Tổng Công ty hạch toán tăng không đúng chi phí khấu hao tài sản cố định hơn 14,7 tỷ đồng. Tương tự, Công ty CP Kho vận Tân cảng tăng không đúng hơn 1,1 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng tăng không đúng hơn 160 triệu đồng; Công ty CP Dịch vụ Biển Tân Cảng hạch toán tăng không đúng khấu hao tài sản cố định hơn 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xác định nộp lợi nhuận sau thuế về quỹ điều tiết của Bộ Quốc phòng thực hiện sau khi đã phân phối lợi nhuận vào các quỹ chưa đúng theo quy định Quy chế tài chính của Tổng Công ty năm 2017.
Theo thứ tự phân phối lợi nhuận quy định tại Điều 27 Quy chế tài chính của Tổng Cty năm 2017 thì Tổng Công ty đã trích quỹ đầu tư phát triển tăng không đúng số tiền 30 tỷ đồng dẫn đến xác định thiếu lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước sau khi phân phối vào các quỹ nêu trên.
Dịch vụ cảng biển của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: saigonnewport.com.vn |
Đối với việc đầu tư tài chính dài hạn, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn hạch toán tăng không đúng chi phí trích lập dự phòng gây tổn thất đầu tư tài chính dài hạn hơn 53,1 tỷ đồng tại Công ty TNHH container Quốc tế Hải Phòng.
Nguyên nhân được cho là, do Công ty TNHH container Quốc tế Hải Phòng đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch theo phương án đầu tư của dự án, Tổng Công ty thực hiện trích lập dự phòng là không đúng đối tượng được trích theo quy định tại Thông tư số 89/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn còn xác định tăng không đúng chi phí, dẫn đến xác định thiếu thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền lên đến trên 43,8 tỷ đồng khi trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính tại Cty TNHH Tân Cảng – Petro Cam Ranh.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Cảng Tân cảng – Cái Mép Thị Vải còn hạch toán chi phí trả trước tăng không đúng vào chi phí trong năm 2018 với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.
Được biết, nguyên nhân do công ty không thực hiện phân bổ chi phí sửa chữa nâng cấp hệ thống bích neo của dự án nâng cấp cầu cảng thuộc Cảng Tân cảng Cái mép Thị vải cho tàu 160.000 DWT là khoản chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh của nhiều kỳ kế toán, nhưng Công ty không thực hiện phân bổ cho nhiều kỳ mà hạch toán toàn bộ vào chi phí sản xuất kinh doanh trong năm 2018.
Việc làm này đã vi phạm các quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tổng Cty Tân cảng Sài Gòn và 2 công ty con hạch toán thiếu nguyên giá tài sản cố định số tiền hơn 35,5 tỷ đồng đối với tài sản đi thuê và các công cụ, thiết bị đủ điều kiện ghi nhận tăng nguyên giá tài sản cố định thuê tài chính và tài sản cố định hữu hình. Từ đó dẫn đến việc phân bổ tăng không đúng chi phí là gần 4,5 tỷ đồng.
Đây chỉ là một số sai phạm của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn trong năm 2018. Với việc nắm giữ số vốn nhà nước lớn như vậy, ai sẽ nhận trách nhiệm, giải quyết những vấn đề nêu trên.