TP HCM: Gia tăng kẹt xe vì thi công dự án... giải quyết ùn tắc

Một số nơi đang thi công công trình trọng điểm xảy ra tình trạng kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.
Một số nơi đang thi công công trình trọng điểm xảy ra tình trạng kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.
(PLO) - TP HCM đang thi công một số dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và cảng Cát Lái (quận 2) nhằm giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, do mật độ giao thông lớn nên vào giờ cao điểm đã xảy ra ùn ứ kéo dài; cho đến khi các dự án hoàn thành thì người dân vẫn phải vất vả đi lại.  

Tại dự án hầm chui An Sương (quận 12, huyện Hóc Môn, tổng vốn đầu tư hơn 514 tỷ đồng), các đơn vị thi công đã tổ chức rào chắn dưới vòng cua chân cầu và hai đầu hướng đường Trường Chinh và quốc lộ 22 về phía chân cầu nên vào cao điểm 5 chiều đến 7 giờ tối giao thông đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt do đây là nút giao giữa các trục đường lớn là quốc lộ 1 (giao thông tuyến Bắc – Nam), quốc  lộ 22 (Campuchia, Tây Ninh về TP) và Trường Chinh nên tập trung rất nhiều container, xe tải chạy qua, ôm cua chân cầu gây kẹt xe nghiêm trọng, lực lượng chức năng đã vất vả tổ chức phân luồng. 

Tại khu vực dự án cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn – đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (2 nhánh cầu vào ga quốc tế và quốc nội, tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng) tình hình giao thông cũng không mấy khả quan vào giờ cao điểm, nhất là lượng xe quá cảnh qua đường Trường Sơn nhưng không vào sân bay để về phía Tây TP. 

Trong khi đó, từ 7 – 9 giờ sáng và 5 – 6 giờ 30 chiều hàng ngày, khu vực thi công dự án cầu vượt thép nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng) giao thông đi lại vốn dĩ khó khăn thì nay càng trở nên phức tạp hơn. Ghi nhận sáng ngày 8/3, xung đột giao thông đã xảy ra ngay tại vòng xoay theo hướng đường Phạm Văn Đồng di chuyển ra đường Bạch Đằng để về sân bay Tân Sơn Nhất, khiến giao thông hỗn loạn cục bộ. Đường Hoàng Minh Giám, đoạn trước Công viên Gia Định chiều từ quận Gò Vấp về trung tâm TP cũng chật kín xe, phương tiện phải nhúc nhích di chuyển. 

Cùng với đó, tình hình giao thông tại các điểm ùn ứ cố hữu vẫn chưa được cải thiện nhiều như mũi tàu đường Trường Chinh - Phạm Văn Bạch - Chế Lan Viên (giáp ranh quận Tân Phú, Tân Bình), mũi tàu đường Trường Chinh - Cộng Hoà, nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám, nút giao Cộng Hoà - Út Tịch, Trường Chinh - Âu Cơ, Ngã tư Bảy Hiền, Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai, Vòng xoay Phù Đổng, giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50, cầu Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo…  

Còn tại dự án nút giao Mỹ Thuỷ (quận 2, tổng mức đầu tư gần 838 tỷ đồng), tình hình giao thông không mấy khả quan. Do đây là nút giao ra vào cảng Cát Lái, cầu Phú Mỹ (về khu công nghiệp Tân Thuận, quận 7) và Vành đai phía Đông nên tập trung rất nhiều container, xe tải ra vào cảng, khu công nghệ cao quận 9, phương tiện quay đầu, ôm cua khó khăn, mất nhiều thời gian, chưa kể nhiều xe máy, xe hơi trộn làn khiến tình hình giao thông rất phức tạp. 

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP, hiện trên địa bàn còn 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc. Để giải quyết tình hình này, mới đây ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phải giải quyết cơ bản 37 điểm nói trên trước tháng 6/2017. Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Văn Khoa chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án thiết lập các khu vực làm thủ tục “check – in” kết hợp với dịch vụ trung chuyển bằng xe buýt cho hành khách đi máy bay nhằm giải quyết ùn tắc tại khu vực sân bay.   

Ngoài ra, để ổn định trật tự giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã công bố 492 tuyến đường cấm đào trong năm 2017, tập trung nhiều ở quận 2, 7, 8, 12, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. Còn tại khu vực quận 2, vừa qua UBND TP HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất quy mô xây dựng nút giao thông An Phú giai đoạn hoàn chỉnh và phân kỳ đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.036,7 tỷ đồng. Việc triển khai dự án không những giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực mà còn tăng cường khả năng giao thông cho tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Mai Chí Thọ (trục đường ra vào cảng Cát Lái). 

Trong năm 2017, trên địa bàn TP sẽ có 53 dự án giao thông được khởi công, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành, trong đó có 4 đường vành đai, 1 dự án đường cao tốc (Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành), 5 dự án nút giao thông, 19 trục đường giao thông đối ngoại, 14 cầu đường bộ… với vốn đầu tư hơn 175.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý, có những dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ giải quyết được ùn tắc giao thông khu vực như đường nối từ cầu Rạch Chiếc mới đến nút giao Bình Thái, đường Vành đai 3 Tân Vạn – Nhơn Trạch, mở rộng quốc lộ 22 đoạn ngã tư An Sương đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh…

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.