Theo báo cáo khảo sát Môi trường kinh doanh toàn cầu - Doing Business 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam đứng ở vị trí 168 trong danh sách 189 nền kinh tế về mức độ thuận lợi trong thanh toán thuế.
Năm ngoái, báo cáo của WB đánh giá Việt Nam Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực, số lần nộp thuế của mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam là 32 lần/năm và thời gian nộp thuế là 872 giờ với tổng mức thuế suất là 35,2%.
Trước tình trạng này, Thủ tướng đã ra Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, yêu cầu ngành thuế phải rút ngắn số giờ nộp thuế xuống 121,5 giờ mỗi năm.
Tổng cục Thuế mới đây công bố, đến hết tháng 6 vừa qua, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam đã được giảm xuống còn 117 giờ mỗi năm, sau khi cơ quan này gỡ bỏ hàng trăm thủ tục, triển khai hàng loạt các biện nhằm giảm thiểu số giờ nộp thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể: thực hiện cắt giảm chi phí thời gian tuân thủ thuế của doanh nghiệp được 290 giờ, thời gian thực hiện TTHC thuế của doanh nghiệp giảm được 120 giờ , triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử giảm được thêm 10 giờ/năm. Tổng cục Thuế khẳng định cơ bản đã hoàn thành mục tiêu về giảm số giờ tuân thủ của doanh nghiệp theo Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra.
Việt Nam vẫn đứng cuối bảng so với các nước trong khu vực ở tiêu chí nộp thuế. Nguồn: WB |
Tuy nhiên, Doing Business 2016 lại công bố tổng số giờ nộp thuế của một doanh nghiệp tại Việt Nam hiện vào khoảng 770 giờ mỗi năm (thấp nhất khu vực, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp Thái Lan là 264 giờ, Indonesia là 234 giờ, Philippines 193 giờ, Malaysia 118 giờ, Singapore 83,5 giờ...). Số lần phải làm thủ tục thuế trong năm là 30, tổng số tiền thuế và các khoản chi trả cho việc này chiếm 39,4% lợi nhuận của doanh nghiệp.
Giải thích về "độ vênh" trong con số WB công bố tại Doing Business 2016 và số liệu thống kê của ngành tài chính, đại diện Tổng cục thuế cho rằng: Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 tính toán thời gian mà doanh nghiệp thực hiện thủ tục về thuế trong năm 2014 (từ 1/1/2014 đến 31/12/2014).
Cơ quan này đưa ra phương pháp xác định là nếu văn bản có hiệu lực đối với cộng đồng doanh nghiệp tại thời điểm nào thì sẽ được tính từ thời điểm đó; nếu thực hiện từ đầu năm thì tính 100%, nếu ban hành tại thời điểm giữa năm thì sẽ được tính theo tỷ lệ % thời gian.
"Qua nghiên cứu chi tiết bảng tính toán số liệu về thời gian của cơ quan này thì thấy rằng gần như tất cả kết quả cải cách về thuế của Việt Nam trong năm 2014 đều đã được ghi nhận, nhưng việc giảm thời gian kê khai nộp thuế được tính theo tỷ lệ từ tháng 10/2014, tháng 11/2014, theo thời hạn hiệu lực của các văn bản ban hành.
Do đó, thời gian Nộp thuế trong năm 2014 chỉ được doanh nghiệp thực hiện trong 2 tháng, giảm được 40 giờ. Các kết quả còn lại sẽ được tiếp tục ghi nhận trong các Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 và 2018", đại diện Tổng cục thuế cho biết.
Về giải pháp đạt mục tiêu mức độ thuận lợi về thủ tục thuế ngang bằng các nước ASEAN 4, đại diện ngành thuế cho biết sẽ tập trung nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ thuế và xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức thuế; để đảm bảo những nội dung cải cách và tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN được triển khai vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, mở rộng hệ thống thuế điện tử; đảm bảo việc khai thuế, nộp thuế điện tử của doanh nghiệp được ổn định và thuận lợi ; Đồng thời, mở rộng dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử đối với các cá nhân cho thuê nhà hay khai, nộp thuế trước bạ…
Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc
Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business 2016) của Ngân hàng Thế giới (WB) ra ngày 28/10 ghi nhận , Việt Nam tăng 3 bậc so với xếp hạng năm trước, lên vị trí 90 trong số 189 nền kinh tế được đánh giá.Báo cáo này cũng đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều cải thiện trong các lĩnh vực như khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế.
Theo đó, khởi sự kinh doanh (tăng 6 bậc, từ 125 của năm ngoái lên thứ hạng 119); tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc, từ 130 lên 108); tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc, từ 36 lên 28); nộp thuế (tăng 4 bậc, từ 172 lên mức 168). Một số chỉ số năm nay giảm so với xếp hạng năm ngoái, gồm: Thương mại qua biên giới (giảm 1 bậc, từ 98 xuống 99); bảo vệ nhà đầu tư (tụt 1 bậc, từ 121 xuống 122). Ngoài ra, Việt Nam có nhiều chỉ số khác không thay đổi, như chỉ số giấy phép xây dựng, bảo vệ quyền tài sản, thực hiện hợp đồng…