Phát hiện, bắt giữ 1.167 vụ việc vi phạm
Về tình hình xuất nhập khẩu (XNK), Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 9/2016, tổng trị giá XNK hàng hoá ước đạt 30,1 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá XK ước đạt 15 tỷ USD, giảm 6,8% và tổng trị giá NK ước đạt 15,1 tỷ USD, giảm 2,7%. Với kết quả trên thì trong 9 tháng/2016, tổng trị giá XNK hàng hoá ước đạt 253,65 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, ước tính tổng trị giá XK đạt 128,21 tỷ USD, tăng 6,7%; tổng trị giá NK đạt 125,44 tỷ USD, tăng 1,3%.
Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9/2016 ước tính thâm hụt 100 triệu USD - bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng năm 2016, thương mại hàng hóa của Việt Nam dự kiến xuất siêu gần 2,77 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Điện thoại các loại & linh kiện; Hàng dệt may; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; Hàng giày dép; Hàng thủy sản; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Cà phê; Dầu thô. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng; Điện thoại các loại và linh kiện; Vải các loại; Sắt thép các loại; Chất dẻo nguyên liệu; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày v.v…
Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, tính từ 16/8/2016 đến 15/9/2016, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.167 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 25 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 17,26 tỷ đồng. Lực lượng Hải quan khởi tố 2 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 6 vụ.
Tháo gỡ khó khăn về kiểm tra chuyên ngành
Cuối tháng 6/2016, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với một số đơn vị chức năng thuộc các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện rà soát 87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đang còn hiệu lực theo các tiêu chí chỉ đạo của Chính phủ nêu tại điểm 1d và 1đ mục III Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP.
Trên cơ sở kết quả rà soát, ngày 16/8/2016, Bộ Tài chính có Công văn số 11374/BTC-TCHQ đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 73 nhóm văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của 11 bộ, ngành.
Ngày 30/6/2016, Tổng cục Hải quan phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành thành lập thêm 1 địa điểm KTCN tập trung tại Chi cục Hải quan Cảng Dung Quất, Quảng Ngãi (30/6/2016), nâng tổng số địa điểm KTCN lên 10 địa điểm.
Đồng thời, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp với một số đơn vị chức năng chuyên môn thuộc các bộ quản lý chuyên ngành trao đổi những vấn đề cụ thể, phối hợp tổ chức một số đợt khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp XNK, đơn vị KTCN, Chi cục Hải quan cửa khẩu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về KTCN đối với hàng hóa XNK để giải đáp, xử lý kịp thời.
Tổng cục Hải quan đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành chức năng tổ chức đợt khảo sát liên ngành nhằm sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các địa điểm KTCN tập trung thời gian qua, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về hoạt động KTCN tập trung.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan mới đây đã có buổi làm việc trực với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế và Giao thông Vận tải nhằm đôn đốc việc triển khai hoạt động KTCN theo chỉ đạo tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, bao gồm cả việc triển khai Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Hiện, Tổng cục Hải quan đang tham mưu trình lãnh đạo Bộ Tài chính ký Công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, bao gồm Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm.