Ngày 10/9/2020 vừa qua, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam - đã ký Quyết định số 350/QĐ-SNN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 01 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị thuộc dự án nâng cấp, gia cố, tăng khả năng thoát lũ và chống sạt lở bờ sông Đáy trên toàn tuyến sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn I.
Nhà thầu được phê duyệt trúng thầu là Tcty Hải Sơn - Tcty 86. Giá mời thầu 437,8 tỷ đồng, giá trúng thầu 435,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 36 tháng.
Dự án trên do Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam làm Chủ đầu tư, Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Hà Nam là Bên mời thầu. Dự án có tổng mức đầu tư 722,434 tỷ đồng và được chia làm 17 gói thầu. Gói thầu mà Tcty Hải Sơn - Tcty 86 đã trúng là gói thầu lớn nhất của dự án này.
Theo BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Hà Nam, lúc phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu này, có tổng cộng 5 nhà thầu mua hồ sơ. Tuy nhiên, chỉ có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, gồm: Cty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Cty cổ phần xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương, Tcty Hải Sơn – Tcty 86. Kết quả, Tcty Hải Sơn – Tcty 86 đã trúng thầu gói thầu có giá trị 435,8 tỷ đồng trên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải là gói thầu lớn duy nhất đơn vị này đã trúng tại BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Hà Nam.
Ngoài ra, trước đó, vào tháng 12/2019, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành quyết định phê duyệt nhà đầu tư dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và Bến xe trung tâm tỉnh trên địa bàn thành phố Phủ Lý theo hình thức chỉ định thầu. Đơn vị được chỉ định thầu dự án này là Tcty CP Hải Sơn - Tcty 86.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và Bến xe trung tâm tỉnh nằm tại xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, Hà Nam có tổng diện tích sử dụng đất gần 6,7 ha. Với tổng chi phí thực hiện hơn 373 tỉ đồng, dự án bao gồm Khu bến xe trung tâm (Khu A) có diện tích khoảng 2,5 ha, thuê đất 50 năm; Khu dịch vụ thương mại (Khu B) có diện tích đất ở 1,26 ha (giao đất có thu tiền sử dụng đất); Đất dịch vụ thương mại chiếm 0,18 ha (thuê đất 50 năm), còn lại là đất giao thông đối ngoại (giao đất không thu tiền sử dụng đất).
Thời hạn và tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2022. Thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 36 tháng kể từ ngày có quyết định bàn giao đất thực địa. Dự án nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thành phố Phủ Lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phân khu Khu trung tâm y tế chất lượng cao của vùng và qui hoạch mạng lưới bến xe trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu dịch vụ vận tải hành khách, phương tiện và hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Tcty Hải Sơn - Tcty 86 được thành lập vào ngày 13/05/2008, có địa chỉ trụ sở tại CX1, phía Nam cầu Hồng Phú, đường Lê Hoàn, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tcty bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2010.
Tcty có lĩnh vực kinh doanh khá rộng, bao gồm: xây dựng công trình kĩ thuật dân dụng khác, đại lí du lịch, kinh doanh tour du lịch, vận tải hành khách bằng đường bộ, vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương, vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa, đường bộ, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Đình Thanh.
Nhắc tới đại gia Trần Đình Thanh, nhiều người sẽ nhắc tới tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ án ngữ ngay mặt đường Quốc lộ 1 của vị đại gia này.
Lâu đài của đại gia Trần Đình Thanh án ngữ ngay mặt đường Quốc lộ 1A thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. (nguồn: Internet) |
Đó là một tòa lâu đài được xây dựng trên khuôn viên có diện tích hơn 3.000 m2, bốn mặt tiền, thiết kế 5 tầng, diện tích sàn là 300 m2. Tòa lâu đài tọa lạc tại một vị trí vô cùng đặc biệt, có đến 4 mặt tiền trong đó một mặt là đường quốc lộ 1A ngay tại km0 (Trung tâm TP. Phủ Lý, Hà Nam), đối diện ga Phủ Lý. Các mặt còn lại giáp cầu Hồng Phú, sông Đáy và đối diện Trung tâm Thương mại Phủ Lý.
Riêng chi phí xây thô tòa lâu đài chi phí hàng chục tỉ đồng. Phần gỗ trang trí là loại gỗ đỏ quý hiếm cũng tốn khoảng hàng chục tỉ đồng, trong đó có cây gỗ nguyên khối lên đến cả triệu USD. Tòa lâu đài này được coi là một trong những lâu đài đắt bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Theo những người dân sống gần lâu đài của đại gia Trần Đình Thanh, ông Thanh có sở thích chơi cây cảnh và sưu tầm đồ cổ. Có những loại cây cảnh được trưng bày trong khuôn viên lâu đài của người đại diện Tcty Hải Sơn có giá bán rất cao trên thị trường cây cảnh.