Tọa đàm 'Cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 và một số vấn đề pháp lý'

Tọa đàm 'Cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 và một số vấn đề pháp lý'
(PLVN) - Sáng nay 20/3, tại trụ sở báo PLVN,  thực hiện ý kiến của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Bộ Tư pháp, Văn phòng Bộ Tư pháp phối hợp với báo PLVN tổ chức buổi Tọa đàm “Cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 và một số vấn đề pháp lý đặt ra” giải đáp thắc mắc của độc giả liên quan đến vấn đề này. 

Trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, ngày 29/01/2020, Bộ Y Tế đã đưa ra Quyết định số 219 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng ra Quyết định về việc Công bố dịch bệnh trên, đánh giá dịch bệnh này thuộc Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu, cần phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có tổ chức cách ly y tế, kiểm soát ra vào vùng có dịch.

Trong bối cảnh toàn dân đang chung tay đẩy lùi bệnh dịch, có rất nhiều vấn đề mà bạn đọc của báo PLVN quan tâm, ví dụ như chuyện PLVN quy định như thế nào về phòng chống dịch bệnh, người dân hành xử ra sao để chống dịch mà không vi phạm pháp luật; doanh nghiệp đang đối diện với những trở ngại nào để vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh?

Thực hiện ý kiến của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Bộ Tư pháp, 9h sáng ngày 20/3, Văn phòng Bộ Tư pháp phối hợp  báo PLVN báo PLVN tổ chức buổi Tọa đàm “Cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 và một số vấn đề pháp lý đặt ra” giải đáp thắc mắc của độc giả liên quan đến vấn đề này. 

Các vị khách mời tham gia tọa đàm.
  Các vị khách mời tham gia tọa đàm.

Khách mời  tham gia buổi tọa đàm là bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính Bộ Tư pháp.  Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp. Bà Nguyễn Thanh Hà Phó Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Ông Đỗ Hữu Bằng - Tổng giám đốc công ty vận tải Sao Việt.

- Mở đầu buổi tọa đàm, xin được hỏi bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính – hình sự - Bộ Tư pháp, Thưa bà, Việt Nam đang phải tập trung nhân vật lực để đối phó với đại dịch Covid-19. Vậy, với tình hình hiện nay, quy định về dịch bệnh: các mức độ dịch, việc ứng phó với dịch… tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã đủ đảm bảo bao quát tất cả các vấn đề liên quan hay chưa? Xin bà làm rõ thêm những quy định pháp luật về vấn đề này?

Bà Lê Thị Vân Anh:  Tại thời điểm hiện nay, để đưa ra nhận định rằng Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã đủ bao quát tất cả các vấn đề liên quan đến việc đối phó với dịch bệnh hay chưa là rất khó, bởi hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn đối phó với dịch bệnh, vừa vận dụng các quy định của pháp luật (Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và một số văn bản dưới luật như Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới; Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch) cũng như xem xét từng diễn biến của tình hình thực tiễn để đối phó với đại dịch này.

Do vậy, để có câu trả lời chính xác cho vấn đề này thì cần có tổng kết thực tiễn của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đạo tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ NN và PTNT, Bộ TNMT…).

Tuy nhiên, để phù hợp với diễn biến thực tiễn của tình hình dịch bệnh hiện nay, ngày 26/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đó, đã bổ sung thời gian ủ bệnh và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới của bệnh Covid-19 để làm căn cứ công bố dịch hết dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19.

Như vậy, có thể thấy chúng ta vừa vận dụng các điều kiện của pháp luật vừa theo sát dịch bệnh

Nên chúng tôi nghĩ để đánh giá bao quát thì phải có sự tổng kết thực tiễn của các cơ quan thực thi pháp luật này để có thể có đánh giá chính xác, như các Bộ Y tế, Kế hoạch – đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội… Từ đánh giá của các bộ ngành này để có trả lời chính xác.

Bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính Bộ Tư pháp.
 Bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính Bộ Tư pháp. 
- Những hành vi nào được coi là vi phạm pháp luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, thưa bà? Trong trường hợp nào người vi phạm sẽ bị  xử lý hình sự?

Bà Lê Thị Vân Anh:   Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định 07 hành vi bị nghiêm cấm, gồm:

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Như vậy, bất cứ người nào vi phạm một trong 7 hành vi bị nghiêm cấm trên đều coi là vi phạm pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm còn quy định về các vấn đề liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm (thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống bệnh truyền nhiễm; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; giám sát bệnh truyền nhiễm; an toàn sinh học trong xét nghiệm; sử dụng vacxin, sinh phẩm y tế trong phòng bệnh; phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh); kiểm dịch y tế biên giới; chống dịch (công bố dịch; các biện pháp chống dịch); các điều kiện đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch truyền nhiễm ở người (cơ sở vật chất, nhân lực, chế độ chính sách). Đồng thời, quy định trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của Luật này. Do đó, có thể nói, những hành vi vi phạm quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đều được coi là vi phạm pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Về trường vi phạm sẽ bị xử lý hình sự, theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế thì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV là bệnh truyền nhiễm nhóm A tức là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. 

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người tại Điều 240, theo đó, khoản 1 Điều luật này liệt kê 03 nhóm hành vi cấu thành tội phạm, cụ thể là: 

Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; 

Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; 

Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Liên quan đến nhóm “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, pháp luật hình sự hiện chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã liệt kê 07 hành vi bị cấm có khả năng làm lây lan dịch bệnh như đã nêu trên, đặc biệt là các hành vi như: (i) cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; (ii) che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm hoặc (iii) cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; (iv) không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật phòng, chốn bệnh truyền nhiễm; (v)  không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì có thể coi những hành vi này là những hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người nếu xảy ra hậu quả là “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 để xử lý hình sự.

Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình xử lý các vụ việc cụ thể, vẫn cần có sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về cách hiểu của tình tiết “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 240 BLHS.

Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 còn quy định tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 288. Theo quy định tại Điều luật này thì người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ một số trường hợp: (i) làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN (Điều 117); (ii) làm nhục người khác (Điều 155); (iii) vu khống (Điều 156) và (iv) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326). 

Như vậy, với hành vi thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm là hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễn thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 BLHS.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 còn quy định một số tội danh khác liên quan đến việc cung cấp, đăng tải các thông tin sai sự thật như: tội vu khống (Điều 156) (quy định nhóm hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331); tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (Điều 117) (quy định nhóm hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống nhà nước CHXHCNVN).

- Trên thực tế có tình trạng người nước ngoài sinh sống tại VN hoặc đang du lịch ở VN thờ điểm dịch bệnh này nhưng không chấp hành các quy định của VN như không đeo khẩu tra, không hạn chế đi lại, không khám sức khỏe, không chịu cách ly tập trung... Họ có bị xử lý không? Nếu có xử ý thế nào?, thưa bà:

Bà Lê Thị Vân Anh: Điều 8 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, mọi người sinh sống, làm việc trên lãnh thổ nước CHXHCNVN đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, (không loại trừ người nước ngoài du lịch tại VN).

Điều này được thể hiện khá rõ trong các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến xử lý hành vi vi phạm, cụ thể: - Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính gồm cả cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

- Bộ luật hình sự năm 2015 quy định BLHS được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCNVN, trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch VN hoặc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN, trừ trường hợp người nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo PLVN, theo điều ước quốc tế mà VN là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế. trường hợp này thì TNHS của họ được giải quyết theo quy định của ĐUQT hoặc theo tập quán quốc tế hoặc theo con đường ngoại giao nếu không có tập quán quốc tế.

Như vậy, trường hợp người nước ngoài sinh sống tại VN hoặc đang du lịch ở VN thời điểm dịch bệnh này nhưng không chấp hành các quy định của VN như không đeo khẩu tra, không hạn chế đi lại, không khám sức khỏe, không chịu cách ly tập trung... thì tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính (trục xuất) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Xin được hỏi bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC & TDTHPL, quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch bệnh covid - 19?

- Bà Nguyễn Thanh Hà:  Pháp luật hiện hành về xử phạt VPHC đối với các hành vi VPPL liên quan đến dịch bệnh Covid19 chủ yếu được quy định trong hai văn bản chính là Luật XLVPHC 2012, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với tính chất là quy phạm chế tài bên cạnh các quy phạm quản lý trong Luật PCBTN năm 2007, NĐ số 89/2018/NĐ-CP về kiểm dịch y tế biên giới và Nghị định số 101/2010/NĐ-CP về cách ly, cưỡng chế cách ly  y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.

Đối với các hành vi VPHC liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch bệnh Covid-19 nói riêng, Nghị định số 176/NĐ-CP quy định tương đối đầy đủ, cụ thể trên cơ sở các quy phạm nghiêm cấm hoặc nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện và hình thức xử phạt tương ứng với từng hành vi vi phạm. Tại tọa đàm hôm nay, do hạn chế thời gian nên tôi sẽ không nêu lần lượt các quy định mà chỉ đưa ra một số ví dụ, cụ thể như: 

- Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi: “Cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố” với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn liên tục trong 03 ngày.

- Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm:

“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

- Điều 9 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP  quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ;

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh;

b) Không thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm đang được khám, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của mình cho cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn;

- Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Khoản 2 Điều này”.

- Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch tại các khoản 2, 4, 5 và 6 như sau:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;

- Điều 12 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới, cụ thể:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định;

b) Từ chối kiểm tra y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra thực tế của kiểm dịch viên y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế;

Xin lưu ý là một người vi phạm có thể bị áp dụng nhiều chế tài xử phạt hành chính khác nhau tùy thuộc hành vi vi phạm do họ thực hiện, ví dụ như: Trường hợp Việt Kiều Việt nam định cư ở Châu Âu biết mình đã nhiễm covid 19 nhưng khi nhập cảnh vào Việt Nam lại không khai báo có thể bị xử phạt về hai hành vi:  Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định (Điểm a khoản 1 Điều 12 NĐ 176) ) và Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch (Điểm a khoản 2 Điều 11 NĐ 176);

Bà Nguyễn Thanh Hà đang trao đổi với PV báo PLVN trong buổi tọa đàm.
  Bà Nguyễn Thanh Hà đang trao đổi với PV báo PLVN trong buổi tọa đàm.

- Có một số nhóm hành vi mà người dân, vô tình hoặc cố ý, phạm phải, như có hành vi khai báo gian dối, trốn khỏi nơi cách ly, không thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly, không đeo khẩu trang… Chế tài hành chính được áp dụng đối với các hành vi này như thế nào, thưa bà? 

 - Bà Nguyễn Thanh Hà: Về câu hỏi cụ thể đối với một số nhóm hành vi mà người dân, vô tình hoặc cố ý, phạm phải, như có hành vi khai báo gian dối, trốn khỏi nơi cách ly, không thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly, không đeo khẩu trang… đều bị xử phạt VPHC theo quy định của Nghị định số 176, cụ thể như:

Khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm (điểm a khoản 1 Điều 9 với mức phạt 100-300 nghìn đồng); hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thảm quyền (phạt 2tr đến 5tr đồng), thuộc nhóm A (phạt 5tr đến 10tr đồng) và bị áp dụng BP KPHQ buộc thực hiện việc cách ly, cương chế cách ly y tế. 

Đối với hành vi không đeo khẩu trang, nếu trong phạm vi cơ sở y tế có thể bị xử phạt về hành vi không tuân thủ chỉ định, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm của thầy thuốc, nhân viên y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc không bảo đảm trang phụ phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Nếu hành vi này xảy ra ngoài phạm vi cơ sở y tế thì coi như họ đã chủ động từ chối quyền bảo vệ sức khỏe của mình.

Trên thực tế có những mức độ hành vi, có yếu tố khách quan, chủ quan của hành vi. Những hành vi như tôi trình bày ở trên bị xử lý vi phạm hành chính, còn những hành vi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bà  Vân Anh đã trình bày ở trên.

- Thưa bà, gần đây có chuyện một nữ công nhân bịa chuyện nhiễm bệnh để nghỉ ở nhà trông con. Xin hỏi quy định cụ thể để xử lý những trường hợp trốn việc kiểu này? 

Bà Nguyễn Thanh Hà: Tôi cho rằng đây là vấn đề thực tế xảy ra dù không nhiều. Bản thân người này không nhiễm bệnh tuy nhiên, phải xem hành vi của họ ảnh hưởng thế nào.

Nếu hành vi của chị này chỉ bịa chuyện với người sử dụng lao động để nghỉ ở nhà trông con, tức chỉ ở phạm vi hẹp thì việc xử phạt hành chính đối với người có hành vi này cũng không nhất thiết đặt ra vì vấn đề chính trong câu chuyện này là người sử dụng lao động sẽ không tin tưởng họ nữa và có thể sa thải lao động này do mất tín nhiệm, họ có thể không sử dụng nữ công nhân đó.

Nhưng trong trường hợp nữ công nhân bịa chuyện nhiễm covid 19 với ảnh hưởng nặng nề hơn. Như bịa chuyện với thầy thuốc, nhân viên y tế gây ảnh hưởng đến việc theo dõi diễn biến, tình hình dịch bệnh của người có trách nhiệm thì có thể bị xử phạt về hành vi: Khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, bị xử phạt từ 100-300 nghìn đồng (Điểm a Khoản 1 Điều 9 NĐ 176). Dĩ nhiên, việc xác định họ cố ý hay vô ý thì còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và mức phạt đối với hành vi này, tôi cho rằng cũng rất thấp so với yêu cầu thực tế, cần sửa đổi kịp thời.

Trường hợp nữ công nhân đưa thông tin bịa đặt lên mạng xã hội thì sẽ vi phạm về quy định đối với hành vi không trung thực khi đưa thông tin lên mạng, sẽ  bị xử phạt hành chính theo Luật.

Bà Nguyễn Thanh Hà Phó Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp.
   Bà Nguyễn Thanh Hà Phó Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp.

-Thưa ông Đỗ Hữu Bằng - Tổng giám đốc công ty vận tải Sao Việt - Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp vận tải. Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà DN đang phải đối mặt trong thời điểm này?

Ông Đỗ Hữu Bằng: Rất cảm ơn Báo PLVN đã tổ chức tọa đàm ý nghĩa này. Trong đợt dịch Covid - 19, tôi xin phép đại diện cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp, tức thời, nặng nề do đại dịch khủng khiếp này khẳng định, doanh nghiệp chúng tôi đã và đang nỗ lực chung tay với Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch.

Tôi cũng khuyến cáo, dù khó khăn, doanh nghiệp vận tải, từ cán bộ đến nhân viên và khách hàng vẫn phải tuân thủ pháp luật về phòng chống dịch.. Nghề vận tải giao lưu với nhiều đối tượng khách hàng, thì càng phải đưa phòng chống lên hàng đầu.

Khó khăn của doanh nghiệp vận tải hiện rất trầm trọng nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước, những khó khắn này đang được giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết đến đâu cũng chờ sự giải quyết của các cơ quan liên quan.

Cũng với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp vận tải cũng đang nỗ lực tự vượt qua bằng những biện pháp hợp lý hợp tình, nhân văn. Chúng tôi tiết giảm chi phí nhưng không cho công nhân nghỉ mà cho làm luân phiên để họ có thu nhập, cách giảm tần suất xe để vẫn đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách.

Doanh nghiệp làm vận tải hành khách trên tuyến cố định và hợp đồng nên vẫn đảm bảo nguồn cung để thực hiện nghĩa vụ pháp luật và kinh doanh.

- Thưa ông, DN của ông đã  làm gì để chống chọi qua giai đoạn khó khăn này?

Ông Đỗ Hữu Bằng: Chưa bao giờ các DN kinh doanh phải họp nhiều như bây giờ, liên tục, nhiều mức độ khác nhau, để tính toán mức độ kinh doanh như thế nào để trụ qua giai đoạn nay. Chúng tôi cũng tính toán, như công nhân luân phiên làm việc, cắt giảm chi phí duy trì cho DN hoạt động vừa đảm bảo công tác xã hội. Xe hợp đồng không đồng ý có thể nghỉ, nhưng xe vận tải theo tuyến cố định không thể, vẫn phải vận hành dù chỉ có 1 người khách. Đó là công tác xã hội, lỗ vẫn phải thực hiện.

Ông Đỗ Hữu Bằng - Tổng giám đốc công ty vận tải Sao Việt .
 Ông Đỗ Hữu Bằng - Tổng giám đốc công ty vận tải Sao Việt .

- Có một câu hỏi tài xế gửi đến:Tài xế xe vận tải có thể từ chối người nghi ngờ nhiễm bệnh không? (ví dụ lái xe thấy người có biểu hiện sốt, hoặc ho… nhưng không xác định người đó bị ho sốt do nguyên nhân gì, thì có được từ chối chở không?) 

Tài xế cố tình chở người từ vùng dịch về hoặc người có biểu hiện nhiễm dịch bệnh thì bị xử phạt ra sao? 

Ông Lê Đại Hải: Tôi nghĩ anh Bằng nói quan điểm. Mời ông Đỗ Hữu Bằng chia sẻ về câu hỏi này cho lái xe.

Ông Đỗ Hữu Bằng: Với vị trí là người quản lý vận tải trong kinh doanh vận tải hành khách thì tôi rất đồng hành với câu hỏi của tài xế nói trên.

Trong việc phòng chống dịch Covid-19, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, chúng ta đã tuyên truyền tới mọi người, trong đó có người lao động, có lái xe.

Tôi nghĩ trong trường hợp này lái xe được từ chối vận chuyển, nhưng phải báo với cơ quan để xử lý.

Trường hợp này DN chúng tôi mới gặp hôm qua. Khi có 10 HK nước ngoài lên, lái xe gọi cho người điều hành. Lúc đó, HK VN xuống không đi. Tôi đã trấn an tài xế. Khi HK nước ngoài có thực hiện đeo khẩu trang theo quy định, chúng tôi mời đội kiểm dịch ga Lào Cai thực hiện kiểm tra thân nhiệt, khám nhanh. Sau 40 phút đồng ý chở vì xác minh ban đầu được đi

Tài xế từ chối nhưng phải thông tin đến cơ quan xử lý, nếu không xảy ra tình trạng kì thị. Trong trường hợp cần thiết cái xe đó có thể dừng làm tiêu độc khử trùng theo quy định phòng dịch.

- Thưa ông Hải, khi có 1 người bị nhiễm COVID-19, có rất nhiều người F1, F2, F3 bị cách ly. Vậy, cơ chế, chính sách đối với những người này thế nào, nhất là khi họ đang là nhân viên, NLĐ ở các cơ quan, doanh nghiệp?

Ông Lê Đại Hải: Câu hỏi này thời gian vừa qua có thể gọi là nóng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội 

Trao đổi trên góc độ pháp luật, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định bệnh covid-19 nhóm A – đặc biệt nguy hiểm

Khi ban hành Pháp luật đã quy định các chế độ, trong đó có quy định về thực hiện cách ly.

Quy định này được nêu tại NĐ101/2010/NĐ-CP. NĐ 73, hay Thông tư 32 của Bộ Tài chínhhướng dẫn chế độ quản lý sử dụng kinh phí đối với người thực hiện cách ly y tế. Theo đó, họ được cấp miễn phí nước, bàn chải, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang… Kinh phí xác định dương tính hay không do nhân sách nhà nước chi trả. Cơ sở cách ly cung cấp bữa ăn, chi phí người bị cách ly chi trả. Riêng đối tượng người nghèo được nhà nước đảm bảo theo quy định.

Còn với việc các đối tượng F2, F3 đang là người lao động bị cách ly có được đền bù ngày công hay không thì chưa có chế độ chính sách quy định, Tôi nghĩ, trường hợp này hoặc có bệnh nhóm A: không ai mong muốn, tất cả chung tay chia sẻ, cách ly để đảm bảo an toàn cho người cách ly, gia đình và toàn xã hội.

Nếu rơi vào thất nghiệp thì có BHTN.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp.
 Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp.

- Xin hỏi các vị khách mời đến từ Bộ Tư pháp: Liên tục có người bị xử lý vì tung tin thất thiệt về dịch Covid -19 nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra. Có vẻ biện pháp phạt tiền chưa đủ sức răn đe. Xin hỏi có biện pháp nào mạnh hơn để xử lý hiệu quả tình trạng này? 

Bà Vân Anh: Như tôi đã chia sẻ ở phần đầu, Bộ Luật Hình sự đã  quy định về hành vi đưa tin trái quy định lên mạng internet, trong trường hợp có hậu quả như gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại vật chất đối với cá nhân, xã hội… thì sẽ xử lý hình sự.

Hành vi nhẹ thì bị phạt tiền từ 30triệu đến200 triệu hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm

Dịch Covid 19 là đại dịch mới bùng phát trong vài tháng gần đây, có thể nói thời gian dài trước đây ta chưa từng phải đối mặt với nạn dịch ở mức độ nghiêm trọng như hiện nay. Ở góc độ từ phía người dân, một số người do chưa có ý thức tốt cả về phương diện y tế và pháp luật nên vẫn tiếp tục vi phạm, cá biệt có trường hợp chưa nắm được thông tin hoặc chưa được “trải nghiệm” việc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý khi thực hiện hành vi này. Mặt khác, do dịch bệnh đang vô cùng nghiêm trọng nên chúng ta tập trung xử lý dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Ở một góc độ khác, như tôi đã đề cập ở trên, các chế tài hành chính nói riêng cần được tăng cường cho phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế mới phát sinh, đặc biệt là việc quy định và áp dụng hình thức phạt tiền hành chính tương ứng với tính chất và mức độ hành vi, trường hợp gây nguy hiểm cho xã hội thì cần truy cứu hình sự để bảo đảm răn đe, phòng ngừa.

Ông Lê Đại Hải: Về vấn đề này, theo tôi, thực tế, chúng ta hay nói vi phạm này, kia xử nhẹ, không đủ sức răn đe nhưng quan điểm của tôi hơi khác. Luật quy định tương đối đầy đủ nhưng thực tế vẫn có vi phạm, tôi cho rằng khúc mắc ơ đây là về thực thi pháp luật.

Chúng ta phải biến quy định pháp luật thành hành động, để thực thi trong cuộc sống. Phải có sự vào cuộc tất cả cơ quan thực thi pháp luật và từng người dân.

Về phía người dân, tôi lấy ví dụ hiện tượng vẽ “vô tội vạ” trên cột điện, ở đường phố còn diễn ra, nhiều người nói nói do xử phạt không nghiêm. Nhưng thử hỏi có những ai gọi vào số điện thoại cơ quan chức năng là nhà tôi bị vẽ hay tôi thấy người ta đang vẽ để cơ quan chức năng tới kiểm tra, xử phạt hay chưa?.

Nói thế để thấy hiện nay câu chuyện thực thi với Luật còn khoảng cách từ nhiều phía.

Công nghệ thông tin bùng nổ nên nguyên nhân còn ở nhận thức pháp luật. Nhiều khi một số người dân sử dụng mạng nghĩ đơn giản chỉ like ủng hộ bạn bè nhưng thực tế cũng tác hại vì đã vô tình lan rộng thông tin xấu độc.

- Thưa ông Lê Đại Hải, nếu các y bác sĩ bị tổn hại sức khỏe hoặc bị nhiễm bệnh mất như trường hợp các bác sĩ ở TQ, thì họ có được hưởng chế độ như thương binh, liệt sĩ không?

Ông Lê Đại Hải: Ở Việt Nam chưa xảy ra chuyện này. Tuy nhiên, liên quan đến câu hỏi, theo Điểm e khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và điểm e khoản 1 Điều 27 Nghị định số 31 2013/NĐ – CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trường hợp “dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”, người hy sinh, người bị thương được xem xét xác nhận là liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Theo đó, có thể vận dụng quy định nêu trên để xem xét xác nhận là liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách đối với bác sỹ bị thương hoặc hy sinh trong phòng chống dịch Covid -1 9. Cụ thể, Liệt sỹ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng Dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân, được Nhà nước truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” trong những trường hợp: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Bà Thu Anh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp.
 Bà Thu Anh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp.

Kết thúc chương trình, bà Thu Anh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, buổi tọa đàm là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Bộ Tư pháp, do Văn phòng Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. Tọa đàm đã phần nào tháo gỡ những vấn đề pháp lý trong các hiện tượng nóng mà xã hội quan tâm và còn nhiều tranh cãi, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân giữa đại dịch Covid – 19.

Bà Thu Anh cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các khách chuyên gia khách mời và sự phối hợp kịp thời của Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Bộ Tư pháp đồng thời đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục tăng cường truyền thông để mọi người dân có thể nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật, cùng hệ thống chính trị và cả nước phòng chống Covid - 19 hiệu quả.

Mời độc giả F5 để cập nhập!

Đọc thêm

Vận chuyển đá quý trái phép bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Vụ việc vận chuyển trái phép hơn 700 viên kim cương trị giá hàng chục tỷ đồng vừa được phát hiện đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến việc mang theo kim loại, đá quý khi xuất nhập cảnh. Theo quy định hiện hành, hành lý vượt định mức miễn thuế mà không khai báo hải quan sẽ bị coi là xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp. Việc xử lý sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm và ý thức của người thực hiện trong trường hợp cụ thể.

Con đường tại Hà Nội bị 'thắt cổ chai' vì vướng khu đất bị cho là “lấn chiếm”: UBND xã Tri Thủy (Phú Xuyên) xác nhận khu đất có nguồn gốc đất công

Con đường bị “thắt cổ chai” khi đi đến khu đất được cho là lấn chiếm đất đình làng. (Ảnh: Vy Hương)
(PLVN) - Sự việc xảy ra tại thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã kéo dài nhiều năm. UBND xã xác nhận khu đất bị khiếu kiện tập thể có nguồn gốc đất công và UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, nên hàng chục hộ dân trong thôn đề nghị cơ quan chức năng sớm có các động thái xử lý dứt điểm.

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế
(PLVN) - Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra TP Thủ Đức (TP HCM) đã nêu rõ một số công trình xây dựng, trong đó có cơ sở kinh doanh Quê Nhà trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, là không phép, sai phép, phải cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng đến nay, một số cơ sở đã không chấp hành các quyết định xử phạt, cưỡng chế, thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu vi phạm mới.

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời
(PLVN) - Liên quan sự việc Cty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh khiếu nại Kết luận thanh tra 987/KL-UBND (KLTT) của UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng mình không trốn thuế; mới đây, Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM, là đơn vị quản lý số hóa đơn liên quan vụ việc) đã có văn bản trả lời Báo PLVN.

Sắp phúc thẩm vụ “làm giả con dấu” tại Công ty Hoàng Long (Nam Định): Một số tình tiết cần làm rõ

Bản án 83/2024/HS-ST (bên trái) và Đơn của gia đình bị cáo Long gửi PLVN. (Ảnh: Hà Sơn)
(PLVN) - Dự kiến ngày mai (9/1), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm vụ án bị cáo Lưu Văn Long (SN 1955, ngụ TP Nam Định, tỉnh Nam Định) “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Long bị TAND tỉnh Nam Định tuyên lần lượt 3 năm 6 tháng tù và 2 năm 6 tháng tù về hai tội danh này.

Chuyển nơi cư trú có phải đổi đăng ký xe ô tô không?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bạn đọc hỏi: "Trước đây tôi cư trú tại Hà Nội, hiện giờ tôi mới chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp của tôi có phải đổi đăng ký xe ô tô khi chuyển nơi cư trú không? Nếu phải đổi thì tôi phải làm những thủ tục gì?".

Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe từ 1/1/2025

Luật sư Lê Hiếu.
(PLVN) - Bạn Huy Phong (Hà Nội) hỏi: Do nhiều lúc phải giải quyết công việc gấp nên tôi hay sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Xin hỏi, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 thì hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?