Quyết định do Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẳng định “sau khi kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, thấy: Không có tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra như tố cáo của ông Anh và bà Xúy”.
Trước đó, xuất hiện một số đơn tố cáo cho rằng Thuận Lợi “xẻ thịt đất công” tại dự án trên. Sự thật thì trên cả giấy tờ và trong thực tế, không hề có chuyện đất công bị chiếm. Thuận Lợi khẳng định đã bị một số đối tượng tạo dựng chứng cứ giả, “gài bẫy”, đổ tiếng xấu, khiến dự án đình trệ.
Khu đất xen kẹt bị bỏ quên trong dự án
Từ năm 2002, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho một DN làm chủ đầu tư dự án trên. Dự án chia làm hai khu: Khu A 13,6ha; khu B 26,4ha (sau này Thuận Lợi sau khi trúng đấu giá mua thêm đất “da beo” nên tổng hai khu 40ha). Từ năm 2003, chủ đầu tư cũ đã thế chấp toàn bộ dự án cho ngân hàng, nhiều năm không trả, phát sinh nợ xấu, nên bàn giao dự án cho ngân hàng bán đấu giá.
Thông báo CQĐT gửi người tố cáo |
Năm 2015, Cty Thuận Lợi (do ông Nguyễn Thuận làm TGĐ) mua trúng đấu giá dự án. Sau khi chuyển đổi chủ đầu tư, lập quy hoạch chi tiết 1/500, phát sinh hai vướng mắc. Thứ nhất, chủ đầu tư cũ nợ hơn 23 tỷ tiền thuế và chưa bồi thường hàng chục hộ dân, Thuận Lợi đã trả thay. Thứ hai, phát hiện trong dự án có 7.551m2 đất Nhà nước quản lý, giáp con rạch có tên Chùm Chũm, không có đường đi vào, nằm hoàn toàn trong ranh dự án.
Tại Công văn 31/UBND ngày 18/5/2010 của UBND phường Mỹ Phước và Công văn 1116/UBND-KT ngày 31/5/2010 của UBND TX Bến Cát, đã chấp thuận chủ trương hoán đổi đất rạch Chùm Chũm, giao khu đất cho chủ đầu tư cũ để thực hiện dự án. Thế nhưng chủ đầu tư cũ không thực hiện, cũng không thông báo cho Thuận Lợi biết trong quá trình bàn giao tài sản.
Từ 2016-2018, Thuận Lợi đã có 3 văn bản đề xuất việc hoán đổi khu đất công ích, chấp nhận thiệt thòi, hoán đổi cho Nhà nước những khu đất có vị trí đẹp hơn, mặt tiền.
Ngày 11/12/2016, UBND phường Mỹ Phước có Tờ trình 200/TTr-UBND đề nghị UBND Bến Cát chấp thuận chủ trương hoán đổi khu đất trên. Ngày 13/12/2016, UBND TX Bến Cát có Quyết định 2815/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án, với khu đất công nằm trong ranh dự án.
Ngày 22/1/2019, Sở TN&MT có Công văn số 517/STNMT-CCQLĐĐ lấy ý kiến. Ngày 23/4/2019, UBND TX Bến Cát có Công văn 749/UBND-KT đề xuất: Một, Thuận Lợi hoán đổi khu đất khác có giá trị ngang nhau; Hai, Thuận Lợi nộp tiền của giá trị khu đất xin giao vào ngân sách.
“Thuận Lợi chấp nhận đề nghị của địa phương, miễn sao sớm giải quyết xong diện tích xen kẹt này để DN thực hiện dự án”, ông Thuận kể.
Ngày 14/6/2019, Sở TN&MT có Văn bản 2941/STNMT-CCQLĐĐ đề xuất tỉnh phương án giao khu đất xen kẹt trên cho Thuận Lợi. Ngày 16/7/2019, UBND tỉnh có Công văn 3457/UBND-KTN chấp thuận.
Hai căn nhà do một số đối tượng xây “chui” trên dự án Mỹ Phước 4. |
Hai căn nhà xây chui “trên trời rơi xuống”
Tưởng như mọi chuyện đã hanh thông. Bất ngờ, ngày 24/7/2019 Sở TN&MT có Văn bản 3657/STNMT-CCQLĐĐ đề nghị “thu hồi Văn bản 3457 của UBND tỉnh để UBND Bến Cát xử lý vi phạm trên khu đất công ích”. Theo Sở TN&MT, phát hiện có hai căn nhà đang xây dựng trái phép trên đất công.
Rồi UBND Bình Dương có Văn bản 3635/UBND-KTN thu hồi Văn bản 3457, giao UBND TX Bến Cát kiểm tra, xử lý các vi phạm. Từ đây, dự án bị đình trệ, Thuận Lợi bị hiểu nhầm, mang tiếng oan, bị tố cáo.
Vậy hai căn nhà trên từ đâu ra? Ông Thuận cho biết Thuận Lợi bị một số đối tượng “gài bẫy”, dựng chứng cứ giả đổ tiếng oan như sau:
Sau khi được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, ngày 11/4 và 26/4/2019 Thuận Lợi ký hai hợp đồng nguyên tắc chuyển quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án với ông Huỳnh Đức Anh (SN 1985, ngụ ấp Phú Tường, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre) và bà Trần Thị Xúy (SN 1965, ngụ số 39, kiệt Lịch Đợi, phường Đúc, TP Huế). Cả hai cùng dự định nhận chuyển nhượng 100m2.
Nội dung hợp đồng là xác lập quyền trong khi dự án hoàn tất thủ tục pháp lý trước khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng chính thức. Hợp đồng nêu rõ khách được quyền lựa chọn nhà thầu xây dựng nhưng nhà thầu phải ký hợp đồng xây dựng với Thuận Lợi. Việc xây dựng phải được thực hiện theo bản vẽ thiết kế thi công do Thuận Lợi phát hành. Khách phải liên hệ với BQL dự án để được hướng dẫn, ký quỹ bảo vệ hạ tầng.
Thế nhưng hai vị khách này đã cố tình phá vỡ hợp đồng, âm thầm tự ý đưa người vào xây dựng trái phép hai căn nhà. Chính hai căn nhà do hai vị khách xây “chui” này khiến Thuận Lợi mang tiếng “xẻ thịt đất công”, từ nạn nhân thành nghi phạm, bị điều tra.
Ông Thuận dẫn chứng: “Có rất nhiều chi tiết khiến tôi khẳng định hai người này đã “gài bẫy” Thuận Lợi, có chủ đích trước. Họ một ở Bến Tre, một ở Huế nhưng cùng thống nhất với nhau về cách thức gửi đơn từ khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin sai lệch; cùng ký hợp đồng và xây nhà “chui” một khoảng thời gian. Hai đơn tố cáo có nội dung nét chữ giống nhau, cùng gửi ngày 1/8/2019”.
“Hai căn nhà xây chui sơ sài rồi họ quăng đó, đổ tiếng xấu và hậu quả cho chúng tôi. Chúng tôi gọi điện, tìm về tận Bến Tre, bay ra cả Huế tìm, mời làm việc nhưng họ không đến. Chúng tôi gửi thư bảo đảm, đăng thông báo trên báo, họ vẫn bất hợp tác. Liên hệ hết cách vẫn không được hợp tác, chúng tôi đã lập tài khoản treo, gửi tiền vào đó cho họ và thông báo toàn bộ sự việc cho cơ quan chức năng”, ông Thuận cho hay.
Lạ một điều, dù né tránh Thuận Lợi, nhưng hai “vị khách” này lại liên tiếp có đơn tố cáo Thuận Lợi khắp nơi, từ Bộ Công an đến các cơ quan tỉnh Bình Dương.
Sự thật đã được sáng tỏ với việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định số 07/VPCQCSĐT-P5 khẳng định “sau khi kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, thấy: Không có tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra như tố cáo của ông Anh và bà Xúy”, đồng nghĩa với việc ông Anh bà Xúy tố cáo sai sự thật. Tuy nhiên, ông Thuận cho biết cũng sẽ không có ý định đề nghị xử lý hành vi của ông Anh bà Xúy. “Tôi cho rằng họ cũng chỉ là những người bị xúi giục, bị điều khiển, hoặc có hiểu nhầm. Điều quan trọng nhất là sự thật đã được sáng tỏ, doanh nghiệp tiếp tục được triển khai dự án đúng theo quy định pháp luật”, ông Thuận nói.
Liên quan dự án trên, ngày 8/4/2020, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đã có Kết luận thanh tra 07/KL-TTr (KLTT) việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá Dự án Mỹ Phước 4.
Theo KLTT, chủ cũ của dự án này nợ ngân hàng, thế chấp dự án. Đến 2012 phát sinh nợ xấu, chủ dự án đồng ý để ngân hàng bán đấu giá dự án trả nợ. Sau nhiều lần chào đấu giá không có đơn vị nào đăng ký mua, lần thứ 8 mới có một khách hàng tham gia là Cty Thuận Lợi, và mua trúng đấu giá.
Thuận Lợi đã thanh toán đủ tiền cho ngân hàng, được các bên bàn giao tài sản, dự án; được UBND tỉnh Bình Dương thay đổi chủ đầu tư, phê duyệt các vấn đề pháp lý để thực hiện dự án, khách hàng đã được cấp sổ đỏ.
Đến 2019, xuất hiện đơn tố cáo cho rằng việc đấu giá có dấu hiệu thông đồng, dìm giá, không niêm yết, thông báo công khai; Có dấu hiệu làm trái, gây thất thoát trong sử dụng, quản lý tài sản nhà nước; Ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vi phạm pháp luật; Công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá trái quy định… Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định những tố cáo trên là không có cơ sở; và không có cơ sở để kết luận có dấu hiệu làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước trong cuộc đấu giá.