Độc đáo “làng Nga”
Thành phố Vũng Tàu là quê hương thứ hai của nhiều gia đình người Nga trong thời gian họ đến đây làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa. Những công nhân Nga làm việc ở các giàn khoan chủ yếu là nam giới. Thời gian hợp tác lao động ở đây thường là 7-8 năm, cũng có khi hợp đồng gia hạn dài đến 10 năm. Với thời gian ấy, những chàng trai Nga đã đưa vợ con sang đây sinh sống.
Anh A-lếch là kỹ sư dầu khí cùng vợ là Na-ta-sa và hai cậu con trai chọn Vũng Tàu làm quê hương thứ hai đã hơn chục năm nay. Gia đình anh sống trong khu tập thể chuyên gia dành riêng cho người Nga. Sau 15 ngày lênh đênh trên tàu khoan hoặc những giếng dầu xa tít ngoài khơi xa, anh lại trở về với tổ ấm của mình cùng vợ và hai con.
Anh nói tiếng Việt rất sõi: “Vũng Tàu là quê hương thứ hai của tôi. Điều hạnh phúc nhất của người Nga sinh sống ở đây là tình thân ái của những người bạn Việt. Nhờ các bạn mà tôi có một gia đình hạnh phúc ngay trên đất nước các bạn. Những ngày này, tôi cũng nhớ về đất nước Nga nơi tôi đã sinh ra. Song ở đây cũng có một không gian Nga ở giữa thành phố biển làm lòng tôi ấm cúng hơn”. Rồi anh vỗ tay cười rất hứng khởi.
Cũng như gia đình anh A-lếch, tổ ấm của gia đình anh Ai-cốp (ở dãy B khu 2 dành cho những gia đình Nga - Việt, những gia đình vợ Việt, chồng Nga, hoặc vợ Nga, chồng Việt) là một sự phối cảnh của hai nước Việt - Nga thu nhỏ. Bức tranh điện K-remli và hồ Hoàn Kiếm của thủ đô Hà Nội treo trang trọng giữa phòng khách. Tất cả từ đồ dùng sinh hoạt đều theo phong cách Nga.
Vợ anh là chị Nguyễn Thị Huyền, trước đây là phiên dịch viên, quen và đem lòng yêu chàng trai tóc vàng trong một lần xem nhạc giao hưởng ở rạp Duy Tân, thành phố Vũng Tàu. “Làm vợ anh tóc vàng đẹp trai này em cũng học được nhiều phong cách người Nga. Em thích đồ dùng và cách trang trí của chồng. Gia đình em lúc nào cũng lung linh sắc màu mang đậm nét Nga để anh ấy có cảm giác sống ở Việt Nam như đang sống ở tổ quốc mình”- chị Huyền tâm sự.
Thấy vợ nói về mình, anh Ai-cốp vui vẻ góp chuyện bằng vốn tiếng Việt khá sõi: “Tôi sinh ra trên một thành phố ở miền Bắc của nước Nga nhưng đã lựa chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai của mình. Tôi gắn bó với thành phố biển Vũng Tàu hơn chục năm nay rồi. Tôi rất thích nước Việt và yêu người Việt Nam”. Cả nhà cùng cười hạnh phúc.
Người Nga luôn dùng trái cây do người Việt bán. |
“Thành phố biển dầu níu giữ chân tôi”
Trong khuôn viên tập thể những người Nga sinh sống, các gia đình đều treo cờ Nga và cờ Tổ quốc Việt Nam. Khu công viên dành cho trẻ em cũng được trang trí hết sức cầu kỳ, lộng lẫy, cũng chăng đèn, kết hoa, pháo bông, cây thông... tất cả như một không gian sống động của một nước Nga thu nhỏ tưng bừng trong ngày hội lớn.
Anh A-lếch tâm sự: “Dù xa nước Nga nửa vòng trái đất, dù không được đến Quảng trường Đỏ, không được đi dưới tuyết lạnh bên rừng bạch dương nhưng tôi vẫn thấy ấm lòng. Ở Việt Nam chúng tôi cũng được kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, được sống lại khoảnh khắc của ngày hội lớn. Sát cánh cùng các bạn Việt Nam, chúng tôi hạnh phúc lắm.
Quê hương thứ hai của người Nga đang hoạt động trên các giếng dầu là thành phố Vũng Tàu tươi đẹp. Tôi đã chọn thành phố này là nơi sinh sống dù đã hết thời gian hợp tác, vì thành phố này rất bình yên, thân thiện đã níu giữ chân tôi”…
Không chỉ gia đình anh A-lếch, gia đình anh Ai-cốp mà còn rất nhiều người Nga đang sinh sống ở thành phố Vũng Tàu đều có chung cảm nhận tình yêu của người Việt dành cho họ bằng thái độ trân trọng, thân ái trong tình đoàn kết hữu nghị. Hầu hết lý do ban đầu họ đến với thành phố biển dầu xinh đẹp này là do hoàn cảnh, do công việc, nhưng quá trình sinh sống đã khiến họ thêm gắn bó, nảy sinh tình cảm. Và với họ, tình yêu đã làm nên điều kỳ diệu, “làm đất lạ hóa quê hương” như một ý thơ.
Tuy ở xa Tổ quốc nhưng ai cũng hạnh phúc, tự hào vì ở đất nước xa xôi, giữa lòng thành phố biển dầu này, có một không gian Nga gần gũi thân thương, giàu lòng nhân ái và thắm tình yêu Việt./.