Qui hoạch lại 285,1ha ao nuôi
Ồ ạt chặt phá cây phi lao ven biển, phá vườn, dỡ nhà, thuê xe cơ giới đào múc, san ủi, lót bạt, đua nhau xây dựng ao nuôi tôm, nay giá tôm giảm sâu không chỉ người nuôi thất bát mà hệ lụy môi trường để lại cũng hết sức nặng nề: nguy cơ sóng biển, gió bão xâm nhập sâu vào đất liền, nguồn nước ngọt ngầm bị mặn hóa, nguy cơ bệnh dịch khó kiểm soát...
Tại tỉnh Quảng Nam, không phải đợi bây giờ, từ hồi cuối năm 2013 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 18 yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, TP ven biển, giám đốc các sở, ngành, công an tỉnh, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong nuôi tôm lót bạt trên vùng cát ven biển.
Mệnh lệnh hành chính đặt ra là cần ngăn chặn ngay mọi hành vi chặt phá cây phi lao và các loại cây trồng khác ven biển để làm ao nuôi tôm; xử lý tịch thu các loại xe ủi, xe múc san ủi làm ao nuôi tôm; xử lý vi phạm và lập thủ tục đình chỉ ngay đối với các chủ hộ nuôi tôm trái phép, thậm chí ngừng cung cấp điện.
Đến tháng 4/2014, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt qui hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt ven biển giai đoạn 2014 – 2018. Theo đó, các xã ven biển được qui hoạch gồm: Bình Hải, Bình Nam (huyện Thăng Bình); Tam Hải, Tam Hòa, Tam Tiến (huyện Núi Thành) với tổng diện tích 285,1ha, trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 205,9ha và diện tích mở mới 79,2ha.
Cụ thể, xã Tam Hải diện tích qui hoạch 37,5ha, xã Tam Hòa 96ha, Tam Tiến 15ha, Bình Nam 19,8ha và Bình Hải diện tích qui hoạch 116,8ha.
Quy định, quy hoạch là thế, tuy nhiên nhiều trường hợp người dân vẫn bất chấp. Chỉ đến khi thị trường lên tiếng, giá tôm xuống dưới gía thành, các chủ hồ mới ngậm ngùi trả giá.
Do giá tôm xuống quá thấp nên người dân phải luộc tôm bóc vỏ bán cho thương lái |
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, để “vãn hồi trật tự” nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, phải rà soát và đánh giá lại nhu cầu, hiện trạng nuôi tôm; loại bỏ những vùng hiện đang nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống dân cư trong vùng, những ao nuôi trái phép phá rừng phi lao sát biển, tự chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi đào ao lót bạt nuôi tôm.
Trên cơ sở đó quản lý chặt chẽ việc nuôi tôm trên cát theo đúng quy định, đúng mục đích sử dụng đất, bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm, đạt hiệu quả kinh tế và xã hội cao nhất...
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, theo quyết định qui hoạch đã được tỉnh phê duyệt thì mỗi hộ nuôi phải xây dựng một hệ thống xử lý nước thải riêng biệt hoặc một nhóm hộ trong vùng xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung nhưng phải có người chịu trách nhiệm chính bằng văn bản có chứng nhận của chính quyền địa phương.
Hệ thống xử lý nước thải chiếm 20% diện tích sở hữu của mỗi hộ nuôi. Đối với vùng qui hoạch mới, từ mép đê biển vào trong 200m hoặc cách mực nước thủy triều lên cao nhất 250m là cây phi lao phòng hộ và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Về nguyên nhân người dân bỏ hàng loạt ao nuôi như PLVN đã phản ánh, bà Tâm cho rằng nguyên nhân vì giá tôm năm nay quá thấp so với mọi năm. “Toàn tỉnh hiện có 267ha ao nuôi tôm lót bạt, hiện chỉ có 194ha là thả tôm nuôi. Hơn 70ha ao nuôi còn lại do người dân chưa hoặc không nuôi nữa vì giá tôm xuống thấp, 100 con một ký chỉ có giá 95.000 đến 100.000 đồng, trong khi chi phí đầu tư để thu hoạch được 1 ký tôm như vậy số tiền bỏ ra cũng đã lên đến 100.000 đồng rồi. Vì vậy, tính ra là hòa và lỗ, nếu dịch bệnh xảy ra nữa là lỗ nặng hơn”, bà Tâm tính toán.
Để người dân không lâm vào “vết xe đổ” bị lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, bà Tâm cho biết quyết định qui hoạch đã nêu rõ là rà soát, kiểm tra hết diện tích ao nuôi xem ao nuôi nào nằm trong vùng qui hoạch tiếp tục cho nuôi tiếp nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, còn số diện tích nằm ngoài vùng qui hoạch là cấm tuyệt đối.
Tuy nhiên, bà Tâm cũng băn khoăn việc cưỡng chế, xử lý đối với số diện tích ao nuôi nằm ngoài vùng qui hoạch là rất khó, không thể làm một sớm một chiều được…
Nhưng có lẽ dẫu có cấm được việc nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch thì câu chuyện cũng không thể một mình Quảng Nam giải quyết được. Để làm chủ được “cuộc chơi” thay vì trao quyền định đoạt giá tôm vào tay thương nhân nước ngoài, cần một mối liên kết vùng thực sự giữa tất cả các tỉnh có nghề nuôi tôm./.