Theo đó, UBND tỉnh đã đưa bổ sung tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào Chương trình, đồng thời bổ sung Sở Tư pháp vào thành phần Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.
UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp chủ trì tham mưu việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong phạm vi toàn tỉnh. UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành các Kế hoạch công tác tư pháp, Kế hoạch hoạt động của Hội đồng hàng năm và các Chương trình, đề án khác. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ công tác chung theo quy định, tập trung góp phần xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phục vụ cho các địa phương đăng ký phấn đấu đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới. Theo đó, tỉnh quy định rõ chỉ tiêu về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải..., hướng trọng tâm công tác PBGDPL về cơ sở, đặc biệt ưu tiên các đơn vị có khó khăn, các đơn vị đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh cũng tập trung nguồn lực thực hiện PBGDPL tại cơ sở.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTG ngày 08/5/2017 quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hướng dẫn của Bộ Tư pháp, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định 619/QĐ-TTg và triển khai thực hiện, trong đó mục tiêu chủ yếu là ưu tiên nguồn lực cho 15 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Triển khai xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp gắn với xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí 18.5 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tư pháp.
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 619/QĐ-TTg đến các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ xây dựng và đánh giá chuẩn tiếp cận cho trên 330 đại biểu trong toàn tỉnh, phổ biến Quyết định 619 cho 120 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện. Chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức xây dựng triển khai Kế hoạch cho các thành phần cấp huyện, xã và thôn, khu phố phục vụ việc đánh giá chuẩn tiếp cận. Thành lập Hội đồng đánh giá cấp huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức cấp xã. Thường xuyên hướng dẫn các đơn vị về nghiệp vụ theo dõi, đánh giá. Công khai kết quả đánh giá trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Sở Tư pháp và các huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2017, đã tổ chức đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cho 16 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2017 với 16/16 xã đạt chuẩn, UBND tỉnh đã quyết định công nhận 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017; Đầu năm 2018 đã đánh giá đối với 110 đơn vị cấp xã còn lại, kết quả có 104 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Riêng năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo đánh giá đối với 16 đơn vị cấp xã chia thành 2 đợt: Đợt 1 gồm 9 xã của 2 huyện: Quế Võ (6 xã) và Gia Bình (3 xã) đạt chuẩn và được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới, huyện Quế Võ và Gia Bình được đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới. Đợt 2 gồm 7 xã của 3 huyện: Thuận Thành; Lương Tài và Yên Phong, đến ngày 13/12/2018 đã được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới.
Như vậy, đến nay Bắc Ninh đã có 89/97 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Tiên Du đạt huyện nông thôn mới, thị xã Từ Sơn hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và hai huyện Gia Bình, Quế Võ đang được đề nghị công nhận huyện nông thôn mới vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trong 2 năm 2019 và 2020 hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6/6 huyện đạt huyện nông thôn mới. Những kết quả đáng phấn khởi như trên có phần đóng góp quan trọng của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực hiện trong thời gian qua.