Và cũng chính từ những khó khăn, thách thức ấy đã chứng minh rõ rệt sự dốc sức, hợp lực của các thế hệ người làm tín dụng chính sách ở Gia Lai trong suốt 19 năm qua đã lặn lội, hối hả chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về khắp buôn làng xa xôi, đến từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, góp phần bồi đắp cho cao nguyên thêm rộng mở, trù phù.
Mùa thu năm nay về miền biên viễn Gia Lai giáp với nước bạn Campuchia, bỗng thấy rộn ràng trong lòng khi đi trên những con đường mới mở thẳng tắp dẫn về các buôn làng, nối tiếp những rừng cao su bạt ngàn, vườn cà phê trĩu quả, ruộng lúa vàng ươm, hứa hẹn một cuộc sống bình yên, no đủ.
Có được sự đổi thay như trên, ngoài sự nỗ lực của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã thì không thể không kể đến những đóng góp thiết thực, quan trọng của những người làm tín dụng chính sách đã và đang bền bỉ đưa vốn về giúp dân xóa nghèo, dựng xây cuộc sống mới.
Làng Tung, xã La Nam, huyện Đức Cơ là nơi sinh sống của 170 hộ dân, đều là dân tộc Gia Rai. Theo già làng Kso Thi, người làng Tung, cách đây 5, 7 năm, cuộc sống dân tộc Ba Na, Gia Rai, Tày, Nùng ở các xã biên giới gian nan, thiếu thốn lắm, số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đang loay hoay tìm lối thoát nghèo thì dân làng được sự động viên giúp đỡ của chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, đặc biệt được NHCSXH huyện tiếp sức, đầu tư vốn ưu đãi kịp thời để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Những cán bộ áo hồng hoa sen (màu áo đồng phục của cán bộ tín dụng chính sách) đã cùng những người lính quân hàm xanh (bộ đội biên phòng) luôn bám sát buôn làng, gần gũi từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, trực tiếp, hướng dẫn họ cách vay vốn ưu đãi thuận lợi, cách sử dụng vốn vay vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
Từ đây, nhiều gia đình trồng các loại cây như cà phê, cao su, hồ tiêu, cấy được cả lúa nước; nhà ít cũng có 3 đến 4 ha, nhà nhiều thì hàng chục ha, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.
Ông Rơ Man Mrao, Phó chủ tịch Hội nông dân xã La Man lý giải nguyên nhân thoát nghèo, giàu lên của người dân làng Tung: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là có đồng vốn ưu đãi của NHCSXH hỗ trợ kịp thời, cộng với việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã làm “đòn bẩy” mạnh mẽ để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Làng Tung hiện có khá nhiều nông dân vượt khó, trở thành triệu phú. Hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã chủ động sử dụng đồng vốn vay của NHCSXH vào thâm canh, đạt năng suất các loại cây trồng, vật nuôi và không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ “cho không, cấp không” của Nhà nước.
Thăm hộ vay vốn ở xã Ia HLa, huyện Chư PưH |
Còn ở xã Ia HLa, huyện Chư PưH nhờ có nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ kịp thời, làm “đòn bẩy”, tất cả 8 buôn làng trong xã thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Kế nữa là 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi thuận lợi.
Gần 30 tỷ đồng vốn từ NHCSXH đã giúp cho miền quê Ia HLa thay đổi nhanh chóng, với hơn 600 ha hồ tiêu và ngô lai xanh mướt, đàn trâu bò khoảng 400 con béo mập, cùng hàng trăm hộ gia đình người Ba Na đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Đánh giá về hiệu quả của đồng vốn từ NHCSXH Gia Lai, ông Rơ Lan Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư PưH cho biết, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình, đồng bào DTTS bớt cảnh nghèo khó, cải thiện cuộc sống, mặt khác góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, để cho bộ mặt nông thôn miền núi ngày thêm tươi sáng.
Từ những làng xã trên miền biên viễn và trong những vùng sâu, ở Đức Cơ hay Chư PưH, nhìn rộng ra cả tỉnh Gia Lai, đến nay đồng vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã bao phủ kín miền cao nguyên rộng lớn hơn 15.500 km2, với 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn được tiếp cận tới chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước.
Có thể khẳng định, từ một tỉnh có quá nhiều khó khăn về địa lý ở vùng cao, địa hình đồi núi nhiều, diện tích rộng lớn, hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS đông ở khu vực Tây Nguyên, nhưng trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH Gia Lai đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử trong 5 năm (2016-2020) cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo cũng khá ấn tượng, từ mức 19,71% vào thời điểm năm 2016, đến nay còn khoảng 5,12%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đầu năm 2016 là 40,18%, giảm còn 11,14% vào cuối năm 2020. Bình quân mỗi năm giảm 5,8%.
Để đạt được tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh như vậy, theo ông Lê Văn Chí - Giám đốc NHCSXH Gia Lai, trước hết do cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Song hành sự chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, NHCSXH Gia Lai suốt 19 năm qua, đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, dù gặp phải đại dịch COVID-19 bùng phát lan rộng, nhưng với quyết tâm vượt khó, vừa tăng cường phòng chống dịch bệnh tốt, vừa huy động vốn nhanh. Dòng chảy nguồn vốn ưu đãi vẫn thông suốt khắp cao nguyên rộng lớn.
Minh chứng, doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1.493.653 triệu đồng, bằng 135% so với cùng kỳ năm 2020, nâng tổng dư nợ lên 5.220.072 triệu đồng với 142.220 hộ dư nợ, bình quân dư nợ 1 khách hàng xấp xỉ 37 triệu đồng.
Toàn bộ nguồn vốn do huy động, tạo lập được, kể cả nguồn vốn ngân sách từ UBND tỉnh, huyện ủy thác 270.347 triệu đồng, chiếm 5,17% nguồn vốn ưu đãi bởi triển khai mạnh mẽ Chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
Những người làm tín dụng chính sách ở Gia Lai đã chẳng quản ngại gian khó về núi non hiểm trở, nắng mưa thất thường, dịch bệnh hoành hành đã cùng những cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở và mạng lưới 3.295 Tổ TK&VV làm “chân rết” cho NHCSXH, chuyển tải dòng vốn đến tại 220 Điểm giao dịch xã để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo; từng gia đình đồng bào DTTS khó khăn.
Các Điểm giao dịch xã của NHCSXH Gia Lai hoạt động ngày càng hiệu quả không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con tiếp cận vốn ưu đãi, mà còn góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, bảo toàn nguồn vốn cho Nhà nước trong mọi lúc, mọi nơi.
Nổi bật vào thời điểm này, toàn bộ hệ thống 220 Điểm giao dịch của NHCSXH Gia Lai đã tích cực thực hiện phương án ứng phó phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn sức khỏe, tiền của cho người dân vay vốn cũng như đội ngũ cán bộ đoàn thể, Tổ TK&VV đến giao dịch, họp bàn với ngân hàng, đồng thời tham gia hỗ trợ khách hàng khôi phụ sản xuất như gia hạn nợ, hay cho vay vốn ưu đãi đối với người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Công cuộc giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững của tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả to lớn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng, đáng ghi nhận trong thực hiện công cuộc này suốt 19 năm qua.
Thời gian tới cùng các cấp, các ngành trên cao nguyên, NHCSXH Gia Lai vẫn kiên trì, dốc sức tiếp tục tập trung huy động nguồn vốn, cố gắng từng ngày để những đồng vốn ưu đãi đến được với nhiều hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn, góp phần phục vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội bền vững trên cao nguyên Gia Lai bao la hùng vĩ.