Trên bức tường vinh danh những huyền thoại tình báo Việt Nam, có duy nhất một tấm ảnh người đàn ông đeo quân hàm sỹ quan Đại tá, nhưng lại trong bộ quân phục của Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Đó là Đại tá, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Thảo, nhân vật nguyên mẫu mà nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (bút danh của nhà văn Trần Bạch Đằng, từng là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ) đã dựng thành nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim "Ván bài lật ngửa" nổi tiếng.
Phạm Ngọc Thảo khi là tỉnh trưởng Kiến Hòa (tỉnh Bến Tre ngày nay). |
Hoa trong tuyến lửa
Trong di cảo còn lưu giữ lại đến giờ, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đã dành hẳn những dòng viết đầy trang trọng cho người phụ nữ ấy: "Năm 1960, Tám Thảo (Mỹ Nhung) chính là người đã móc nối cho Hai Trung (bí số 2T) trở lại với tổ chức. [...] Đến sau này, khi phải chiến đấu âm thầm trong lòng địch, đôi lúc vì quá cô đơn giữa kẻ thù, Hai Trung đã tự ý tìm đến gia đình cô, để được nói chuyện, được sống thật và được cân bằng lại chính mình".
Tám Thảo hay Mỹ Nhung: Cô là ai mà nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn dành trọn niềm tin đến như vậy?
Chuyện về cô khó có thể bắt đầu bằng hình ảnh nào khác ngoài một bức tranh về người con gái đẹp bước ra từ nhung lụa. Quê gốc Bắc Ninh, là con một gia đình tư sản giàu có ở Sài Gòn, ngay từ bé, Mỹ Nhung chẳng phải làm gì, chỉ biết học, chơi và xem tiểu thuyết.
Tiểu thư Mỹ Nhung khi còn ở Sài Gòn. |
Năm 1948, tiểu thư Mỹ Nhung theo gia đình rời Sài Gòn về Vĩnh Long kháng chiến. Khi ấy cô mới 16 tuổi, chưa từng biết nấu nướng, chỉ mê sách, điện ảnh và hoa. Thế nên trong hành trang chiến đấu, vũ khí của cô chỉ là... tiểu thuyết. Hàng ngày, cô bé Nhung được tận mắt chứng kiến cảnh các chị bên hội phụ nữ đi rải truyền đơn.
Trước mỗi lần “xuất trận”, các chị đều kín đáo đặt truyền đơn lên một góc xe hơi, đợi đến khi xe nổ bánh, gió thổi bạt lại làm tung tròn những lá truyền đơn lên không trung rồi rụng xuống lả tả. Cô nhìn mà cứ mê đi.
Không được đi rải truyền đơn vì còn "con nít", song Mỹ Nhung vẫn không chịu lùi bước. Nhân lúc có người chèo đò ngang sông, cô liều nhảy xuống xin quá giang để được đi “chiến đấu”. Mãi rồi cũng lần mò được ra chiến khu, cô tiếp tục tự đi tìm tổ chức.
Tại đây, cô xin được một công việc rất vinh quang của tuổi 16. Đó là hằng ngày, bé Mỹ Nhung phải tập... dậy sớm và học bơi xuồng. Được cách mạng chấp nhận, cô tiểu thư vốn quen được chiều chuộng gật đầu ngay. Thế là từ đó, cứ sáng sớm, cô lại đẩy xuồng ra giữa dòng sông, tập bơi, tập lái.
Nhưng với cô, chèo xuồng khó đến độ cô toàn lóng ngóng để nước tràn vào trong. Dưới ánh nắng lung linh, xuồng của cô cứ quay tròn trên mặt nước. Chẳng biết làm sao, cô đành ghé tạm bên những bụm hoa trôi, vừa để neo xuồng tát nước, vừa tranh thủ... hái hoa rồi chất đầy lên khắp xuồng.
Đến khi biết chèo rồi, cô nhận thêm nhiệm vụ đưa cán bộ qua sông. Cứ mỗi khi nghe tiếng gọi “Mỹ ơi” (tên gọi thời ở chiến khu), cô lại tất bật đẩy xuồng ra giữa dòng đón cán bộ. Ở đây, cô đã gặp một con người mà đến tận bây giờ, cuộc đời của ông vẫn là kho bí mật chưa được tiết lộ đầy đủ.
“Cuộc đời tôi có nhiều cái may mắn, thuở bé đã được gặp một trong những anh hùng tình báo vĩ đại nhất Việt Nam, lớn hơn thì làm đồng đội với chính họ: anh hùng Phạm Xuân Ẩn, anh hùng Tư Cang...”, Tám Thảo kể lại.
Những lần gặp gỡ của cô chỉ là khoảnh thời gian đưa người sang sông, nhưng đến tận bây giờ, khi chiến tranh đã qua thêm nửa cuộc đời nữa, ấn tượng của cô về người cán bộ đó vẫn còn nguyên vẹn.
“Buổi sáng đầu tiên đưa anh đi, nhìn anh cười, tôi tin anh ngay lập tức. Anh không đẹp, mắt lé, da ngăm ngăm, nhưng nụ cười của anh thì luôn nói với mọi người rằng, anh là người tốt”.
Thế rồi sáng nào cũng vậy, người đàn ông bí ẩn đó được cô bé Mỹ Nhung chở đi trên chiếc xuồng bé xíu chất đầy hoa. Đến khi chiều xuống, ông trở về, trên tay luôn là một bó hoa rừng nho nhỏ. Cô không biết ông đi đâu, làm gì, nhưng nhìn là biết chặng đường của ông đi hằng ngày rất dài, bởi khi cô được nhận hoa ông tặng thì lúc nào hoa cũng đã... héo rũ ra.
Nhận hoa, cả cô và ông cùng cười. Những bông hoa ấy sau này cứ ngát hương đi theo cô trong suốt hành trình bí mật. Nó giống như sợi dây nối thiêng liêng giữa những người đồng đội: họ thậm chí có thể tìm thấy nhau, nhận ra nhau chỉ ngay từ trong linh cảm.
Người đàn ông mắt lé, da ngăm, tướng mạo phong độ, thường xuyên không quên mang những bông hoa đã héo rũ từ rừng về tặng cho cô bé Mỹ Nhung chèo đò ngày đó, là Đại tá Phạm Ngọc Thảo.
Đại tá Phạm Ngọc Thảo, người được mệnh danh là "vua đảo chính" Sài Gòn. |
"Vua đảo chính"ở Sài Gòn
Phạm Ngọc Thảo (1922-1965) xuất thân từ một gia đình trí thức giàu có ở Vĩnh Long, theo đạo Công giáo toàn tòng. Thân sinh của ông là cụ Adrian Phạm Ngọc Thuần, một kỹ sư trắc địa và là một điền chủ giàu có nổi tiếng Nam bộ, mang quốc tịch Pháp. Anh chị em ông cũng có quốc tịch Pháp nên sang Pháp du học, đều trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư.
Dù học ở Pháp, dù là “dân Tây”, dù có cuộc sống giàu sang nhưng anh chị em Phạm Ngọc Thảo đều hướng về đất nước, đều khát khao giành độc lập cho Tổ quốc. Anh ruột ông, luật sư Gaston Phạm Ngọc Thuần tham gia Thanh Niên Tiền phong chống Pháp cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch từ năm 1943, sau đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và làm đến chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, sau năm 1954 tập kết ra Bắc, làm Đại sứ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại CHDC Đức.
Một người anh khác, ông Lucien Phạm Ngọc Hùng cũng từ Pháp về nước tham gia kháng chiến, sau này là Ủy viên Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Phạm Ngọc Thảo sinh ngày 14/2/1922, sau khi đỗ tú tài ở Sài Gòn, do Đại chiến thế giới 2 nổ ra, ông không sang Pháp mà ra Hà Nội học, tốt nghiệp bằng kỹ sư công chánh năm 1942 và về làm việc tại Sài Gòn từ năm 1943. Theo chân người anh, ông tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 ngay từ những ngày đầu và khi Pháp quay lại xâm chiếm Nam bộ, ông tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp, lên đường cầm súng đi kháng chiến.
Năm 1946, ông được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Sau khi tốt nghiệp khóa 1 trường này, ông lập tức trở về miền Nam chiến đấu và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của kháng chiến: Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó, Trưởng phòng Mật vụ Nam bộ (chức vụ tương đương Trung đoàn trưởng).
Cuộc đời ông chứa đựng nhiều bí ẩn, mà đến nay còn chưa được lộ sáng đầy đủ. |
Hiệp định Genève được ký kết, Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam với nhiệm vụ chiến lược là thâm nhập vào hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn để “phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước”.
Theo ông Võ Văn Kiệt, nhiệm vụ mà ông Lê Duẩn giao cho ông Thảo là tìm cách thâm nhập càng sâu càng tốt vào bộ máy chính quyền Sài Gòn và tùy cơ ứng biến. Ông Thảo không phải là một điệp viên, không có trách nhiệm báo cáo bất cứ chuyện gì với bất kỳ ai, khi có việc cần thiết có thể trao đổi với người lãnh đạo nào mà ông Thảo thấy đủ tin tưởng, nếu không thấy cần thiết thì không trao đổi. Ông Thảo hoạt động độc lập, tự do hành động, không bị bất cứ một chế định nào.
Sau khi "lật ngửa ván bài" không che giấu lai lịch từng tham gia kháng chiến của mình, Phạm Ngọc Thảo đường hoàng bước vào Phủ Tổng thống của chế độ Ngô Đình Diệm, sau lời giới thiệu của giám mục Ngô Đình Thục, nhưng quan trọng nhất là ông đã gây được sự chú ý mạnh của anh em Diệm - Nhu bằng loạt bài phân tích chiến lược quân sự “Thế nào là một quân đội mạnh?” (BK số 1-1957); “Đánh giặc mà không giết người” (BK số 2); “Góp ý kiến về thiên Mưu công trong binh pháp Tôn Tử” (BK số 3); “Một số ý kiến về lãnh đạo tinh thần một đơn vị quân đội” (BK số 4); “Vấn đề kinh tế tự túc trong quân đội” (BK số 5-6)…; “Lực lượng quân sự cơ động và lực lượng địa phương” (BK số 13); “Quân đội và nhân dân” (BK số 14); “Quân đội bình định đem lại bình an hay oán hận” (BK số 16); “Quan niệm về quân sự hiện đại” (BK số 17)... đăng tải trên tạp chí Bách khoa của ông Huỳnh Văn Lang làm chủ bút, thể hiện một tư duy thiên bẩm về chiến lược "quân đội quốc gia" và kiến thức uyên bác của một chỉ huy từng trực tiếp cầm quân du kích kháng Pháp.
Sau một thời gian làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (tỉnh Bến Tre ngày nay) để thực hiện chính sách "gần dân" của Tổng thống Diệm, bị cách mạng ám sát hụt vì bị cách mạng đánh giá "là tên tỉnh trưởng mỵ dân rất nguy hiểm, cần phải trừ khử", năm 1962, Phạm Ngọc Thảo lên đường sang Mỹ học một khóa quân sự cao cấp, sau đó được bổ nhiệm làm Thanh tra Ấp chiến lược, trực thuộc Phủ Tổng thống.
Trước khi Mỹ muốn gạt Diệm, dựng lên một chính quyền thân Mỹ nguy hiểm hơn, Phạm Ngọc Thảo cùng với Trần Kim Tuyến và Huỳnh Văn Lang đã lên một kế hoạch đảo chính với mục tiêu “cải sửa” chế độ nhằm vô hiệu hóa ý đồ của người Mỹ.
Theo kế hoạch này, lực lượng đảo chính sẽ vẫn giữ Ngô Đình Diệm làm tổng thống, chỉ buộc Ngô Đình Nhu ra nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch bị lộ, Trần Kim Tuyến bị đưa đi làm lãnh sự ở Ai Cập.
Ngày 1/11/1963, một nhóm tướng lĩnh quân đội VNCH được người Mỹ "bật đèn xanh" lật đổ nền Đệ nhất VNCH, anh em Diệm- Nhu chết thảm. Hội đồng quân nhân cách mạng do tướng Dương Văn Minh đứng đầu lên cầm quyền, 2 tháng sau thì bị Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm "chỉnh lý" lật đổ.
Năm 1964, khi đang ở Mỹ làm tùy viên văn hóa, quân sự (từ đầu tháng 10/1964), đến cuối năm, Nguyễn Khánh nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo nên triệu hồi ông, với ý định bắt ngay khi trở về, nhưng Đại tá Thảo đã khôn ngoan tránh được.
Ngày 19/2/1965, tại Sài Gòn, Phạm Ngọc Thảo móc nối với tướng Lâm Văn Phát và một số tướng lĩnh tổ chức đảo chính, lực lượng là cả một sư đoàn. Chỉ trong 24h, lực lượng đảo chính đã chiếm Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô (trại Lê Văn Duyệt), Đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, Nguyễn Khánh đã được Nguyễn Cao Kỳ cứu thoát. Đàm phán không xong với Nguyễn Cao Kỳ, cuộc đảo chính thất bại. Khánh cũng bị Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ lật cờ, đưa ra nước ngoài làm đại sứ lưu động.
Hội đồng tướng lĩnh của nhóm Thiệu - Kỳ đến tháng 6/1965 lật đổ chính phủ dân sự, mở tòa án binh kết án tử hình vắng mặt Phạm Ngọc Thảo, trao giải thưởng 3 triệu đồng (tiền Sài Gòn) cho ai bắt được ông.
Được lệnh rút ra căn cứ, nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn thuyết phục được ông Võ Văn Kiệt đồng ý để ông ở lại, chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc đảo chính tiếp theo, nhằm ngăn chặn chính quyền Thiệu - Kỳ mở đường để người Mỹ đưa quân can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam, leo thang chiến tranh.
Bị truy bắt gắt gao, Phạm Ngọc Thảo vẫn ở lại Sài Gòn, được các giám mục, linh mục, giáo dân Công giáo cùng nhiều bạn bè trong và ngoài quân đội giúp đỡ, bảo vệ, cho xuất bản tờ "Việt Tiến" để tập hợp lực lượng. Nguyễn Văn Thiệu nhận thấy mối đe dọa an nguy thường trực từ Phạm Ngọc Thảo, quyết tâm trừ khử để diệt hậu họa.
Ông bị an ninh chính quyền Sài Gòn bắt, đem đi thủ tiêu vào ngày 15/7 nhưng chỉ bị thương nặng, được các linh mục và nữ tu đem về một tu viện chăm sóc. Sau đó, ông bị cơ quan an ninh quân đội VNCH bắt lại vào ngày 16/7/1965. Tại Bộ Tổng tham mưu, Nguyễn Ngọc Loan và thuộc hạ đã tra tấn, bóp hạ bộ ông cho đến chết ngay trong đêm hôm đó.
Nguyễn Ngọc Loan với phát súng bắn thẳng vào đầu tù binh Việt Cộng Nguyễn Văn Lém tại Sài Gòn năm 1968. Bức ảnh này đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới về hành vi tàn bạo khi đối xử với tù binh chiến tranh. |
Vị linh mục còn hay: “Tôi biết chắc những người có dụng ý loại trừ Thảo không muốn chuyện bắt bớ kéo dài, kéo theo nhiều chuyện lôi thôi. Bởi họ không thể không biết đại tá Phạm Ngọc Thảo rất được cảm tình và sự che chở của nhiều chức sắc cao cấp Công giáo. Nếu Phạm Ngọc Thảo bị giải về Sài Gòn, chờ ngày ra tòa lãnh án thì tất nhiên sẽ có nhiều tiếng nói can thiệp, nhiều áp lực ngay cả do phía tòa đại sứ Mỹ. Vì vậy biện pháp áp dụng là thủ tiêu ngay”.
Mãi những năm gần đây, khi trả lời về cái chết của Đại tá Phạm Ngọc Thảo với báo Thanh niên, ông Nguyễn Cao Kỳ mới xác nhận: “Tôi không biết ông Loan có giết ông Thảo hay không, nhưng mọi quyết định đều do ông Thiệu”.(*)
Cuộc đời của tình báo viên Phạm Ngọc Thảo kết thúc ở tuổi 43. Ông đã đi suốt chặng đường trọn vẹn đầy kỳ lạ của mình, một mình tung hoành giữa hang hùm với tài trí và sức thuyết phục đặc biệt.
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Ẩn nói về ông: "Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi... Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều".
Thiếu tướng Sáu Trí (Nguyễn Đức Trí), nguyên Thủ trưởng cơ quan tình báo Miền (J22) nhận định: “Trong lịch sử tình báo ta, câu chuyện ly kỳ như Phạm Ngọc Thảo là hãn hữu, nếu bỏ qua không nghiên cứu đến nơi đến chốn là thiếu trách nhiệm đối với công cuộc tích tụ kho tàng tình báo Việt Nam” .
"Đồng chí Phạm Ngọc Thảo là một cán bộ tình báo chiến lược, được Trung ương trực tiếp chỉ đạo đi sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu của địch. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí đã lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.
Đồng chí đã được truy phong quân hàm Đại tá và được công nhận liệt sĩ. Xét thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 30/8/1995, đồng chí được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân", tài liệu chính thức về cuộc đời như huyền thoại của Đại tá Phạm Ngọc Thảo ghi nhận.
(*) Trong bài viết có tham khảo tư liệu của các đồng nghiệp.