Số định danh cá nhân của công dân
Số định danh cá nhân lần đầu xuất hiện vào năm 2014, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đây cũng là số do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc, cấp riêng biệt cho từng cá nhân, không lặp lại ở cá nhân nào khác.
Mã số này bao gồm 12 số, có cấu trúc như sau: 3 số đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc quốc gia nơi cá nhân đăng ký khai sinh; 1 chữ số tiếp theo là mã giới tính cá nhân, mã giới tính này có quy ước riêng theo từng thế kỷ; 2 chữ số tiếp theo là 2 số cuối của năm sinh; 6 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên. Các mã số định danh cá nhân được bảo mật hoàn toàn.
Cụ thể, mã thế kỷ và mã giới tính trong số định danh cá nhân được quy ước như sau: Công dân sinh ở thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Đối với Nam là 0, nữ là 1. Công dân sinh ở thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Đối với Nam là 2, nữ là 3. Công dân sinh ở thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Đối với nam là 4, nữ là 5. Công dân sinh ở thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Đối với nam là 6, nữ là 7. Công dân sinh ở thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Đối với nam là 8, nữ là 9.
Ngày 1/1/2016, Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành, trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch, kết nối trên cả nước, đồng thời kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có trách nhiệm chuyển các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cá nhân. Sau khi cơ quan công an kiểm tra thông tin, cấp ngay số định danh cá nhân cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch để ghi vào trong Giấy khai sinh và trả cho công dân.
Quyết định 06 và nhiệm vụ đặt ra
Ứng dụng công nghệ thông tin là một nhu cầu thiết yếu trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trải qua một thời gian dài nhiều địa phương ngừng tiếp nhận hồ sơ hành chính trực tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ nói chung, Quyết định số 06/QĐ-TTg (về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”) có ý nghĩa quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu cao nhất của người dân và thực hiện quản lý nhà nước một cách hiệu quả.
Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ đã hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, các Bộ, ngành cần tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ 25 dịch vụ công thiết yếu theo hướng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Qua đó, để tự động điền thông tin, chia sẻ tài liệu đã số hóa hoặc kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan đơn vị khác theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Do yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải hoàn thành các dịch vụ công chậm nhất là Tháng 5/2022 nên các Bộ, ngành phải khẩn trương thực hiện nhiều nhiệm vụ. Cụ thể, Bộ TN&MT sớm phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ để tái cấu trúc quy trình, kết nối, tích hợp, xây dựng phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an, địa phương kết nối, chia sẻ và tích hợp với Hệ thống một cửa phục vụ cho tiếp nhận hồ sơ trực tiếp. Bộ Y tế chỉ đạo các Cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền trên toàn quốc cấp Giấy khám sức khỏe điện tử để thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đối với ngành Tư pháp, nhiều nội dung trong Đề án 06 liên quan, tác động trực tiếp đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử kết nối, chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay tại thời điểm cơ quan đăng ký hộ tịch đăng ký vào Sổ hộ tịch và lưu chính thức vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Thông tin hộ tịch của cá nhân được điều chỉnh, bổ sung trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được cập nhật, chia sẻ ngay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua chức năng tiện ích cung cấp trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung; là cơ sở để cập nhật cho các cơ sở dữ liệu khác khi có kết nối, chia sẻ để bảo đảm thông tin được thống nhất, đồng bộ, chính xác, hướng tới mỗi cá nhân có một bản ghi dữ liệu hộ tịch điện tử thống nhất và duy nhất trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tương ứng với số định danh cá nhân. Tất cả thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký hoặc có sự thay đổi, điều chỉnh đều được cập nhật, lưu vết vào bản ghi dữ liệu hộ tịch điện tử.
Bộ Tư pháp cũng ban hành Thông tư số 01/2022, theo đó, trong thời gian tới đây, người dân có thể yêu cầu giải quyết tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, được cấp bản điện tử các loại giấy tờ hộ tịch sau khi các địa phương hoàn tất số hóa Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc được vận hành thống nhất, kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để thực hiện được khá nhiều nhiệm vụ, yêu cầu phải hoàn thành kết nối giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh để tránh việc cán bộ công chức phải thực hiện thao tác 2 lần trên 2 hệ thống là một nhiệm vụ khá nặng nề, không chỉ đối với ngành tư pháp mà đối với cả các địa phương.
Bộ Tư pháp đã hướng dẫn địa phương đảm bảo dữ liệu hộ tịch được đăng ký đúng quy định; bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa dữ liệu hộ tịch đã đăng ký với dữ liệu về dân cư theo nhiệm vụ được giao… Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều địa phương đang lúng túng, mới chỉ thành lập Tổ công tác triển khai Đề án, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan việc triển khai định danh và xác lập điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của cá nhân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID bên cạnh cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tại các cơ quan đăng ký hộ tịch địa phương chưa đảm bảo.
Theo các ý kiến, những vấn đề này cần được cải thiện trong thời gian sớm nhất.
14 dịch vụ công hoàn thành trong tháng 3/2022
- Bộ Tư pháp: 3 dịch vụ công (Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký khai tử).
- Bộ Công an: 11 dịch vụ công (Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú…).
11 dịch vụ công phải hoàn thành trong Tháng 5/2022
- Văn phòng Chính phủ: Tái cấu trúc quy trình đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông.
- BHXH: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
- Bộ Tài chính: Đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân.
- Bộ TN&MT: Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin người được cấp Giấy chứng nhận.
- Bộ GTVT: Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
- Bộ Tư pháp: Cấp phiếu lý lịch tư pháp.
- Bộ GD-ĐT: Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển Đại học, cao đẳng.
- Bộ LĐ-TB&XH: Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.