Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động tổ chức THPL, gắn tổ chức THPL với kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII và Hiến pháp năm 2013.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Nội vụ Lê Trọng Vinh, công tác tổ chức THPL còn đặc biệt khó khăn trong khâu phối hợp; nhiều cơ quan không tham gia hoặc chỉ tham gia mang tính hình thức. Do vậy, cần tiến hành tổng kết, đánh giá thực trạng THPL thời gian qua thì mới đổi mới được, trong đó cũng cần tập trung làm rõ đổi mới những nội dung gì.
Còn đại diện của Văn phòng Chính phủ cho rằng, hiện nay chúng ta xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật nhưng chưa chú trọng tới việc thi hành. Trong bối cảnh đó, nếu không tổng kết, đánh giá thực tiễn thì Đề án khó đảm bảo tính khả thi.
Bày tỏ đồng tình, đại diện của Vụ Pháp chế, TANDTC cũng cho rằng cần đánh giá thực trạng công tác tổ chức THPL trong 5 năm qua, đồng thời gắn công tác này với việc quản lý nhà nước về THPL để có cái nhìn tổng thể. Ngoài ra, các bộ, ngành có thể thành lập các tiểu ban phụ trách công tác THPL, chịu sự quản lý của Bộ Tư pháp để tăng cường trách nhiệm, bảo đảm thực chất chứ không chỉ đơn thuần là phối hợp mang tính hình thức.
Theo dự kiến, đối tượng áp dụng của Đề án là các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện công tác tổ chức THPL. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng đây là Đề án nhằm tạo bước đệm tiến tới việc nghiên cứu xây dựng Luật về THPL nói chung nên cần mở rộng đối tượng, trong đó tập trung chủ yếu vào khối cơ quan hành pháp song cũng không thể bỏ qua các cơ quan lập pháp, tư pháp.
Về vấn đề này, đại diện VKSNDTC và Bộ Công an đồng tình chỉ nên giới hạn trong phạm vi các cơ quan nhà nước, có thể xuống tận cơ quan ở địa phương để đảm bảo tính khả thi. Mỗi đối tượng cần xem xét kỹ lưỡng có những yếu tố nào chi phối đến hiệu quả THPL như nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ chế phối hợp, giám sát, kiểm tra, thanh tra... Cùng với đó, phải cụ thể hóa mục tiêu và kết quả đầu ra của Đề án như sẽ góp phần thay đổi cơ cấu gì trong cơ quan hành pháp hoặc ra được văn bản luật nào mới không để đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức THPL?
Góp ý thêm một số định hướng cho Đề án, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nêu lên thực trạng còn tồn tại nhiều lỗ hổng trong cơ chế đánh giá hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước trong tổ chức THPL khi mới chỉ tập trung đánh giá nội bộ, tiêu chí chưa rõ ràng, còn tồn tại quan hệ lợi ích giữa cơ quan đánh giá và cơ quan chịu đánh giá. Do đó, Đề án cần chú trọng tới vấn đề kỷ cương, kỷ luật, tập trung lý giải tại sao còn thiếu các động lực để tổ chức THPL được nghiêm minh.
Trăn trở trước thực tế để đảm bảo cho pháp luật được thi hành hiệu quả, không ít các quyết định của UBND tỉnh đã “xé rào” các quy định của Thông tư, Nghị định, Luật, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Hoàng Xuân Hoan kiến nghị cần tạo cơ chế phản hồi và tổng hợp phản hồi một cách kịp thời trong THPL để sửa đổi những bất cập, lúng túng, đảm bảo các quy định phù hợp với cuộc sống.
Khẳng định việc xây dựng Đề án là một nhiệm vụ quan trọng, nhiều thách thức, khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu cần xác định rõ chuẩn mực trong tổ chức THPL cũng như cụ thể hoá mục tiêu, kết quả đầu ra của Đề án để các bộ, ngành áp dụng thống nhất, tránh chồng chéo. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay thì công tác tổ chức THPL phải hết sức thận trọng, phù hợp với bối cảnh, cân nhắc kỹ lưỡng để không tạo ra sự khác biệt với pháp luật quốc tế.