Vụ kiện đất kéo dài 7 năm nhưng chưa xử nổi, còn vì kiểu làm việc tắc trách của một số cơ quan chức năng địa phương. Cơ quan đất đai cho rằng không cung cấp được bản đồ cũ, nhưng chứng cứ do nguyên đơn tự thu thập lại không được chấp nhận.
Bị đơn nại ra những “chứng cứ” vô lý
Ông Vân cho hay, trước khi chia đất cho các con, cha vợ ông đã cẩn thận xếp đá thành hàng để làm ranh giới.
Đến nay, theo hồ sơ và quan sát thực tế thì tại phần đất tranh chấp, hàng đá không còn nữa. Còn từ vị trí tranh chấp ra đến cuối ranh đất, vẫn còn hàng đá hiện diện. Ai là người thay đổi hiện trạng khiến xảy ra tranh chấp?
Theo ông Vân, chính bà Tỵ là người phá bỏ hàng rào đá. Việc tháo dỡ này bà Tỵ thực hiện trước khi vụ tranh chấp diễn ra. Khi làm nhà, bà Tỵ không xây song song với ranh đất mà hơi xéo, phần trước nhà chếch về hướng nhà ông. Trụ hiên nhà bà Tỵ nằm trên ranh đất. Sau đó, bà Tỵ làm sân xi măng thẳng hướng với ngôi nhà nên lấn sang đất nhà ông và chính thời điểm này bà Tỵ phá dỡ ranh giới là hàng đá.
Người làm chứng Văn Ngọc Diễm xác định vào khoảng năm 2006 - 2008, thấy bà Tỵ thuê người dỡ ranh giới là hàng đá để xây sân xi măng.
Theo ông Vân, trước khi hàng đá bị phá bỏ, ông có xây dựng bể nước sát ranh. Tuy nhiên, bà Tỵ lại cho rằng bể nước đó xây lấn sang nhà bà và “khi xây bể nước, em gái tôi (tức vợ ông Vân, đã qua đời - PV) xin xây lấn ranh sang”.
Ông Vân phản bác: “Bà Tỵ nói như vậy là rất vô lý, vì diện tích đất nhà tôi còn nhiều, bể nước chỉ có chừng 4m2 thì sao tôi lại phải xin xây lấn sang đất nhà bà Tỵ?”.
Lời khai của ông Vân về việc xây dựng bể nước sát ranh đất, không có chuyện lấn sang đất bà Tỵ được ông Vi Lượng làm chứng. Ông Lượng là người xây dựng bể nước cho nhà ông Vân.
Tại sao không cung cấp bản đồ địa chính?
Vụ kiện này còn bị “cù nhầy” kéo dài vì lý do cơ quan chức năng cho rằng không có bản đồ địa chính cũ để so sánh. Trên thực tế, ranh đất đã bị phá hủy, đất của hai bên đều có sự thay đổi về diện tích so với “sổ đỏ” được cấp năm 1997. Trong khi căn cứ để giải quyết vụ án này phụ thuộc rất lớn vào bản đồ địa chính các thời kỳ.
Sau khi đo vẽ thực tế đất hai bên, tòa đã yêu cầu cung cấp bản đồ địa chính thửa 233 (của ông Vân) và 234 (của bà Tỵ) được lập năm 1996 và được cập nhật, chỉnh lý biến động vào năm 2006. Việc này nhằm áp thửa, so sánh sự chênh lệch về chiều ngang, chiều dài của hai phần đất, từ đó có thể làm căn cứ để biết rõ phần đất 23m2 đang tranh chấp là của ai. Nhưng Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) tỉnh Đồng Nai – Chi nhánh Long Khánh “không cung cấp được bản đồ nêu trên”.
Ông Vân cho rằng có bản đồ địa chính năm 1996 và được cập nhật, chỉnh lý biến động năm 2006 nhưng không hiểu tại sao VPĐKQSDĐ Chi nhánh Long Khánh không cung cấp. Bằng chứng ông Vân đưa ra là vào ngày 27/6/2013, khi mới bắt đầu khởi kiện, ông có yêu cầu trích lục bản đồ này và được cung cấp. Trích lục này do ông Bùi Anh Tài, PGĐ VPĐKQSDĐ Chi nhánh Long Khánh ký.
Theo trích lục bản đồ năm 1996 do ông Vân thu thập thì phần 23m2 nằm hoàn toàn trên đất của ông Vân |
Trích lục này cho thấy đất của ông Vân có chiều ngang mặt tiền 20,3m. Nhưng khi vụ tranh chấp xảy ra thì đo đạc thực tế lại chỉ còn 18,8m. Nghĩa là ông Vân bị mất 1,5m ngang mặt tiền. Còn đất bà Tỵ có sự tăng thêm về chiều ngang. Thế nhưng, chứng cứ do ông Vân tự thu thập này lại không được cơ quan tố tụng chấp nhận.
Một chứng cứ thực tế khác cho thấy, nếu lấy ranh đất là hàng đá còn lại kéo thẳng hàng đến phần tranh chấp thì sẽ tạo thành một đường thẳng, phần tranh chấp nằm hoàn toàn phía đất nhà ông Vân. Ranh giới thẳng này phù hợp với ranh được vẽ theo trích lục bản đồ ông Vân thu thập được.
Vì sao VPĐKQSDĐ Chi nhánh Long Khánh lại “không cung cấp được” trích lục bản đồ? Đây là chuyện vô lý, vì thậm chí nếu sơ suất đến mức không lưu trữ thì cơ quan này và tòa án còn có quyền hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường, hay UBND cấp xã… PLVN sẽ tiếp tục phản ánh những khuất tất trong sự việc này.
Những bất thường ở hai cấp tòa trong xử lý vụ án:
Theo quy định tại Điều 286 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thời hạn đưa vụ án ra xử phúc thẩm là 2 tháng. Ngày 29/11/2018, Thẩm phán Trương Thị Thùy Trang ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 82/2108/QĐ-TCTS. Nguyên đơn ngay lập tức kháng cáo.
Tuy nhiên, không hiểu tại sao, hơn 1 năm sau, ngày 10/2/2020, các đương sự bất ngờ nhận được thông báo thụ lý lại vụ án từ TAND TP Long Khánh. Các đương sự không hiểu tại sao vụ án lại được thụ lý lại.
Căn cứ khoản 8 Điều 9 Quyết định 120/QĐ –TANDTC năm 2017 của TAND Tối cao về ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND thì thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị khi “Ra 01 quyết định tạm đình chỉ xét xử, giải quyết vụ, việc không có căn cứ theo quy định pháp luật”.
Được biết, sau 6 tháng đình chỉ vụ kiện của ông Vân sau khi kéo dài 6 năm, thì vào tháng 6/2019, bà Trang được bổ nhiệm, điều động về giữ chức vụ Chánh án TAND huyện Cẩm Mỹ.
Việc đưa vụ án ra xét xử không đúng hạn là do vụ án phức tạp hay vì lý do gì khác? Nếu vụ án được đưa ra xử đúng hạn và Quyết định đình chỉ vụ án của Thẩm phán Trương Thị Thùy Trang bị hủy thì Thẩm phán Trang liệu có bị kỷ luật gì hay không? Câu hỏi trên, PV sẽ liên hệ đến TAND tỉnh Đồng Nai để làm rõ.