PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Đắc bên lề Hội thảo chia sẻ kết quả sau 5 năm thực hiện Luật NCT (do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam) tổ chức ở Hà Nội mới đây.
Luật Người cao tuổi ra đời đã có những tác động gì, thưa ông?
- Luật NCT đi vào cuộc sống đã làm thay đổi đáng kể đời sống của người già trên cả nước.
Theo thống kê, hàng năm có từ 1-1,1 triệu người lớn tuổi được tổ chức mừng thọ, chúc thọ. Bên cạnh đó hoạt động chúc thọ cũng đa dạng hơn như chúc mừng những cụ ông, cụ bà đạt tiêu chuẩn 50 năm, 55 năm, 60 năm chung sống hạnh phúc.
Tiếp đó phải kể đến hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT được cải thiện mạnh. Đặc biệt chương trình “Mắt sáng cho NCT” do TW Hội Người cao tuổi thực hiện trong 3 năm từ 2011-2014 đã khám, tư vấn cho hơn 2,7 triệu người, có hơn 300 ngàn người được chữa các bệnh về mắt.Về đời sống tinh thần, hiện cả nước có hơn 7000 Câu lạc bộ (CLB) về NCT với hơn 3 triệu thành viên tham gia đã tạo môi trường mới cho người già.
Mức trợ cấp cho người cao tuổi hiện được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận hiện nay chế độ trợ cấp cho người già còn thấp. Mức trợ cấp cơ bản cho NCT hiện nay là 270 ngàn đồng/người/tháng; trường hợp NCT thuộc diện hộ nghèo được trợ cấp 360 ngàn đồng. Theo mức chuẩn thì mỗi người một ngày được trợ cấp 9 ngàn đồng, chưa đủ để mua một ổ bánh mì thịt.
Như vậy, theo ông, nên tăng mức trợ cấp này?
- NCT sẵn sàng chia sẻ với Chính phủ, xã hội về mức trợ cấp trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn. Điều mà chúng tôi trăn trở nhất đó là quy định từ 80 tuổi mới được hưởng trợ cấp xã hội với NCT. Tiêu chuẩn 80 tuổi, theo chúng tôi, là quá cao.
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch TW Hội NCT Việt Nam. |
Quy định như hiện nay, theo ông, còn gây khó khăn gì cho người già?
- Hiện phần lớn người trong độ tuổi từ 70 - 80 từng tham gia kháng chiến, phục vụ cách mạng nên không có thời gian tích lũy tiền bạc, chuẩn bị cuộc sống về già. Thực tế rất nhiều người trong độ tuổi này có bệnh nhưng không dám đi khám vì thiếu kinh phí. Họ không có điều kiện tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội cơ bản nhất.
Vậy TW Hội NCT đã làm gì trước thực tế này, thưa ông?
- Chúng tôi đã có nhiều văn bản đề nghị sửa đổi độ tuổi người được hưởng trợ cấp NCT xuống mức từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi.
Trở lại vấn đề Luật NCT, xin ông cho biết đạo luật này được xã hội tuân thủ như thế nào?
- Luật NCT đã đi vào cuộc sống, có những đóng góp tích cực nhưng chưa đồng bộ. Nhiều cơ quan ban ngành chưa thực hiện luật này.
Nhiều dịch vụ công chưa thực hiện các quy định miễn, giảm vé đối với NCT như luật định. Ví dụ ở một số điểm tham quan, di tích lịch sử không hề giảm vé với NCT. Cụ thể nữa là trong lĩnh vực vận tải gồm tàu hỏa, tàu thủy, hàng không chở khách. Đến nay chỉ có hãng hàng không quốc gia thực hiện chế độ với NCT song cũng chưa trọn vẹn. Người già phải đến mua vé trực tiếp chứ chưa mua được qua hệ thống đại lý. Còn các hãng hàng không khác chưa thực hiện chế độ vận chuyển với người già.
Phần lớn người già đi lại bằng đường bộ (ô tô khách là chính). Trong khi đó phần lớn đơn vị kinh doanh ô tô khách là tư nhân và họ chưa thực hiện chế độ miễn giảm giá vé với NCT.
Theo ông, nên có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này?
- Chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nên theo dõi xem các tổ chức tư nhân tham gia dịch vụ công nếu miễn giảm giá vé cho NCT thì thâm hụt doanh thu bao nhiêu để có mức hỗ trợ. Đây là cách để vận động xã hội thực thi Luật NCT nghiêm túc.
Việt Nam hiện là nước có tốc độ dân số già hóa nhanh, theo dự báo đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 20 triệu NCT. Khi đó nếu chỉ dựa vào dịch vụ công thì rất khó đáp ứng mục tiêu chăm sóc NCT. Do đó cần khuyến khích xã hội hóa trong công tác chăm sóc NCT.
“Hiện nay quy định về miễn giảm phí giao thông, cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí, xếp chỗ ngồi khi sử dụng các phương tiện công cộng đối với NCT đã có. Nhưng chưa mang tính thực thi cao do thiếu chế tài hoặc các biện pháp khuyến khích, cơ chế kiểm tra”, TS Ngọc nhấn mạnh.
Xin cảm ơn ông!