Trí tuệ là thứ quà tặng ý nghĩa nhất
Sau mấy chục năm đứng trên bục giảng của 11 trường Đại học hàng đầu Việt Nam và thuyết trình 1.400 cuộc cho hơn 700 trường học, cơ quan, đoàn thể doanh nghiệp. Nhưng giờ đây, Tiến sỹ mỹ học Thế Hùng bằng sự nhiệt huyết của mình với đời, với người mà ông quyết định sẽ đưa vốn kiến thức mình đã “chắt bóp” được trong suốt quãng đời tuổi trẻ của mình đến gần hơn với nhiều người, đến sâu hơn với mọi tầng lớp xã hội, đến cả từng ngóc ngách, ngõ phố trên mọi miền đất nước.
12 chuyên đề về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử giao tiếp, 12 đứa con tinh thần của ông sẽ được ông đào tạo, giảng dạy và thuyết trình hoàn toàn không chút thù lao.
Nhiều người bảo ông là “điên” khi sẵn sàng đi khắp mọi nơi để nói cho mọi người nghe 1000 buổi thuyết trình, nhưng ông không gọi đó là cho mà với ông đó là “sẻ chia trí tuệ”.
Khi được hỏi lý do nào đã đưa ông đến với ý tưởng này, ông lại hoàn toàn nhã nhặn, khiêm tốn không hề giống vẻ bề ngoài phóng khoáng, phong lưu của mình. “Khi đã để dành cho mình chút “lương khô” để sống khi về già, thì tôi sẻ chia. Đơn giản chỉ có vậy”. Tiến sỹ Hùng trả lời.
Ông tâm niệm, có 4 món quà quý nhất: nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ thảo (cây cảnh). Và tặng trí tuệ là thứ quà tặng ý nghĩa nhất. Hơn nữa, kỹ năng mềm là một trong hai ngăn ba lô hành trình để người Việt Nam tiến ra thế giới trong kỷ nguyên số. Cuộc đời mỗi một con người thành công thì có 20% thuộc về kỹ năng cứng, và 80% thuộc về kỹ năng mềm.
Và với 1000 cuộc thuyết trình kỹ năng mềm của mình, Tiến sỹ mỹ học Thế Hùng chỉ mong muốn: “Tôi không có tiền để cho các bạn, tôi chỉ có thể mang trí tuệ đến cho các bạn, và chỉ cần các bạn hãy nhận lấy trí tuệ của tôi. Để tâm nguyện của tôi được vẹn thành, để các bạn — thế hệ trẻ tương lai được hoàn thiện hơn về kỹ năng sống thì ắt hẳn các bạn sẽ thành công. Có thể hôm nay tôi không nhận được thành quả từ sự cống hiến của mình, nhưng chắc chắn sau này con cháu tôi sẽ nhận được. Đó nghĩa là tôi đã cho đi và tôi sẽ được”.
Chỉ số IQ và thu nhập của người Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động đỏ
Trong 12 kỹ năng mềm mà TS Thế Hùng giảng dạy, kỹ năng mà ông muốn được nói nhiều nhất, muốn có nhiều người nghe nhất thì đó chính là kỹ năng “Tương lai con trong tay bạn (Nghệ thuật dạy con thành tài)”.
Bởi theo ông, hiện nay chỉ số IQ và thu nhập của người Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động đỏ. Chỉ số IQ của Việt Nam chỉ có 94, trong khi đó nhân loại là 100, Do Thái là 110… vì thế cho nên người Việt Nam mới có thu nhập “cực kì” thấp.
Chính vì lẽ đó, mà ông muốn “góp” chút trí tuệ của mình để mang tới cho thế hệ trẻ tương lai sự nghiệp thành công hơn, chất lượng sống được nâng cao hơn.
Nghe thì có vẻ xa vời, nhưng nếu bằng cách chỉ cho các bố mẹ của thế hệ trẻ hiện nay nhận họ đang sai ở đâu trong cách nuôi dưỡng những chủ nhân tương lai của đất nước thì “không gì là không thể”.
Chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng, trẻ con lớn rồi mới dạy nhưng một giáo sư ở Mỹ đã nói rằng: “Từ 0 — 6 tuổi dạy là tốt nhất”. Nhưng bố mẹ Việt Nam thì sao? Họ dạy con khi con bắt đầu lớn, khi bắt đầu “bắt buộc” phải đi vào khuôn khổ.
Chúng ta đi ngược lại với những gì cần phải làm, đó là một sai lầm không nên có, và không được phép tồn tại trong tư tưởng mỗi người Việt nữa. Đồng thời, ông cũng chỉ ra điểm yếu của các bố mẹ Việt đó là không quan tâm đến chỉ số AQ ( chỉ số vượt khó) của con mình.
Ở các nước khác như Do Thái, bố mẹ làm quân sư cho con, còn ở Việt Nam bố mẹ lại tự cho mình cái chức vụ làm trợ lý cho con. TS Thế Hùng ví von: “Công thức của chúng ta là 4 — 2 — 1, nghĩa hai ông bà nội ngoại, hai bố mẹ xoay xung quanh chỉ để chăm sóc một đứa bé. Chính vì thế khi ra đời, đứa trẻ đó khó mà cứng cáp, khó mà tồn tại được”.
Ông cũng nhấn mạnh, IQ chỉ chiếm 20% thôi, AQ thì chiếm 80%. Nhưng liệu người Việt Nam có dạy con mình chịu khó không?”. Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ mà ông muốn tự các bố mẹ Việt trả lời.
Cuối cùng, TS mỹ học Thế Hùng giãi bày tâm tư của mình trước khi “xông” vào “trận chiến” đi khắp dải đất hình chữ S để lan tỏa kiến thức về kỹ năng mềm. Với ông, không đơn giản nó chỉ một hành trình từ thiện tri thức nữa. Mà là tâm huyết, là ruột gan ông đang “cháy” cùng với những lỗ hổng kiến thức về kỹ năng mềm của người Việt nên ông mới quyết định đứng lên và nói.
Ông sẵn sàng cho đi công sức của mình để đổi những điều tốt đẹp cho cuộc đời này, nhất là cho thế hệ trẻ, thế hệ “cầm cương” để đưa đất nước Việt Nam đến gần với văn hóa của năm châu.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu