So với các hãng cùng chế biến Đông trùng Hạ thảo như Đồng Nhân Đường, Hồ Khánh Dư Đường thì Thanh Hải Xuân Thiên không nổi tiếng hay uy tín lâu năm như các hãng dược đã có lịch sử trăm năm ấy, “thậm chí có phải là Trùng Thảo hay không cũng không biết được bằng mắt thường”, không thông qua quảng cáo để nhấn điểm mạnh để bán thì làm thế nào để thị trường chấp nhận?”
Lật tẩy chiêu trò quảng cáo “ngậm ăn”
Một nhà đầu tư vào Thanh Hải Xuân Thiên lại cho rằng: “Quan niệm, thủ đoạn kinh doanh của Thanh Hải Xuân Thiên đều nhằm đến nhu cầu và quan niệm của khách hàng. Anh có thể gọi đó là “quảng cáo tẩy não”, cũng có thể nói là văn hóa doanh nghiệp và quan niệm kinh doanh. Giống như LV, Hermès, “Cực Thảo” thực hiện gia tăng giá trị để thành công”.
Chi phí quảng cáo khủng đem lại thành tựu doanh thu bom tấn, làm nên chuyện thần thoại 3 năm lãi ròng tăng trưởng gấp 30 lần. Báo cáo tài chính cho thấy: Lãi ròng của Thanh Hải Xuân Thiên năm 2011 là 11.596.100 tệ, năm 2014 là 366 triệu (tăng 3.055,72%), thu nhập cũng từ 322 triệu tăng lên 2 tỷ 63 triệu (tăng 541,14%). Báo Tề Lỗ chứng khoán cho rằng sự tăng trưởng đó chủ yếu là nhờ vào quảng cáo: chi phí quảng cáo từ 65,56 triệu năm 2011 tăng lên 328 triệu năm 2014, đặc biệt là không tiếc tiền đổ vào thời gian vàng quảng cáo trong chương trình Thời sự buổi tối của CCTV.
Nội dung quảng cáo của Thanh Hải Xuân Thiên cũng bị xã hội nghi ngờ, ví dụ “kỹ thuật nghiền siêu mịn đã khiến Đông trùng Hạ thảo giúp nâng hiệu quả lên gấp 7 lần”. Vì điều này mà “tổng công trình sư” thiết kế nên sản phẩm “Cực Thảo” Trương Tuyết Phong đã được nhận 2 bằng sáng chế về kỹ thuật nghiền siêu mịn và kỹ thuật ép viên thuần bột. Tuy nhiên, nhiều nhân sĩ trong giới bào chế dược cho biết:
Kỹ thuật ép viên thuần bột đã áp dụng từ lâu trong gia công thực phẩm và thực phẩm chức năng, “tức là xay vụn rồi nghiền ép Đông trùng Hạ thảo thành viên thuốc, chả có gì là cao siêu ở đó”. Cuối năm 2014, chuyên gia chống hàng giả nổi tiếng Vương Hải đã tố giác sản phẩm viên “Cực Thảo 5X” của Thanh Hải Xuân Thiên với cơ quan quản lý dược phẩm và công thương các địa phương Bắc Kinh, Thanh Hải về việc hát minh đã giải quyết được vấn đề kỹ thuật là cung cấp loại bột siêu mịn để làm viên thuốc chỉ thuần bột Đông trùng Hạ thảo, không có thêm bất cứ phụ gia tá dược nào. Trước đó, Đông trùng Hạ thảo đều phải cho thêm tá dược để cải thiện bột, cao...”.
Ngoài vấn đề kỹ thuật, “Tổng công trình sư của “Cực Thảo” Trương Tuyết Phong cũng bị báo chí nghi ngờ. Trên trang web của “Cực Thảo” có giới thiệu ông ta được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, nhưng có báo cho biết đơn vị trao giải cũng như tình huống trao giải đều “có vấn đề”. Tư liệu công khai về ông Phong không nêu bất cứ chi tiết gì về nghiên cứu dược phẩm, chỉ thấy ghi từng giữ các chức giám đốc, chủ tịch HĐQT Cty hoặc chủ nhiệm văn phòng luật ở Tứ Xuyên.
Đại diện phía Thanh Hải Xuân Thiên giải thích:" Sáng chế của Trương Tuyết Phong là về công nghệ gia công vật lý chứ không phải là về dược lý, không cần thiết phải có bối cảnh mạnh mẽ về dược học". Theo ông, Trương Tuyết Phong là nhân vật kiểu “người thợ chăm chỉ”, chuyên chú tâm vào bản thân sản phẩm.
Trương Tuyết Phong - cha đẻ của Cực Thảo |
Còn trong con mắt của các hãng kinh doanh trực thuộc Thanh Hải Xuân Thiên, Trương Tuyết Phong là một nhân vật “Bí ẩn và lợi hại”. Một đại lý kinh doanh “Cực Thảo” ở Bắc Kinh nói: Trương Tuyết Phong đã đi thị sát nhiều tỉnh, thành và tổ chức hội nghị các đại lý kinh doanh ở Tổng bộ kinh doanh Thành Đô. Tại đó, thông qua các hình thức truyền hình trực tuyến, PPT, triển lãm…ông ta đã tạo nên hình ảnh của mình là “nhà khoa học cao cấp có triển vọng được nhận giải Nobel”. Trên trang web của Thanh Hải Xuân Thiên có nhiều bức hình chụp chân dung, ảnh ông tháp tùng các lãnh đạo tỉnh và ảnh ông cùng các nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước.
Trên có chính sách, dưới có đối sách
Khi mới thành lập, Thanh Hải Xuân Thiên được chính quyền tỉnh Thanh Hải ủng hộ mạnh mẽ. Tháng 1/2009, bột nguyên chất và viên nguyên chất “Cực Thảo” chính thức xuất hiện trên thị trường với tư cách “thực phẩm”. Năm 2010, CFDA tổ chức hội thảo nghiên cứu, kết luận Đông trùng Hạ thảo là loại sinh vật “nguy cơ tuyệt diệt cấp 2”, không thể là thực phẩm. Ngày 7/12/2010, Tổng cục Kiểm định chất lượng quốc gia ra “Thông tri về việc Đông trùng Hạ thảo không được coi là nguyên liệu thực phẩm”. Cùng ngày, Cục Giám sát thực phẩm, dược phẩm tỉnh Thanh Hải lại ra “Quy phạm bào chế viên ngậm Đông trùng Hạ thảo tỉnh Thanh Hải”, biến “Cực Thảo” từ “thực phẩm” thành “viên ngậm Trung dược” –một chính sách ưu ái kiểu “đo ni đóng giày”.
Quảng cáo Cực Thảo ngậm ăn. |
Thần thoại tiêu thụ “Cực Thảo” bắt đầu từ đó. Theo số liệu do Thanh Hải Xuân Thiên công bố: Năm 2010, “Cực Thảo” tiêu thụ đạt 160 triệu tệ, năm 2011 đạt 1,2 tỷ, năm 2012 vọt lên 5 tỷ. Văn bản “Báo báo nghiên cứu thị trường Đông trùng Hạ thảo Trung Quốc 2009-2013” do Sở nghiên cứu kinh tế y dược Nam Phương công bố cho thấy: Thanh Hải Xuân Thiên đứng đầu, chiếm hơn 50% thị trường gia công chế biến Đông trùng Hạ thảo toàn quốc.
Tháng 6/2012, CFDA ra văn bản đình chỉ tư cách “viên ngậm Trung dược” và yêu cầu tỉnh Thanh Hải đính chính văn bản “Quy phạm…” nêu trên nhưng trên thực tế, mãi đến ngày 28/7/2014 Thanh Hải mới ra thông báo bãi bỏ.
Tháng 8/2012, CFDA coi Đông trùng Hạ thảo thuộc phạm trù “bảo kiện phẩm” (thực phẩm chức năng) và ban hành “Thông tri về phương án thí điểm sử dụng Đông trùng Hạ thảo làm thực phẩm bảo kiện”, cho phép 5 công ty có doanh thu về Đông trùng Hạ thảo đạt trên 1 tỷ tệ, trong đó có Thanh Hải Xuân Thiên được thí điểm trong 5 năm. “Cực Thảo” lại từ “viên ngậm Trung dược” biến thành “Bảo kiện phẩm”. Nhưng trong thực tế, Thanh Hải Xuân Thiên không làm thủ tục nhận giấy phép phê chuản “Bảo kiện phẩm”.
Họ tập trung tinh lực cho việc quảng cáo tiêu thụ, không nhận được giấy phép sản xuất “thực phẩm bảo kiện”. Tư cách “viên ngậm Trung dược” bị bãi bỏ, giấy phép “Bảo kiện phẩm” không có, Thanh Hải Xuân Thiên vẫn sử dụng Giấy phép sản xuất viên ngậm của cơ quan hữu quan tỉnh nhà để sản xuất. Chỉ mình hãng này có được giấy phép đó nên năm 2013 mười mấy doanh nghiệp Đông trùng Hạ thảo ở Thanh Hải viết thư cho cơ quan chức năng yêu cầu nới lỏng việc xem xét cấp phép nhưng không được hồi đáp.
Tháng 7/2014, Cục quản lý thực phẩm, dược phẩm Thanh Hải phải hủy bỏ Quy phạm bào chế viên ngậm Trung dược; nhưng đồng thời lại quy định: viên nguyên chất Đông trùng Hạ thảo là “sản phẩm thí điểm khai thách lợi dụng ưu thế tài nguyên thiên nhiên”, quản lý với tư cách “đặc sản bổ dưỡng”, theo quy định của cơ quan hữu quan tỉnh này thì việc sản xuất nó có thể được cấp “Giấy phép sản xuất dược phẩm”…
Ngày 4/2/2015, CFDA công bố: sản phẩm “Cực Thảo” của Thanh Hải Xuân Thiên có hàm lượng Thạch Tín (Asen) vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Ngày 6/2, Thanh Hải Xuân Thiên thông báo đáp trả: “Kết quả các thử nghiệm của công ty cho thấy: viên nguyên chất Đông trùng Hạ thảo làm bằng nguyên liệu sạch an toàn, không độc”. Ngày 15/2 họ tiếp tục ra thông cáo: Chỉ dẫn tiêu dùng của CFDA “thiếu cơ sở nghiên cứu, không nghiêm cẩn, gây nên tổn hại danh dự cho toàn ngành chế biến Đông trùng Hạ thảo và công ty chúng tôi”.
Thái độ cứng rắn của Thanh Hải Xuân Thiên được coi là sự thách thức CFDA. Theo thông cáo của CFDA: “Ngày 11/7/2015 chúng tôi đã báo chính quyền tỉnh Thanh Hải đình chỉ việc thí điểm sản phẩm “Cực Thảo”, nhưng phía Thanh Hải Xuân Thiên cho biết họ không nhận được thông báo từ phía tỉnh, dẫn đến việc mãi 8 tháng sau, tức ngày 28/3/2016 công ty vẫn chưa nhận được văn bản này và vẫn sản xuất bình thường”. Ngày 30/3/2016, Thanh Hải Xuân Thiên bị CFDA ra lệnh đình chỉ sản xuất; nhưng 1 ngày sau, Cục quản lý thực phẩm, dược phẩm tỉnh lại đổi Giấy pháp sản xuất dược phẩm cho công ty. Tuy Thanh Hải Xuân Thiên vẫn chưa phục hồi sản xuất, nhưng việc đổi giấy phép được các nhà đầu tư coi là hành động nâng đỡ chống lưng của chính quyền địa phương.
Các nhà đầu tư vào Thanh Hải Xuân Thiên cho rằng, chính quyền ra tay bắt nguồn từ nhu cầu phát triển của địa phương. Trước khi Thanh Hải Xuân Thiên ra đời, Đông trùng Hạ thảo chẳng qua chỉ là thứ “thổ sản” của địa phương, không có giá trị và hiệu ứng thương hiệu, mà sản lượng hàng năm của Thanh Hải Xuân Thiên chiếm tới 60% tổng sản lượng của tỉnh. Đối với một tỉnh thiếu ngành kinh tế trụ cột như Thanh Hải thì Thanh Hải Xuân Thiên vừa là nguồn nộp thuế lớn, đồng thời còn là “danh thiếp” của tỉnh.../.