Hiện nay, có khoảng hơn 50.000 salon tóc trên toàn quốc. Ngành tóc mặc dù phát triển sôi động nhiều năm gần đây nhưng vẫn chưa được xã hội nhìn nhận đúng tầm. Nếu ở những nước phát triển như Thái Lan, Nhật, Anh, Mỹ,.., nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp được xã hội coi trọng, thậm chí là những người dẫn đầu xu hướng; thì tại Việt Nam người ta vẫn chỉ dùng những từ như “thợ” để mô tả nghề tóc. Đào tạo ngành tóc mới chỉ dừng ở trung cấp, dạy nghề.
Ngành tóc Việt Nam có thể “đọ sức” trên trường quốc tế?
Gặp Leslie Đỗ trong buổi chụp hình bộ sưu tập áo dài “Kim Sắc Niên Hoa” của nhà thiết kế La Sen Vũ và tận mắt chứng kiến anh “phù phép” lên những mái tóc của bốn người mẫu những hình thù kỳ lạ, ta mới thấu hiểu nghề tạo mẫu tóc vốn không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Vì chủ đề của bộ sưu tập nói về năm sửu, nên Leslie đã tạo ra những mẫu tóc mô phỏng hình thù của 2 cái sừng và đống rơm – vốn là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam.
Riêng “chim công làng múa” Linh Nga, Leslie lấy tinh thần sang trọng, linh thiêng, thoát tục làm chủ đạo, để làm ra khoảng 2-3 mẫu tóc khác nhau, phù hợp với những bộ áo dài lộng lẫy, đa sắc. Buổi chụp hình kéo dài từ sáng đến tối mịt, nhưng Leslie Đỗ vẫn đợi đến gần cuối ngày, bởi anh tin rằng luôn có thể xảy ra sự cố bất ngờ mà nhà tạo mẫu tóc phải xử lý ngay lập tức trong các sự kiện, dù lớn hay nhỏ.
Leslie Đỗ tái hiện hình ảnh sừng trâu và đống rơm trên bộ sưu tập Kim Sắc Niên Hoa của nhà thiết kế La Sen Vũ. |
Leslie chia sẻ: “Khi làm tóc cho những bộ sưu tập thời trang, điều đầu tiên phải có trong mẫu tóc là linh hồn. Thứ hai là nhà tạo mẫu tóc phải hiểu thấu sự sáng tạo và thông điệp của nhà thiết kế muốn truyền tải. Cuối cùng là cá tính, sáng tạo, gu thẩm mỹ của nhà tạo mẫu”. Đây cũng là những nguyên tắc anh tâm niệm trong suốt bao nhiêu năm làm nghề, tại châu Âu và tại Việt Nam.
Đỗ Hiếu Leslie Hân (Leslie Đỗ), sinh năm 1968, cùng gia đình sang Na Uy từ năm 12 tuổi. Leslie Đỗ đã thi vào trường High Technology để học công nghệ thông tin, nhưng sau một năm học tập, anh đã chuyển sang học về tóc rồi đăng ký tham gia các cuộc thi về tóc tại Na Uy và giành nhiều giải thưởng. Cụ thể, anh liên tục giành giải Nhất cuộc thi kĩ năng nghề tóc NaUy các năm 1991, 1992, 1993, 1995, 1997, 1999, 2000; nhận Đề cử thợ Tóc của năm tại NaUy năm 1993 và 2007; đoạt Giải Nhì trang điểm thế giới năm 2000 do International Makeup tổ chức; và Giải nhất cuộc thi Body Painting (Vẽ trên cơ thể) tại NaUy năm 1991.
Về những tháng năm đi thi quốc tế, Leslie nhớ lại: “Ở nước ngoài, người đi thi phải tự thân vận động toàn bộ, ví như tự đi thi, tự thuê huấn luyện viên để học, tự bỏ tiền, tự tập luyện… Những lần đầu thi tôi luôn đứng đầu về kỹ thuật, nhưng về chuyên môn thì tôi lại đứng chót. Sau nhiều lần thất bại, tôi về nhà tự ngẫm nghĩ và quyết định bỏ ra mấy chục ngàn đô thuê một người thầy chuyên môn cao để dạy mình.
“Biến tấu” mái tóc của “chim công làng múa” Linh Nga. |
Thầy chỉ dạy hai kiểu cắt và một kiểu sấy, tổng cộng ba kiểu cơ bản trong vòng 6 tháng, ngốn gần như một căn nhà của thời đó. Thế nhưng, khi đứng trước nhà chuyên môn, tôi mới nhận ra mình chỉ như con kiến vậy, vẫn cần phải học nhiều, luyện tập nhiều, và trân trọng thầy giáo của mình.” Sau khi học và tự luyện tập trong một năm rưỡi, Leslie quay trở lại với các cuộc thi kỹ năng nghề, và nhiều lần về nhất.
Được biết, các cuộc thi về tạo mẫu tóc trên trường quốc tế thường có hai tiêu chí cơ bản để đánh giá: kỹ thuật và kiến thức. Kỹ thuật ở đây không chỉ là kỹ thuật cắt tóc, tạo hình mà còn cả những kỹ năng mềm như giao tiếp, chăm sóc khách hàng, thuyết trình trước đám đông. Theo đó, một tác phẩm tạo mẫu tóc là bức tranh tổng thể với quần áo, cảnh quan, bối cảnh, thời điểm dựa trên sự sáng tạo, thông minh và tính thẩm mỹ của người làm tóc.
Theo tiến sĩ tóc Leslie, tại Việt Nam, thí sinh tham gia các cuộc thi quốc tế phải có giải từ một cuộc thi quốc gia trước, nhưng sau đó họ sẽ được tài trợ và đại diện nước nhà để đi thi, như vậy có nhiều thuận lợi hơn so với hồi anh phải tự thân ở Na Uy.
Ngành tóc Việt Nam ngày càng sôi động và có những nhân tố tiềm năng, có đủ thực lực để “tấn công” các cuộc thi quốc tế và thị trường quốc tế. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ. Vấn đề nan giải bao lâu nay chính là phần lớn người làm tóc ở Việt Nam, kể cả mới vào nghề đến những người làm nghề lâu năm, hầu như đều không được đào tạo kiến thức căn bản mà thường chỉ thông qua học nghề của người khác.
“Thổi hồn” vào mái tóc, “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ
Nhắc lại khi xưa, Leslie cho biết, sau khi đạt một số giải thưởng, anh vẫn quyết định quay về ngồi ghế nhà trường. Năm 1993, anh có bằng Cử nhân ngành tóc tại Đại học nghề Osloskolen Stovner videregående Skole (NaUy); rồi đến năm 1998, anh đã hoàn thành chương trình cao học tại Đại học Mesterbrev (NaUy).
Sau đó, Leslie vẫn liên tục cập nhật kiến thức và luyện tập rất nhiều để theo nghề. Năm 2003, anh là người Việt đầu tiên và duy nhất được mời tham dự Hiệp hội tóc Thế giới (Intercoiffure). Ở Na Uy, cái tên Leslie Đỗ cũng xuất hiện ở nhiều sự kiện, bên cạnh tên tuổi của nhiều ngôi sao lớn. Anh được mời trang điểm cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Na Uy 2001, người mẫu trang bìa các tạp chí hàng đầu Na Uy; Hoa hậu Hoàn vũ Na Uy 2006 Karoline Nafstad Nakken, ca sĩ quốc tế Morten Harket… Anh còn là Giám đốc một chuỗi gồm 16 salon tóc ở Na Uy, và cũng từng là Giảng viên tại trường nghề Stovner (NaUy).
Leslie Đỗ tạo mẫu tóc và make-up cho ca sĩ nhóm nhạc A-Ha. |
Dù đã gặt hái thành công trên trường quốc tế, qua những lần về Việt Nam làm việc, Leslie Đỗ càng đau đáu trăn trở về “lỗ hổng” kiến thức chuyên môn của thế hệ tạo mẫu tóc tại nước nhà. Anh đánh giá, giới làm tóc ở nước ta có nguồn năng lượng rất lớn và nhiều tiềm năngnhưng còn thiếu căn bản.
Nếu các bạn có kiến thức thì chắc chắn con đường tương lai sẽ rộng mở hơn nữa, các bạn cũng có thể lựa chọn kinh doanh, đi thi trong nước đến quốc tế, đi du học nước ngoài, làm việc tại các thương hiệu nổi tiếng thế giới, hay thậm chí, làm thầy của những thế hệ tiếp theo. Ngành tóc Việt chỉ có thể phát triển mạnh mẽ, vươn tầm quốc tế, khi cộng đồng làm nghề có nhiều nhân tố sáng giá, đạo đức tốt, kiến thức sâu, kỹ năng cao.
Leslie Đỗ quyết tâm ở hẳn Việt Nam từ năm 2016 để thực hiện việc “tiếp lửa, truyền nghề” cho thế hệtrẻ. Anh đã đóng các vai trò quan trọng như Chuyên gia Huấn luyện cho Cuộc thi Tay nghề Quốc gia những năm 2012, 2014, 2016, 2018, 2020; và nhận được Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh xã hội cho Chuyên gia có thành tích xuất sắc.
Anh cũng được Hội giáo dục nghề nghiệp vinh danh vì sự phát triển của ngành tóc Việt Nam. Năm 2018, anh đã đại diện Việt Nam chấm thi tại Cuộc thi Int'l Pivot Point Exams ở Indonesia. Sau đó, anh cũng được mời làm Chuyên giachấm thi tại Kỳ thi tay nghềASEAN tại Bangkok (Thái Lan) năm 2018, và tại Singapore năm 2020.
Tiến sĩ tóc Na Uy về nước cống hiến và gặt hái nhiều thành công. |
Bên cạnh đó, Leslie Đỗ đã phụ trách tạo mẫu tóc và trang điểm ở Việt Nam cho các thí sinh, người mẫu trong nhiềuchương trình lớn như: Vietnam Next Top Model 2011, Vietnam Fashion Week 2011, Game Show Hair Idol 2015, Hoa hậu Hoàn vũ 2015,… Cũng không ít người nổi tiếng được Leslie “thổi hồn” vào mái tóc của họ, đơn cử: Lý Nhã Kỳ, H'Hen Niê, Hoàng Thùy, Tiêu Ngọc Linh,...
Kể từ năm 2016, anh đã giữ nhiều chức vụ về đào tạo như Phó trưởng khoa Chăm sóc sắc đẹp Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Chuyên gia trưởng Quốc gia ngành tóc, Giảng viên Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Hiện nay anh đang ấp ủ dự án trường dạy nghề tóc Leslie Academy cùng với Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, xây dựng lộ trình đào tạo bài bản của ngành tóc.
Mong muốn có hệ cao đẳng về đào tạo nghề tóc
Leslie Đỗ chia sẻ mong muốn ngành tóc ở Việt Nam có thể nâng từ trung cấp lên cao đẳng, bởi vì khối lượng kiến thức cơ bản cho ngành này cũng không hề thua kém các ngành nghệ thuật khác như thời trang, ca hát, mỹ thuật… Anh luôn băn khoăn tại sao nghề tóc ở Việt Nam vẫn chưa được xã hội coi trọng.
Trong khi đó, so sánh với nhiều nước châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, những nhà tạo mẫu tóc đều rất được đánh giá cao, đặc biệt khi họ càng lớn tuổi càng tích luỹ được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Nhưng ở trong nước ta, nhiều nhà tạo mẫu tóc lớn tuổi thường sẽ bị đào thải sớm, học viên trẻ sẵn sàng chạy theo những người thầy trẻ tuổi và có danh tiếng.
Trước vấn nạn “mua danh” đang lan tràn sâu rộng trong giới tóc, Leslie trải lòng: “Nhiều người học không có kiến thức và kỹ năng thực sự, chỉ tham gia một số khoá học ngắn hạn của các thương hiệu nổi tiếng, vào một hai cuộc thi để có danh tiếng rồi mở salon kiếm tiền. Theo tôi, cái danh chỉ là những thứ hư ảo. Dù vậy, xu hướng chạy theo thành tích đang giết chết hy vọng của những người theo đuổi nghề chân chính.
Có những người làm tóc có dạo đức nghề, kiến thức, kỹ năng tốt nhưng lại không nhiều người biết đến.Mặt khác, về phía đào tạo, nhiều trường học hiện nay chỉ cần học viên, chứ không quan tâm truyền tải giá trị về kiến thức. Nhiều lúc tôi cảm thấy rất cô đơn trên con đường của mình tại Việt Nam. Đó là một thiệt thòi cho những người đam mê nghề tạo mẫu tóc thực sự, cũng là một rào cản giữa ngành tóc Việt Nam và ngành tóc thế giới”.
Ngành tóc không chỉ đơn giản là bới tóc. |
Kiến thức căn bản không chỉ là kỹ năng, kiến thức chuyên ngành mà còn là cả đạo đức nghề, kiến thức văn hoá - xã hội nói chung. Nói về đạo đức, đầu tiên phải nhắc đến người thầy. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, có thể tìm thấy nhiều chia sẻ, tố cáo của các người học về những người thầy “giấu nghề”, thầy lên mạng xã hội chửi bới học trò, thầy làm trò để gây sự chú ý, thầy thiên vị học trò xu nịnh, quà cáp…
Đây là một vấn nạn có thực ở Việt Nam hiện giờ: Người thầy không có đạo đức sẽ đào tạo ra thế hệ học trò không có căn bản, chỉ biết mưu mô và chiêu trò. Một vấn đề đạo đức khác là sao chép. Ngày nay, người làm tóc chỉ cần tìm kiếm các mẫu “hot” ở trên mạng rồi sao chép về, cố gắng luyện tập một thời gian là có thể bắt chước được, thậm chí đem đi “truyền nghề” cho người khác cũng được. Dạy như vậy sẽ không cho người học căn bản mà chỉ dạy cho họ cách sao chép, làm “chụp giật” chứ không dạy họ sáng tạo.
Leslie cho biết, nhiều bạn trẻ học nghề tóc gia đình không hề khá giả, bố mẹ đi bán bưng, bán rau để gửi tiền cho con đi học. Các bạn đi học nhưng không tích luỹ được gì bởi vì không được dạy đúng cách, khi ra trường bơ vơ không được hỗ trợ, đến nuôi bản thân còn khó khăn chứ nói gì đến việc cống hiến cho xã hội, nghệ thuật. Bởi vậy, cầncó một hệ thống đào tạo nghề tóc bài bản, dài hạn, được giới chức trách nước nhà công nhận.
Chương trình học cao đẳng về tóc có thể lên tới 4 năm, nhiều người sẽ kêu là quá dài, nhưng như vậy mới đủ thời gian cho các bạn “ngấm sâu” kiến thức. Mặt khác, trong khoá học vẫn có thể kết hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, trường học quốc tế để các học viên có thể thực hành, thực tập, kiếm tiền ngay khi vẫn ngồi trên ghế nhà trường hoặc đi du học tại các trường tóc nước ngoài.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ khách hàng
Từng là giám đốc hệ thống chuỗi salon ở Na Uy, Leslie chỉ ra hai điểm khác nhau rõ rệt giữa salon ở Na Uy và salon ở Việt Nam. Đầu tiên, khi mở salon ở Na Uy thì phải đảm bảo hai yếu tố tiên quyết: bằng cấp và chứng nhận bảo vệ môi trường. Môi trường bao gồm: môi trường làm việc cho người lao động, các hoá chất sử dụng cho khách hàng và giải pháp xử lý chất thải của chủ salon. Sau khi cán bộ bảo vệ môi trường đến kiểm tra và chứng nhận thì salon mới được cấp phép hoạt động.
So sánh với Việt Nam, Leslie nhận định: “Salon tóc ở nước mình mở ra tràn lan quá, khó thể kiểm soát việc bảo vệ môi trường. Tôi chú ý các salon tóc ở Việt Nam thường không rõ ràng thông tin về loại hoá chất sử dụng cho khách hàng. Nhân viên thường chỉ phân biệt được dầu gội, hoá chất của nước ngoài hay trong nước. Nếu khách hàng ngày càng tinh ý, họ sẽ lo lắng.
Bởi họ là người trực tiếp tiếp xúc với hoá chất. Nếu đó là phụ nữ có bầu, khách hàng bị dị ứng với hoá chất thì sao? Có thể khách hàng và nhân viên đang hít vào khí độc, tiếp xúc với chất độc hàng ngày mà họ không biết. Sau rồi, những chất độc này thải vào trong nước, chảy xuống cống rãnh, sông hồ và gây ô nhiễm môi trường thì làm thế nào? Nhưng ở Việt Nam, ít ai dạy người làm tóc về những điều này.”
Một sự khác biệt nữa là salon tóc nước ta vẫn chưa chú trọng đến chăm sóc khách hàng. Ở nước ngoài, salon tóc không chỉ là nơi làm đẹp mà còn là nơi xả stress và tâm sự, bởi vì mỗi lần đến salon có thể tiêu tốn khách hàng từ một tiếng đồng hồ đến cả ngày. Do đó, một trong những yếu tố thành công của salon là sự thân thiện, gần gũi với khách hàng. Khi thợ tóc hỏi khách muốn làm đầu như thế nào, khi gội đầu cho khách, khi khách chờ nhuộm, hấp, dưỡng,… đều cần sự giao tiếp giữa các nhân viên salon và khách hàng.
Do vậy, một thợ tóc chuyên nghiệp có thể được coi là “bậc thầy” của giao tiếp, biết từ mạng xã hội, lịch sử, tâm lý học, thời sự, cơ khí, đá banh, rồi đến mấy chuyện tào lao, lá cải, để tiếp chuyện các “thượng đế” của mình. Việc giao tiếp còn có ý nghĩa quan trọng giúp người làm tóc hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng.
“Ví dụ, tôi thấy ở Việt Nam nhân viên gội đầu thường chẳng hỏi han gì khách hàng. Khách nào vào gội đầu họ cũng gãi tóc. Điều này là sai về căn bản vì gãi tóc nhiều sẽ khiến da đầu bị xước xát, hư tổn, mất dưỡng chất trên tóc và da đầu. Sau đó, họ còn sử dụng hoá chất trực tiếp lên da đầu. Vậy bảo sao nhiều người đi salon thường xuyên mà vẫn rụng tóc, khô tóc, tóc hư tổn. Dù nhiều khách yêu cầu ‘gãi tóc cho đã’ nhưng nhân viên phải hiểu được cấu trúc của da đầu mỗi người và cho họ lời khuyên phù hợp.– vị tiến sĩ tóc cho biết.
Quả thực, ngành tóc Việt Nam dù đang rất sôi động và tiềm năng nhưng vẫn tồn tại quá nhiều “lỗ hổng”. Nói về mục tiêu của cá nhân, Lesliechia sẻ: “Ngành tóc Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới rất xa, vì mình chưa thay đổi. Thay đổi không nhất thiết phải từ nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp lớn mà trước hết đến từ cộng đồng, từ các cá nhân.
Nếu những người trẻ theo nghề tóc bây giờ định hình con đường nghiêm túc, kiên trì học hỏi và rèn luyện,họ sẽ có thực lực thực sự. Với cương vị người thầy, tôi luôn tâm niệm phải cống hiến và phát triển các tiềm năng của học trò. Người thầy sẵn sàng chìm xuống để các bạn trẻ vươn lên. Từ đó, thế hệ tiếp theo sẽ noi gương sự tốt đẹp của thế hệ đi trước; như vậy dần dần sẽ có sự thay đổi.”