Cụ thể, theo phản ánh, lợi dụng việc san gạt mở rộng ao, hộ gia đình ông Đặng Văn Hòa đã đưa nhiều thiết bị máy móc vào đào bới những mảnh ruộng của gia đình ông nhằm mục đích tuyển vàng trái phép, diện tích lên tới gần 1ha.
Có mặt tại xóm Suối Găng để “mục sở thị”, PV ghi nhận sau cánh cửa tôn cao vút, kín mít có 2 máy xúc đang đua nhau “gầm rú” xúc đất đá lên máy sàng để lọc tuyển khoáng sản.
Cổng tôn bịt kín ngăn chặn người lạ vào trong khu vực khai thác khoáng sản |
Một người dân sống gần khu vực khai thác vàng xóm Suối Găng bức xúc: “Bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái (tháng 8/2021) gia đình ông Hòa đã đưa máy móc vào đào bới đất đá, xịt rửa để lấy vàng. Đỉnh điểm thời gian giáp tết họ làm cả ngày cả đêm mà không thấy cơ quan chức năng vào xử lý”
Máy móc đào bới diện tích khoảng 1ha |
Theo phản ánh, thời điểm giáp Tết Nguyên đán máy móc làm cả ngày lẫn đêm |
Để thông tin được khách quan PV đã có buổi làm việc với ông Hoàng Duy Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Thị, ông Nhất chia sẻ: “Trên địa bàn xã không có địa điểm nào được cấp mỏ. Khi phát hiện hộ ông Hòa khai thác trái phép, ủy ban xã xuống lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu đình chỉ hoạt động. Ông Hòa cũng có làm ít vàng”.
Ông Hòa từng bị UBND xã Cây Thị xử phạt hành chính |
Trong biên bản số 06/BB-VPHC của UBND xã Cây Thị nêu rõ: “Hộ ông Đặng Văn Hòa đã có hành vi vi phạm hành chính: dùng máy múc đất làm biến dạng địa hình đất, làm suy giảm chất lượng đất, vị trí tại thửa số 25 tờ bản đồ số 52. Buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của thửa đất, thời gian xong trước ngày 20/8/2021”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nhất cho biết: Sau khi bị xử phạt hành chính thì gia đình ông Hòa “xin miệng” UBND xã cho phép cải tạo ao và làm một cây cầu bắc qua suối nằm trên phần đất do xã quản lý. Ông Hòa cũng không có văn bản nêu phương án xây dựng cầu, cải tạo ao, thời gian thực hiện trong bao lâu.
Theo ghi nhận của PV, đã 5 tháng trôi qua nhưng ông Hòa vẫn chưa khôi phục hiện trạng thửa đất bị xử phạt hành chính, thậm chí gia đình ông còn đào bới sang cả phần đất trồng lúa, cây lâu năm và đất nông nghiệp khác. Diện tích ao gia đình ông xin cải tạo chỉ rộng khoảng 1.000 m2 nhưng cũng chưa hình thành ao.
Việc gia đình ông Hòa “núp bóng” làm cầu, cải tạo ao, để khai thác khoáng sản trong thời gian dài khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu chính quyền địa phương có làm ngơ, tiếp tay cho gia đình ông vi phạm pháp luật không?
Tình trạng khai thác vàng trái phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường mà còn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm nạn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Cây Thị.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.