Điều đáng trân trọng là với tài năng, thành công của mình bà cùng người chồng của mình đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương Việt Nam.
Cô bé Việt Nam kiên cường
Trong rất nhiều diễn đàn, cuộc trò chuyện, khi nhắc đến những điều đã dẫn đến sự thành công của bản thân ở thời điểm hiện tại, bà Loan luôn nói về quãng thời gian còn được sống tại quê hương Việt Nam. Bà nói rằng, người ta thường tin rằng 12 năm đầu tiên của cuộc đời là 12 năm quan trọng nhất, bởi nó sẽ định hình nhân cách, tư tưởng, quan điểm sống của cả một đời người. “Tôi có may mắn đó là 12 năm đầu đời tôi được lớn lên ở Việt Nam, được ba tôi dạy dỗ và nuôi nấng”, bà Loan chia sẻ với báo chí.
Tuổi thơ của bà Loan có nhiều kỷ niệm đẹp nhưng cũng nhiều cơ cực vì đất nước còn chìm trong bom đạn như bao đứa trẻ Việt Nam trong thời kỳ đó. Lê Duy Loan sinh năm 1962, từ khi lọt lòng đã phải chứng kiến những mất mát do cuộc chiến tranh phi nghĩa gây ra. Nhà của bà Loan nhiều lần cũng bị bom mìn làm tan nát. Bà được ba dạy cho cách đan những chiếc giỏ để bắt cá, phơi khô để ăn dần. Khi xây lại nhà, do không có tiền mà bà Loan cùng các chị của mình đã phải phụ cha từ việc phụ hồ đến đến đặt mỗi viên gạch.
Sau này, nhà chuyển nhà từ Nha Trang và Sài Gòn, cha bà dùng số tiền dành dụm được mua một chiếc ô tô để chạy xe buýt. Dù còn nhỏ nhưng bà Loan luôn phải dậy từ 5h sáng theo ba đi bán vé xe rồi 1h chiều lại đến trường đi học. “Chính quãng thời gian này đã hun đúc cho tôi một tính cách cứng rán, độc lập. Đồng thời, đây cũng là quãng thời gian tôi học được nhiều bài học về lòng cảm thông với những số phận kém may mắn hơn”.
Năm 12 tuổi, bà và gia đình rời khỏi Việt Nam với số tiền ít ỏi trong túi. Lúc đó gia đìn bà không có tiền, không có nhà, không biết một chữ Tiếng Anh nào, phải đến một đất nước xa lạ với nền văn hóa hoàn toàn khác. Và quan trọng nhất là gia đình thiếu vắng 2 trụ cột là ba và anh hai bà. Thật sự đó là một thời kỳ rất khó khăn với gia đình bà.
Bà Loan chụp hình cùng các em nhỏ trong ngày hoàn thành một ngôi trường do Sunflower Mission tài trợ xây dựng. |
Dù ban đầu không hề biết nửa chữ tiếng Anh, phải học lùi lại hai lớp so với tuổi nhưng bà vẫn tốt nghiệp thủ khoa khối trung học phổ thông vào năm 16 tuổi, sớm hơn hai năm so với bạn bè cùng trang lứa.
Năm 19 tuổi, cô gái Lê Duy Loan tốt nghiệp đại học tại trường University of Texas, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện tử với thành tích rất cao. Sau đó, Loan bắt đầu đảm nhiệm công việc kỹ sư thiết kế chip nhớ ở tập đoàn Texas Instruments.
“Tôi vừa đi làm, vừa học thạc sĩ ở trường đại học Houston. Thế rồi mọi chuyện cứ như vậy thăng tiến cho tới tận bây giờ, thực sự tôi rất tự hào về những gì mà tôi - một con người gốc Việt từng làm được”, bà Loan nhấn mạnh.
Texas Instruments có nhiều bộ phận nhưng 2 bộ phận lớn chính là Dynamic Random Access Memory (DRAM) và Digital Signal Process (DSP). Ban đầu, bà Loan làm ở bộ phận DRAM.
Bộ nhớ máy tính khi ấy mới chỉ đạt mức 64Kb nên bà thường tập trung thiết kế, mô phỏng, nâng cấp bộ nhớ lên các thế hệ tiếp theo như 128Kb, 256Kb, 1Mb, 16 Mb, 64Mb. Ban đầu, bà chỉ nhận nhiệm vụ kỹ thuật, rồi mới dần nâng lên thiết kế và quản lý nhóm thiết kế của DRAM. Nhưng kết quả nghiên cứu là nỗ lực của tất cả mọi thành viên trong nhóm chứ không phải của riêng ai.
Bà Loan chụp hình cùng cô giáo chủ nhiệm khi còn ở Việt Nam. |
Ngoài ra, bà Loan còn được Texas Instruments cử đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore để hỗ trợ sản xuất bộ nhớ (RAM). Chuyến công tác đầu tiên của bà là ở Nhật Bản vào năm 1985.
7 năm sau khi gia nhập công ty, bà Loan thăng chức lên làm Trưởng phòng thiết kế, và một năm sau được bầu chọn vào vị trí đầu tiên trên nấc thang kỹ thuật của Texas Instruments - thành viên hội đồng kỹ thuật (Member of Technical Staff).
Tiếp đó, dù có gặp đôi chút khó khăn nhưng bà vẫn liên tục gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp khi trở thành thành viên cấp cao hội đồng kỹ thuật (Senior Member of Technical Staff) vào năm 1993; người phụ nữ đầu tiên đạt thành viên ưu tú hội đồng kỹ thuật (Distinguished Member of Technical Staff) vào năm 1997; người phụ nữ đầu tiên đạt vị trí đồng sự của Texas Instruments (TI-Fellow) vào năm 1999.
Luôn hướng về quê hương
Năm 20 tuổi, bà Loan kết hôn với chồng là ông Đào Tuấn, tuy nhiên hai người đều thống nhất dành 10 năm để phát triển sự nghiệp rồi mới sinh con. Sau đó, tới tận năm 1993, hai vợ chồng bà mới vui mừng đón cậu con trai đầu lòng là Đào Lê Quý Đan, cậu út sinh năm 1997 là Đào Lê Quý Đôn.
Họ lựa chọn cái tên có thể đánh vần và phát âm gần giống nhau trong cả hai ngôn ngữ để nhắc nhở con cái rằng: “Dù có sinh ra ở Mỹ nhưng chúng vẫn mang trong tim dòng máu Việt Nam, vẫn là người da vàng tóc đen. Hãy thể hiện vượt trội ở mọi công việc gắn với tên mình, đừng bao giờ làm gì khiến gia đình và quê hương phải xấu mặt”.
Bởi luôn nặng lòng với Việt Nam như vậy mà bà đã cùng chồng sáng lập nên tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận Sunflower Mission để quyên tiền xây trường cho các học sinh nghèo ở nông thôn Việt Nam. Lê Duy Loan tâm niệm sự học cũng giống như hoa hướng dương luôn hướng đến ánh sáng mặt trời. Trẻ em nghèo nếu được hướng theo ánh sáng tri thức sẽ thoát khỏi tương lai tăm tối.
Bà Lê Duy Loan trong Lễ vinh danh ‘Senior Fellow’. |
Từ khi cùng chồng thành lập Sunflower Mission vào năm 2002 cho đến nay, tổ chức này đã vận động xây mới nhiều phòng học khang trang ở các ngôi trường ở Phú Mỹ, Mỹ Quý (Đồng Tháp), Thành Thới A - Thành Thới B (Bến Tre), Bình Phú (An Giang), Phước Hậu ở Tuy Hòa (Phú Yên)... Quỹ khuyến học Đào - Lê trực thuộc Sunflower Mission đã trao hàng nghìn suất học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Trong những năm qua, với tư cách cựu sinh viên ưu tú của Đại học Texas, bà Loan được tạo mọi điều kiện để biến Sunflower thành chiếc “cầu nối” đưa hàng chục nhóm sinh viên Mỹ từ đại học này sang Việt Nam tham gia các chiến dịch từ thiện dưới hình thức workcamp.
Đối với Lê Duy Loan, Sunflower Mission là đứa con tinh thần vô giá. Bà đã dành bao tâm huyết cho nó để tưởng nhớ đến người cha của mình, người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời bà. Bà muốn truyền lời khuyên đó cho hai đứa con nhỏ của mình và giúp chúng gắn bó với Việt Nam bằng những chuyến đưa con về thăm lại mảnh đất quê hương.
Bà Loan cho biết, dù hiện tại mình đang được lái những chiếc xe hơi đắt tiền, ăn những bữa ăn ngon song tất cả chỉ là cái kết viên mãn của một khởi đầu từ vạch số 0. Công việc xã hội đã giúp bà không quên rằng trước kia mình cũng chẳng hơn gì lũ trẻ nghèo khó ở quê hương, và nhận quá nhiều rồi thì cần phải tìm cách để trả lại cuộc đời.
“Tôi luôn có niềm tin mạnh mẽ vào giáo dục. Nó chính là chìa khóa giúp các em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn có thể vươn lên để thoát nghèo và giúp đỡ mọi người. Đôi khi, cuộc đời lấy đi của các em nhiều thứ nhưng không thể cướp lấy kiến thức trong bộ não của các em được” - bà Loan chia sẻ.