Theo tìm hiểu của phóng viên, việc nhập khẩu máy “đào” tiền ảo thời gian gần đây bùng nổ mạnh mẽ. Nguyên nhân do giá tiền ảo Bitcoin tăng chóng mặt, có thời điểm lên mức gần 5.000 USD/Bitcoin.
Bên cạnh đó, do Trung Quốc siết chặt quản lý tiền ảo nên giá máy đào tiền ảo nhập khẩu có xu hướng giảm sâu. Tranh thủ cơ hội này, các doanh nghiệp đã nhập khẩu với số lượng lớn. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 1255/QĐ-TTg ngày 21-8-2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo thì lượng doanh nghiệp xin nhập máy đào tiền ảo tăng mạnh.
Bỏ hàng trăm triệu đồng mua “trâu cày” Bitcoin
Không khó để tìm được các địa chỉ cung cấp máy “đào” tiền ảo. Các doanh nghiệp cung cấp mặt hàng này chủ yếu tại TP HCM. Liên lạc với nhân viên Công ty GH, một doanh nghiệp chuyên cung cấp máy “đào” Bitcoin, phóng viên được báo giá cho một dàn máy dao động từ 50-55 triệu đồng, cộng với chi phí gửi máy bay ra Hà Nội khoảng 500.000 đồng.
Theo nhân viên này, hiện có 2 loại máy “đào” Bitcoin. Một là dàn máy chuyên dụng nhưng tại Việt Nam ít người dùng do giá thành rất cao. Phổ biến trên thị trường là những dàn máy lắp ráp các PC với card đồ họa rời cực mạnh và cài phần mềm đào Bitcoin (CGMiner).
Việc “đào” Bitcoin được quảng cáo là khá dễ dàng, đơn vị cung cấp sẽ lắp và cài đặt sẵn phần mềm, phần mềm này hoạt động liên tục, khi đào được Bitcoin sẽ thu thập và chuyển về tài khoản (ví) cho người “đào”. Người “đào” chỉ việc theo dõi số tiền “đào” được qua điện thoại.
“Trung bình mỗi ngày, trừ chi phí tiền điện mỗi máy đào 24/24h sẽ “đào” được khoảng 9 USD, tương đương khoảng 200.000 đồng, trung bình khoảng 8 tháng sẽ hoàn vốn. Hiện nay giá Bitcoin có xuống một chút nhưng tới thời điểm nào đó chắc chắn sẽ tăng, người “đào” vẫn có lời” - nhân viên tư vấn cho biết.
Tuy nhiên, người bán hàng cũng tư vấn thêm, nếu khách hàng ở Hà Nội có thể gửi máy tại xưởng của doanh nghiệp chứ không nhất thiết phải mang máy về. Khách hàng mua máy có nhu cầu gửi sẽ có hợp đồng gửi, biên bản bàn giao tài sản. Khi lấy máy về thì chỉ cần thông báo cho công ty. Từng tháng, khách hàng sẽ phải trả tiền điện do máy tiêu thụ và tiền dịch vụ gửi 500.000 đồng/máy. Trung bình một dàn máy tiêu thụ khoảng 1,7 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Xưởng có camera, bảo vệ 24/24h, hệ thống báo cháy, chữa cháy.
Liên quan đến trào lưu nhập khẩu máy “đào” Bitcoin, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan khẳng định do tiền ảo không phải một loại tiền tệ nên cơ quan này “không liên quan” trong việc quản lý máy “đào” tiền ảo. Ngoài ra, theo cảnh báo đối với những loại máy tính chuyên dụng đắt tiền để “đào” Bitcoin, khả năng bị cài mã độc là rủi ro khó tránh khỏi, thậm chí có thể bị cài đặt sẵn một số lệnh kinh doanh cơ bản với những ý đồ khác nhau. Do máy “đào” bị cài mã độc, các nhà đầu tư ngờ nghệch sẽ thất bại, những nhà đầu tư có trình độ chuyên môn cũng sẽ chỉ hòa vốn hoặc lãi một chút để an ủi và tiếp tục mua sắm máy móc để “đào” Bitcoin.
Theo cơ quan hải quan, máy “đào” Bitcoin được các doanh nghiệp xin nhập khẩu là máy xử lý dữ liệu tự động, do Công ty Công nghệ Bitmain của Trung Quốc sản xuất. Trong đó, Antminer L3+ được lắp đặt từ chip đồ họa để phục vụ chính cho việc giải mã hệ thống chuỗi SHA256 (thị trường gọi đặc trưng là Bitcoin).
Không dễ để làm giàu
Nếu như trước đây, trào lưu “đào” tiền ảo chủ yếu xuất hiện ở TP HCM và một số tỉnh miền Nam thì thời gian gần đây, cơn sốt này cũng đã lan ra miền Bắc. Anh Trần Hùng Linh, một nhân viên công nghệ thông tin, sau khi nghiên cứu nhận thấy giá tiền ảo Bitcoin tăng mạnh đã rủ thêm 2 người bạn đầu tư mua 3 dàn máy “đào” tiền ảo với giá thời điểm đó là 65 triệu đồng/máy.
Sau 4 tháng “đào” tiền ảo, anh Linh nhận ra việc này thật sự không dễ như những doanh nghiệp bán máy quảng cáo. Mới đầu anh “đào” Bitcoin, tuy nhiên thời điểm đồng tiền này tăng giá mạnh, người người đổ xô đi “đào” nên việc “đào” đồng tiền này cũng khó khăn hơn. Anh Linh chuyển qua “đào” đồng tiền khác, còn lại gom tiền mua Bitcoin để đầu tư.
Nhưng được một thời gian, khi Trung Quốc đóng cửa các sàn tiền ảo thì Bitcoin xuống giá không phanh. “Đến thời điểm này chúng tôi xác định nếu không bán nhanh thì khả năng thua lỗ là rất lớn, nhưng việc bán vào lúc này cũng không phải dễ” - anh Linh nói.
Đáng nói, ngay cả việc “đào” tiền cũng không phải dễ dàng. Mỗi tháng, 3 dàn máy ngốn của anh Linh gần 6 triệu đồng tiền điện. Những ngày nắng nóng, thậm chí anh phải bật điều hòa cả ngày để máy không bị nóng. Chưa kể, do thời tiết miền Bắc nóng ẩm, hay mưa nên các loại máy cũng hay gặp trục trặc. “Máy trục trặc chẳng những không “đào” được tiền hoặc đào chậm mà vẫn phải tốn tiền điện để duy trì. Lúc này đào tiếp cũng dở mà bán máy thì lỗ nặng” - anh Linh cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo, việc đầu tư tiền ảo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đã có nhiều minh chứng. Chẳng hạn, mới đây là sự xuống giá không phanh của Bitcoin sau cơn sốt tăng giá những tháng đầu năm, chỉ với thông tin Trung Quốc cấm các sàn tiền ảo hoạt động. Sự kiện sàn giao dịch tiền ảo BTC-E bị sập cũng khiến hàng loạt nhà đầu tư mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư, trong đó có nhiều người vay nặng lãi để đầu tư Bitcoin.
Hay trước đó, Ethereum trong tháng 6 vừa qua đã xuống giá thảm hại từ 320 USD/ETH xuống chỉ còn 0,1 USD/ETH. Hàng loạt nhà đầu tư đã lâm vào cảnh phá sản. Điều này cho thấy tính không ổn định của giá trị các loại tiền ảo, nó có thể tăng chóng mặt nhưng cũng có thể không còn giá trị chỉ trong thời gian ngắn. Đáng nói là, hầu hết sàn huy động vốn ủy thác đầu tư tiền ảo đều có địa chỉ ở nước ngoài, danh tính không rõ ràng. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ. Tình trạng này đã từng xảy ra với sàn vàng, sàn Forex trước đây.
Không hợp pháp
Về tính pháp lý, ở nước ta, Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này vẫn kiên định quan điểm tiền ảo không được chấp nhận là một phương tiện thanh toán. “Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm” - Ngân hàng Nhà nước khẳng định. Theo chuyên gia kinh tế, luật sư Bùi Quang Tín, CEO trường Doanh nhân Bizlight, việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch.
Ngoài ra, việc giao dịch bằng tiền ảo mang tính ẩn danh nên có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ.
Trước sự phức tạp của hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam, mới đây Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Mục đích đề án nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của Việt Nam, nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu đang tồn tại và sẽ diễn ra, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Ngay khi Đề án được phê duyệt, nhiều người cho rằng, tiền ảo sẽ sớm được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, ngay sau đó Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp khẳng định lại quan điểm không công nhận tiền ảo là tiền tệ hợp pháp và không phải phương tiện thanh toán. Trên thực tế, tại nhiều nước cũng đã có hành lang pháp lý quản lý tiền ảo nhưng loại tiền này vẫn không được chấp nhận là phương tiện thanh toán.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với thực tế ở Việt Nam thì có hai đề xuất phương án quản lý, hoặc là cấm hoặc là chấp nhận như một loại hàng hóa. Trong trường hợp cấm thì đương nhiên những người chơi sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.
“Trên danh nghĩa chúng ta có thể kiểm soát được sự bành trướng của nó, nhất là không cho phép đồng tiền này được sử dụng như một công cụ phục vụ cho các hành vi phi pháp, tham nhũng và rửa tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu cấm đoán thì các giao dịch này thay vì công khai sẽ đi vào hệ thống ngầm, khi đó lại càng khó khăn hơn trong việc quản lý”, chuyên gia này nhận định.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho biết, ông nghiêng về phương án chấp nhận tiền điện tử như một loại hàng hóa, tức là, không cho phép thanh toán để mua hàng hóa, nhưng có thể chấp nhận việc những người chơi giao dịch, trao đổi với nhau. Ví dụ như khi một người muốn vào sòng bạc để chơi, theo quy định người đó không được dùng đồng tiền giao dịch bên ngoài mà phải đổi ra các chip. Khi đánh bạc, những người cùng chơi chấp nhận con chip đó nhưng khi rời khỏi sòng bạc thì phải đổi chip sang tiền tệ.
Tuy nhiên, việc chấp nhận tiền điện tử như một loại hàng hóa cũng cần thận trọng, bước đầu nên tập trung xây dựng quy chế, chế tài quản lý cho một loại phổ biến và có sức ảnh hưởng nhất như Bitcoin. Đồng thời cần xây dựng những quy định để cho phép những sàn giao dịch tiền điện tử ra đời để quản lý tất cả các giao dịch về tiền ảo qua những sàn này.