Dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn mặn, dịch bệnh nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2020 đạt được nhiều kết quả khả quan. Việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa đạt diện tích hơn 13.7 ha; tỷ lệ chuyển đổi tự phát giảm 4,9% so với năm 2019; tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản vẫn vượt chỉ tiêu, riêng sản lượng khai thác biển tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển nhanh, nhiều HTX tiếp tục nâng chất được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình kiểu mới. Đối với diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn mặn cơ bản đã được khôi phục; nguồn nước dự trữ cho sản xuất và sinh hoạt được lên phương án đảm bảo cho mùa khô năm 2021 và những năm tiếp theo.
Nông dân huyện Cai Lậy điêu đứng vì sầu riêng bị nhiễm mặn nên quả bị rụng sớm |
Năm 2020, gần 5.000 ha cây sầu riêng của hơn 17.000 hộ dân tại huyện Cai Lậy đã bị ảnh hưởng, khiến sản lượng sầu riêng giảm mạnh, thậm chí nhiều chủ vườn đã phải chặt bỏ do cây sầu riêng chết hàng loạt. Để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn năm 2021, phòng nông nghiệp huyện Cai Lậy đã đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh sớm triển khai khoan 16 giếng phục vụ sản xuất cho người dân; yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cần có kế hoạch vận hành hợp lý các cống trên địa bàn huyện.
Huyện Gò Công Đông cũng đề nghị tỉnh sớm triển khai giai đoạn 2 của dự án “Xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông”; tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp và lắp đặt 11 tuyến ống chuyển tải, phân phối phục vụ cho hơn 2.000 hộ dân chưa có nước sạch trong sinh hoạt. Ngoài ra, các đơn vị đề nghị Sở NN&PTNT quan tâm hơn nữa, thông tin kịp thời diễn biến dịch bệnh, tình hình hạn, mặn… để các đơn vị có phương án, kế hoạch phù hợp.
Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2021 cho ngành Nông nghiệp Tiền Giang |
Theo ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, thay đổi chậm; công tác phòng chống hạn mặn tại các địa phương phía Tây chưa thật sự triệt để; tái đàn heo chậm, tỉ trọng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn thấp; chưa có nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản quy mô lớn…
Do đó, Tiền Giang cần có những mô hình cụ thể để thay đổi lối sản xuất tự phát, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sau mỗi dự án cần có tổng kết để rút ra kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng phát triển cây ăn trái, đây được coi là khâu đột phá, lợi thế của ngành nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thu các nông sản chủ lực như thanh long, sầu riêng, xoài cát Hoà Lộc … là những loại sản phẩm đã làm nên thương hiệu của Tiền Giang.
Đặc biệt, dự báo tình hình hạn mặn phải được triển khai nhanh chóng các biện pháp ứng phó, không để hạn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, sớm chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Năm 2021, ngành Nông nghiệp Tiền Giang phấn đấu tăng từ 3-3,7% GRDP; có 11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 96% tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung; trồng mới 50 ha rừng; diện tích cây lâu năm đạt 105,07 nghìn ha; diện tích nuôi thủy sản đạt 15,2 nghìn ha…