Ngay ngáy lo nhà dân gần kho hóa chất
Theo con số được cung cấp từ Cảnh sát Phóng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 1.355 tai nạn sự cố có liên quan đến cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ. Trong đó, có 448 vụ cháy, so với cùng kỳ 2014 đã giảm 56 vụ, làm chết 3 người, bị thương 35 người; ước tính tài sản thiệt hại trên 350 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các sự cố vi phạm về sử dụng điện: chạm chập điện, do nghẽn mạch, quá tải… chiếm khoảng 60-70% tổng số vụ cháy xảy ra.
Các vụ cháy hầu hết xảy ra trong khu vực dân cư đô thị, đặc biệt khu vực nhiều hẻm sâu chằng chịt, các hệ thống điện có nguy cơ mất an toàn. Rất nhiều ngôi nhà hộp trong hẻm chỉ có một lối thoát duy nhất phía trong, khó thoát hiểm khi có tai nạn cháy nổ.
Vì vậy trên thực tế, các vụ cháy nổ diễn ra, nguyên nhân dẫn đến chết người do cháy thường không phải là chết cháy mà đa số là bị ngạt khói, chết lâm sàng, sau đó nếu không can thiệp kịp thời mới bị tử vong.
Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM còn có nhiều “phố chợ” trên các trục đường giao thông, người dân vừa ăn ở sinh hoạt, vừa kinh doanh mua bán, do đó những hàng hóa chứa trong nhà khi có tai nạn sự cố về cháy nổ xảy ra cũng dễ cháy lan thành đám cháy lớn.
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, một hiện trạng khác dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ tại TP.HCM là các công trình thiếu an toàn, có nguy cơ cháy nổ cao nằm xen trong các khu dân cư. Theo Đại tá Bửu, những khó khăn trong công tác cháy nổ thuộc về đặc thù của TP.HCM. Đối với địa bàn TP.HCM, nếu theo các quy chuẩn hiện hành của Nhà nước, có nhiều công trình hiện hữu đã tồn tại từ rất lâu.
Đại tá Lê Tấn Bửu |
Hiện nay, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đang tính toán, tham mưu, đề xuất với UBND TP có lộ trình thích hợp để đề nghị các doanh nghiệp có nguy cơ mất an toàn về PCCC xen cài trong khu dân cư để ra khỏi khu vực dân cư, di dời vào các khu chế xuất, tập trung.
Cấp phép cũng dở mà không cấp cũng dở
Cháy nổ xảy ra đã nhiều, hậu quả nghiêm trọng, chết người không hiếm, tuy nhiên, dường như ý thức phòng cháy nổ của người dân và một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa cao. Nguyên nhân xảy ra đám cháy hầu hết bắt nguồn từ sơ suất bất cẩn của người dân trong đun nấu, thờ cúng, sử dụng nguồn lửa, điện, nhiệt, câu mắc điện trong nhà. Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp, kho hàng xen cài trong khu dân cư thì phát hiện không ít nơi mất an toàn về cháy nổ.
Một hiện trạng thường gặp đó là việc thiếu trang bị kiến thức cũng như các phương tiện phòng chống cháy nổ trong nhà dân. Không nhiều hộ gia đình có bình chữa cháy mini sẵn trong nhà, đa phần còn lúng túng khi xử lý các tình huống cháy nổ. Hay các phương pháp để giữ an toàn tính mạng và thoát hiểm khi xảy ra cháy nhà, ngạt khói (nằm xuống nền nhà, bịt mũi miệng bằng khăn ướt, khi xây nhà luôn để một lối thoát hiểm thứ hai…) không phải người dân nào cũng nắm rõ.
Theo Đại tá Bửu, điều quan trọng hiện nay là việc nâng cao ý thức cảnh giác với “giặc lửa” của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan. Chỉ cần mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và những người đứng đầu các ngành, đơn vị nắm rõ các quy tắc an toàn cháy nổ cũng như cẩn thận hơn trong mọi trường hợp thì nhiều tai nạn cháy nổ thương tâm đã không xảy ra.
Một tồn tại nữa là các công trình thiếu an toàn nằm trong khu dân cư, do xây dựng đã lâu trước khi có quy định của Luật. Những trường hợp này, cơ quan Cảnh sát PCCC không thể “liều mình” cấp phép về đảm bảo an toàn. Nhưng nếu không cấp thì người dân, doanh nghiệp bị thiệt. Còn để lên phương án sửa chữa và thay đổi kiến trúc như thêm lối thoát hiểm… là không dễ.
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, cơ quan Cảnh sát PCCC TP.HCM đã đề xuất với Bộ Công an, lãnh đạo TP những giải pháp tương ứng để làm thế nào vừa giúp người dân và doanh nghiệp ổn định cuộc sống, phát triển doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo tối thiểu an toàn về PCCC. Hiện tại Điều 63A Luật PCCC bổ sung được ban hành vào năm 2013 đã giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.