Số người chết vì khói thuốc gấp 3 lần vì HIV và tai nạn giao thông
Nguyên nhân là do quá trình đốt cháy tạo khói của thuốc lá điếu tạo ra tới hơn 40 ngàn độc chất, trong đó có tới hơn 40 chất cực độc tác động trực tiếp lên phổi và các cơ quan. Độc hại là vậy, nhưng việc cai nghiện thuốc lá không dễ dàng. Thực tế cho thấy tỷ lệ cai nghiện thành công chỉ tầm 8%, chưa kể tỷ lệ tái nghiện là rất cao.
Chính vì thế, trong những năm gần đây, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền việc bỏ thuốc, cai nghiện, các tổ chức y tế công cộng thế giới và Chính phủ nhiều nước đã bắt đầu quan tâm tới các giải pháp giảm thiểu tác hại. Mỹ, Canada, Thụy Điển, Anh, New Zealand, Nhật Bản… và nhiều quốc gia khác đã kết luận, thuốc lá thế hệ mới do áp dụng công nghệ không cháy, loại bỏ quá trình tạo khói có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Điều quan trọng là các sản phẩm này cần được đưa vào luật quản lý cụ thể, tuân theo chỉ dẫn nhà sản xuất. Và trên hết, cần xác định sản phẩm này chỉ dành cho những người đang hút thuốc lá điếu, có nhu cầu chuyển đổi sang các biện pháp giảm thiểu tác hại.
Tỷ lệ cai nghiện thành công thuốc lá rất thấp. |
Tại Anh, chiến dịch “Stoptober” của Tổ chức Y tế Công cộng Anh (khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá vào tháng 10 hằng năm) khuyến nghị những người hút thuốc lá sử dụng thuốc lá điện tử để thay thế thuốc lá điếu đốt cháy vốn được khoa học xác định là gây hại nhất. Cơ quan Tăng cường Sức khỏe của New Zealand cũng áp dụng hướng tiếp cận tương tự.
Nhật Bản, thị trường thuốc lá làm nóng lớn nhất thế giới với đặc điểm dân trí và tuổi thọ cao, đã và đang có sự chuyển đổi rõ rệt nhất khi một lượng đáng kể người hút thuốc lá điếu đốt cháy dần chuyển sang các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Trong nghiên cứu mới nhất, Bác sĩ Hiroya Kumamaru, Phó Chủ tịch Bệnh viện Đa khoa AOI Nhật Bản kết luận rằng việc phơi nhiễm với khí hơi (aerosol) từ sản phẩm thuốc lá làm nóng trong một khu vực hút thuốc được chỉ định trong các điều kiện thông thường ước tính là có thể chấp nhận được. Nguy cơ ung thư trọn đời do phơi nhiễm dự kiến sẽ thấp hơn liều lượng gần như an toàn (VSD) là 10−5 (1/100.000), thấp hơn ba bậc so với thuốc lá điếu đốt cháy hút trong cùng điều kiện.
Theo các chuyên gia, góp phần nên sự thành công trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng ở phạm vi toàn quốc tại Nhật Bản là do Nhà nước đã sớm đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới giảm thiểu tác hại vào quản lý. Bên cạnh đó là việc xây dựng chính sách quản lý ít khắt nghiệt hơn với các sản phẩm này, nhằm tạo điều kiện cho những người không thể từ bỏ thói quen hút thuốc dễ dàng chuyển đổi hoàn toàn.
Không cai thuốc lá điếu bằng thuốc lá thế hệ mới
Cai thuốc lá và nicotin đồng thời luôn là biện pháp được các chuyên gia y tế khuyến khích. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, không nên xem thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là biện pháp cai nghiện thuốc lá điếu. Thậm chí các công ty sản xuất thuốc lá thế hệ mới hợp pháp cũng truyền thông rất rõ, sản phẩm của họ chỉ nhằm giảm thiểu tác hại thuốc lá, dành cho những người đang hút thuốc lá điếu, có nhu cầu chuyển đổi để giảm tác hại cho bản thân và cộng đồng.
Thực tế có thể thấy nhiều trường hợp đã bỏ hoàn toàn thuốc lá điếu sau khi dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, nhưng đó không phải là giải pháp được khuyến nghị. |
Tuy nhiên, đến nay tại một số nước, trong đó có Việt Nam, việc thiếu luật quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã vô hình trung tạo điều kiện cho buôn lậu phát triển. Nhiều sản phẩm nhập lậu thậm chí được thiết kế với kiểu dáng bắt mắt, giá thành chỉ vài trăm, thậm chí vài chục ngàn. Không tuân theo chỉ định của nhà sản xuất hợp pháp, các tay buôn hàng thường tung hô thuốc lá thế hệ mới là không độc hại, dùng để cai thuốc lá điếu.
Đáng nói là các hành vi vi phạm này hiện nay chỉ bị xử phạt hành chính, vì chưa có văn bản chính thức nào quy định mức xử phạt liên quan tới thuốc lá thế hệ mới. Lợi nhuận từ việc mua bán hàng nhập lậu này lên tới 400%, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, nên dễ hiểu tại sao hoạt động này ngày càng như nấm mọc sau mưa. Kéo theo đó là nhiều hệ quả về kinh tế, xã hội, trong đó đáng chú ý nhất là nguy cơ giới trẻ tiếp cận và sử dụng thuốc lá thế hệ mới như một món hàng sành điệu, bất chấp sức khỏe.
Tại Việt Nam, thuốc lá thế hệ mới đã xuất hiện hơn 3 năm, nhưng đến nay vẫn “ung dung” nằm ngoài luật pháp. Thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo sớm đưa các sản phẩm này vào quản lý bằng luật, nhưng đến nay điều này vẫn còn đang bỏ ngỏ. Nếu vẫn chần chừ trong việc quản lý sản phẩm, không kịp thời đưa ra những biện pháp ngăn chặn sự tiếp xúc sớm với thuốc lá ở giới trẻ dù là bất kỳ hình thức thuốc lá nào thì hệ lụy do buôn lậu sẽ còn lớn hơn nữa.
Đã đến lúc các cơ quan, những nhà quản lý sớm xem xét đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào luật hiện hành đối với các sản phẩm đã đủ điều kiện và cần có biện pháp nghiêm minh hơn đối với những tội phạm buôn lậu!