Bắt giữ nhưng không xử lý được do các văn bản luật “đá” nhau
Năm 2016, các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ 1.511 vụ/585 đối tượng buôn lậu thuốc lá điếu ngoại, thu giữ tang vật gồm 846.824 gói thuốc lá các loại; đã khởi tố hình sự 25 vụ với 28 đối tượng. Con số này của một tỉnh cho thấy tình hình buôn lậu thuốc lá qua biên giới rất nhức nhối, nhưng do khung pháp lý để xử lý các đối tượng buôn lậu đang còn nhiều bất cập, chồng chéo nên việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.
Một khó khăn trong việc xử lý các đối tượng buôn lậu thuốc lá là phần lớn các vụ thuốc lá lậu bị bắt giữ hầu như vắng chủ. Khi bị phát hiện, hầu hết các đối tượng mang vác, vận chuyển hàng lậu đều quăng hàng bỏ chạy, cơ quan chức năng chỉ thu giữ được tang vật.
Ví dụ, ngày 25/4/2017, trong lúc tuần tra, tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Long An đã phát hiện tại địa bàn ấp 6, xã Mỹ Quý Tây 1 đối tượng nghi vấn đang vận chuyển hàng hóa. Khi nhận thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng đối tượng đã bỏ lại hàng hóa, bỏ chạy thoát thân sang biên giới Campuchia. Tại hiện trường, tổ công tác đã thu giữ được 1.000 gói thuốc lá ngoại, chủ yếu nhãn hiệu là Hero và Jet.
Theo báo cáo của BĐBP tỉnh Tây Ninh, trong 191 vụ buôn lậu do đơn vị phát hiện, xử lý năm 2016 có tới 141 vụ vô chủ. Trong số 50 vụ có chủ, không có chủ đầu nậu nào mà toàn là người mang vác thuê. Việc không bắt giữ được các đầu nậu dẫn đến việc xử lý chưa đạt hiệu quả cao, chưa có tính răn đe, chưa chạm được phần gốc.
Hiện có 4 luật và nhiều nghị định quy định chi tiết việc thi hành luật có nội dung trực tiếp liên quan đến xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu nhập lậu. Đó là: Luật Thương mại năm 2005 và các nghị định quy định chi tiết thi hành luật; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các nghị định quy định chi tiết thi hành luật; Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009. Tới đây là Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhiều nội dung của các luật và nghị định này có sự không thống nhất. Cụ thể, khoản 22 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62, Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Nhưng tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu lại quy định: Việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự phải có số lượng từ 1.500 bao trở lên.
Ngày 26/1/2016, TANDTC có ban hành Công văn số 06/TANDTC-PC về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu với nội dung: “Trước mắt chỉ xem xét xử lý hình sự nếu đáp ứng các yếu tố cấu thành tội buôn lậu và vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới”. Hướng dẫn này đã làm giảm gần như toàn bộ việc xử lý hình sự đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên toàn quốc. Việc xét xử theo tội buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới rất ít khi thực hiện được trên thực tế do đường biên giới Việt Nam tiếp giáp với các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Trung Quốc rất dài, rất khó có bằng chứng chứng minh đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển “qua biên giới”.
Sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá như các quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 124/2015/NĐ-TTg, Công văn số 06/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân Tối cao, Luật Thương mại, Luật Đầu tư… gây khó khăn và ách tắc việc xét xử tội danh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, làm mất dần đi công cụ răn đe có tính mạnh mẽ nhất của pháp luật. Đồng thời cũng làm giảm đi sự quyết liệt trong công tác chống thuốc lá lậu của các lực lượng chức năng vì bắt giữ mà không xử lý được.
Thí điểm tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất thuốc lá nhập lậu
Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, nhãn hiệu Jet và Hero chiếm tỷ lệ trên 70% thuốc lá nhập lậu. Số lượng thuốc lá buôn lậu năm 2016 ước tăng 10% so với năm 2015, chiếm 20% thị phần, gây thất thu thuế của Nhà nước ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng. Theo Hiệp hội, công tác chống buôn lậu thuốc lá có dấu hiệu chùng xuống thể hiện qua các số liệu cụ thể như: Số đối tượng bị bắt giữ xử lý hình sự giảm 53,5% (so với năm 2015); số vụ bắt giữ xử lý hình sự giảm 58,9%; lượng thuốc lá bị bắt giữ và tiêu hủy cũng giảm hơn 30% (6,81 triệu bao so hơn 10 triệu bao năm 2015). Năm 2015, cả nước đã tiêu hủy 10.147.156 bao thuốc lá lậu, kinh phí hỗ trợ là 30,3 tỷ đồng. Năm 2016 tiêu hủy 6.815.873 bao, với kinh phí hỗ trợ là 21,6 tỷ đồng.
Ngoài việc các luật và nghị định “đá” nhau gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu thuốc lá thì chi phí để tiêu hủy thuốc lá nhập lậu cũng rất lớn. Mức hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá nhập lậu là 3.500đ/bao. Từ 1/1/2017, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã nâng mức hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá nhập lậu lên 4.500đ/bao. Vì vậy, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu nếu phát hiện là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng thì thực hiện việc tiêu hủy theo quy định hiện hành. Đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất; thời hạn thí điểm là một năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.
Khi thực hiện tái xuất thuốc lá, không cho tái xuất bằng đường bộ và đến các nước có chung đường biên giới đất liền; chỉ cho phép tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan kiểm soát chặt chẽ việc tái xuất, không để tình trạng thẩm lậu trở lại thị trường nội địa.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu theo phương án nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2017.