Ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế của Bộ Tư pháp:
Luật về chuyển giới sẽ sớm được trình Quốc hội
Thưa ông, so với Bộ luật Dân sự 2005 thì Bộ luật Dân sự 2015 có những điểm gì mới cơ bản?
- Thực ra có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này và cũng có rất nhiều nhận xét, đánh giá, bình luận về những điểm mới cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015. Ở đây, tôi xin vắn tắt lại một số điểm đáng chú ý nhất và trích lại những đánh giá của các chuyên gia pháp luật dân sự của Nhật Bản đối với Luật Dân sự Việt Nam bởi những chuyên gia này đã từng giúp Việt Nam xây dựng Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật Dân sự 2005 cũng như là Bộ luật Dân sự 2015. Các chuyên gia đưa ra nhận xét “ Bộ luật Dân sự 1995 là bộ luật của nền kinh tế thị trường tập trung quan hệ bao cấp và Bộ luật Dân sự 2005 thì mới bước vào ngưỡng cửa của nền kinh tế thị trường còn Bộ luật Dân sự 2015 về cơ bản đã đáp ứng được đầy đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường”.
Như vậy, một trong những đặc điểm cơ bản, nổi bật nhất của Bộ luật Dân sự 2015 đó là đã phản ánh được đầy đủ nền kinh tế thị trường. Tất nhiên, bên cạnh đó còn có một số điểm mới khác như bảo vệ tốt hơn quyền nhân thân, quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự.
Bộ luật mới cũng đã phù hợp hơn với thông điệp quốc tế. Đã có nhiều chế định về thông điệp quốc tế mới gần đây như điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi hoặc các quy định liên quan đến giao dịch chung, hợp đồng theo mẫu và các vấn đề khác về bồi thường thiệt hại. Qua đó, đã bảo vệ tốt hơn quyền của công dân, quyền của doanh nghiệp trong giao lưu dân sự. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự lần đầu tiên đã khẳng định chính thức Bộ luật Dân sự là pháp luật gốc của pháp luật tư. Vậy thì với cách tiếp cận như Bộ luật Dân sự 2015 thì từ nay hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ dần dần ổn định hơn, qua đó các pháp luật tư điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân và doanh nghiệp thì phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015. Điều này sẽ tạo tiền đề cho hệ thống pháp luật Việt Nam về pháp luật dân sự, về pháp luật tư ngày càng thống nhất, đồng bộ và phát triển, hội nhập quốc tế.
Một quy định được người dân rất kỳ vọng tại Bộ luật này là quyền về chuyển giới, việc đưa quy định của luật vào thực tế cuộc sống đang được triển khai đến đâu, thưa ông?
- Quyền chuyển đổi giới tính quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự là một điểm mới rất được kỳ vọng. Mặc dù khi bắt đầu soạn thảo, cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nhưng Bộ Tư pháp cũng như Cơ quan thẩm tra của Quốc hội và cuối cùng là Quốc hội đã thông qua với tỉ lệ đồng ý rất cao. Quyết định này đã đưa Việt Nam vào danh sách gần 20 quốc gia có quy định bảo vệ quyền chuyển đổi giới tính, như vậy sẽ bảo vệ tốt hơn cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính…).
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp cùng Bộ Y tế xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính và sẽ sớm trình Quốc hội. Nếu Luật được thông qua thì quyền chuyển đổi giới tính của người dân cũng như việc thay đổi họ tên của người chuyển đổi giới tính sẽ được bảo vệ tốt hơn. Điều đó thể hiện được bản chất nhân đạo của pháp luật nước ta cũng như thực hiện cam kết bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
“Tôi đã phải trải qua những tháng ngày rất cay đắng, tủi nhục khi sống phận “thân sâu, hồn bướm”. Nhưng tôi đã dám dũng cảm để đưa ra quyết định tìm lại giới tính thật của mình. “Nếu bản thân mình luôn mang hình dáng của người đàn ông nhưng thực sự lại là một người phụ nữ thì không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc.
Tôi đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật kinh hoàng. Không biết bao nhiêu nước mắt đã phải rơi, không biết bao nhiêu mũi kim đã găm vào da thịt để được mang hình hài của một người phụ nữ. “Đây là cả một quá trình đầy “máu và nước mắt” của Duy. Tôi đã phải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật, chấp nhận sự tàn phá cơ thể sau này khi tiêm rất nhiều hóa chất vào cơ thể chỉ để tự tin trở thành một cô gái đích thực. Cho đến bây giờ, nhiều lúc tôi vẫn thấy giật mình, không tin nổi những thay đổi kỳ diệu của cơ thể mình. Tôi đã là đàn bà với tất cả những gì người đàn bà được Thượng đế ban tặng mà tạo hóa đã nhẫn tâm định lấy mất của tôi”.
“Hiện nay xã hội cũng cởi mở hơn, chấp nhận con người thật của Duy làm cho mình rất vui và hạnh phúc. Đặc biệt, Luật Dân sự đã cho phép chuyển giới. Nhưng quả thật, tôi vẫn còn hoang mang khi không biết việc chuyển giới ở Việt Nam được thực hiện như thế nào, tôi sẽ phải thay đổi các thông tin liên quan đến hộ tịch của mình ra sao, cơ quan nào sẽ công nhận cho tôi đã là một phụ nữ đích thực”.
Anh Lương Thế Huy (Giám đốc chương trình quyền LGBT, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE):
“Điều 37 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thông qua vào ngày 24/11/2015 và có hiệu lực từ 1/1/2017 là một bước ngoặt khi lần đầu tiên hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính và thay đổi giấy tờ nhân thân của người chuyển giới. Trước đây người chuyển giới không thể phẫu thuật ở bệnh viện Việt Nam, dù trình độ y tế nước ta hoàn toàn có thể thực hiện được theo khẳng định của ngành Y tế với mức chi phí rẻ hơn nhiều lần ở nước ngoài. Một nguồn tiền lớn đổ ra các cơ sở y tế ở nước ngoài, nhưng đi cùng với nó là sự rủi ro về cả sức khỏe, tâm lý mà người chuyển giới phải đương đầu. Thêm nữa, dù mang cơ thể với giới tính mới, giấy tờ nhân thân của họ cũng không thể thay đổi cho phù hợp, dẫn tới nhiều khó khăn trong các thủ tục pháp luật và cuộc sống hàng ngày.
Nay với sự “cởi trói” của Bộ luật Dân sự, cuộc sống của người chuyển giới nói riêng, gia đình và bạn bè của họ nói chung đã được nhìn nhận đúng đắn hơn vào thực tiễn. Tuy vậy, quy định của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chỉ mới là cánh cửa mở ra hành lang pháp lý, chứ chưa quy định cụ thể về các điều kiện, trình tự, thủ tục. Những quy định chi tiết này sẽ được giải quyết trong một luật về chuyển đổi giới tính trong tương lai. Vì vậy, cộng đồng người chuyển giới rất mong các nhà làm luật và xây dựng chính sách sẽ tiếp tục tinh thần nhân văn, khoa học như quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự trước đây, để các quy định thật sự tạo điều kiện cho người chuyển giới thực hiện quyền của họ”.
Mộc Miên (ghi)